Ấp ủ liên hoan sân khấu về đề tài người lính

Thứ Hai, 14/02/2011, 09:14
NSƯT Minh Hằng Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội nung nấu dự định, ấp ủ ước mơ: sẽ có một liên hoan sân khấu riêng về đề tài anh Bộ đội Cụ Hồ, như cách mà Bộ Công an đã làm được trong năm vừa qua…

Để lại đằng sau một hành trình sự nghiệp đầy ấn tượng với những vai diễn sâu sắc, mang nhiều thân phận bi thương, từ cuối năm 2010, NSƯT Minh Hằng bắt đầu đảm đương trọng trách Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội.

Miệng nói tay làm, sát sao công việc và chỉn chu, tháo vát, Đại tá Minh Hằng cùng nhà hát của mình đã có một năm đầy hứng khởi, với ăm ắp những cái gạch đầu dòng mới mẻ, ghi dấu thành công. Chưa muốn dừng lại ở mọi điều đã làm được, ngay trong thời khắc đầu tiên của xuân Tân Mão, NSƯT Minh Hằng vẫn nung nấu dự định, ấp ủ ước mơ: sẽ có một liên hoan sân khấu riêng về đề tài anh Bộ đội Cụ Hồ, như cách mà Bộ Công an đã làm được trong năm vừa qua… 

- PV: Nhắc tới Minh Hằng của kịch Quân đội, nhiều người lập tức nhớ lại những vai diễn không hề lẫn lộn như o Giang trong "Tổ quốc", bà mẹ của "Lời thề thứ 9" hay Nhâm ở "Điều không thể mất"… Từ một nghệ sỹ biểu diễn "gạo cội", trở thành nhà quản lý, chị có phải đương đầu với nhiều áp lực không?

- NSƯT Minh Hằng: Các đoàn diễn của Nhà hát vừa đi phục vụ bộ đội và nhân dân ở Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ròng rã 2 tháng trời, tận 22 Tết mới về đến Hà Nội. 70 đêm diễn liên tục, đêm nào cũng ăm ắp khán giả, tràn ngập những tràng vỗ tay ủng hộ, chúc mừng, đấy chính là tình cảm của công chúng dành cho nghệ sỹ chúng tôi. Nói thế để thấy rằng, tôi không bận tâm với các áp lực trên cương vị mới, bởi chúng tôi đã có một nền tảng trên 55 năm, kể từ buổi Đoàn kịch Quân đội được thành lập.

Cuối năm 2009, tôi được bổ nhiệm Trưởng đoàn. Đến đầu năm 2010 (ngày 2-2), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định nâng cấp đoàn lên thành Nhà hát Kịch nói Quân đội. Tên gọi mới, vị thế mới, nhưng truyền thống thì vẫn là một bề dày lịch sử, được tiếp nối trên nửa thế kỷ qua với rất nhiều dấu ấn để đời.

- PV: Vị thế mới không hẳn chỉ thuần túy nằm trong tên gọi hành chính, mà phải thể hiện trên những việc làm cụ thể. Từ đoàn thành nhà hát, ngay trong năm 2010, Kịch nói Quân đội đã làm được những gì khiến chị tâm đắc?

- NSƯT Minh Hằng: Bên cạnh các vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng và anh Bộ đội Cụ Hồ đã làm nên bản sắc, đặc trưng riêng của Kịch nói Quân đội, năm 2010, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi đã bắt tay dàn dựng kịch bản "Dời đô" được dư luận rộng rãi quan tâm, hưởng ứng. Bên cạnh đó, chúng tôi mở lớp tập huấn dành cho các diễn viên trẻ, giúp các em có điều kiện làm quen, thử sức mình trong các vai diễn mẫu, các trích đoạn kinh điển của sân khấu kịch nói. Nhà hát cũng phối hợp với Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tổ chức trại sáng tác tại Nha Trang, mời nhiều nhà văn, nhà viết kịch tên tuổi tới tham dự. Kịch bản "Tôi và các nhân vật phụ" của nhà văn Hà Đình Cẩn, giành giải A giải thưởng Hội NSSKVN năm 2010, chính là thành quả gieo trồng ngay trong trại viết.

Cảnh trong vở "Dời đô" của Nhà hát Kịch nói Quân đội.

- PV: Làm Giám đốc, phải lo hàng núi công việc hành chính sự vụ, tức là khó có thời gian và tâm sức dành cho vai diễn. Chị không thấy thiếu vắng sao?

- NSƯT Minh Hằng: Tôi vẫn thèm diễn lắm, và nếu có vai diễn phù hợp, có khoảng trống thời gian, tôi lại muốn được bước ra sân khấu. Nhưng còn nỗi niềm nữa, đấy là "thầy đàn già, con hát trẻ", cơ hội cần được trao lại cho các nghệ sỹ đang tuổi thanh xuân.

Ngay từ khi chập chững vào nghề, tôi đã may mắn vì được các thầy, các lãnh đạo giao cho vai nữ chính, vai o Giang trong vở diễn lớn, vở "Tổ quốc" của tác giả Đào Hồng Cẩm. Năm ấy, tôi mới 18 tuổi, vừa ra trường, chưa bao giờ chính thức được bước ra sân khấu. Đấy là tiền đề cực kỳ quan trọng cho suốt hành trình sự nghiệp của tôi. Bởi thế, chúng tôi chủ trương, không để các em trẻ phải xếp hàng lâu, phải chờ lâu mới tới lượt có vai diễn, mà tạo điều kiện tối đa, giúp các em luôn được sống trong không khí nghệ thuật.

- PV: Kịch Quân đội vẫn được tiếng đi nhiều, đến nhiều, có mặt tại nhiều điểm nóng, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân và bộ đội. Trong những dặm dài lưu diễn ấy, có kỷ niệm nào khiến chị không thể quên?

- NSƯT Minh Hằng: Không phải với cá nhân tôi, mà cả nhà hát, chuyến lưu diễn tại Trường Sa trong năm 2010 là ấn tượng không thể nói thành lời. Bộ đội ngoài ngoài đảo nói rằng, các anh vẫn được xem hát, thậm chí cả nghe hát chèo, hát cải lương, nhưng xem kịch, xem hài, xem một tiểu phẩm trọn vẹn ngay giữa Trường Sa thì chưa bao giờ có cơ hội. Bộ đội cực kỳ phấn khích vì được tận mắt chứng kiến các nghệ sỹ quen thuộc như Quang "Tèo", Minh Tuấn tung hứng, diễn kịch giữa mênh mang mây trời, sóng nước. Chả thế mà nghệ sỹ Quang "Tèo" cứ ở trên tàu thì say ngất ngư, nhưng lên đảo, thấy bộ đội nhiệt tình chờ đón, anh lại tỉnh như sáo, diễn đến không hề biết đến thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức.

- PV: Bỏ lại những điều đã tạo dựng được, chị mong muốn điều gì hơn cả trong năm 2011 này?

- NSƯT Minh Hằng: Năm 2010, tôi được chứng kiến Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân do Bộ Công an phố hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Liên hoan thu hút được một lực lượng đông đảo các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp của cả nước, thực sự làm nên một cú hích trong đời sống sân khấu nước nhà. Điều đó khiến chúng tôi, những người làm sân khấu Quân đội rất ngưỡng mộ và háo hức.

Tôi ấp ủ và ao ước, bên Quân đội cũng tổ chức được một Liên hoan Sân khấu về hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ. Nếu được phát động, tôi tin, đồng nghiệp ở mọi miền đất nước và cả công chúng khắp nơi cũng hết sức ủng hộ. Nhưng đây là điều không hề đơn giản, bởi liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, và đôi khi, còn là chuyện "lực bất tòng tâm" nữa.

- PV: Cảm ơn chị và chúc cho những dự định của chị sớm thành hiện thực

Khánh Bằng (Thực hiện)
.
.
.