Ao ước khôi phục làng nghề tranh thêu

Thứ Ba, 08/02/2011, 13:39
Nghệ thuật sáng tạo bao giờ cũng tốn thời gian và tâm huyết, trong đó có những người làm tranh thêu. Ở Thái Bình có nghệ nhân Nguyễn Cao Bính tay nghề cao, mấy chục năm cần mẫn để làm nên những bức tranh đẹp, đầy ấn tượng. Thế nhưng, ở một vùng quê như thế, công sức để làm ra một bức tranh mất nhiều, mà tiền bán tranh lại chẳng được bao nhiêu.

Người say nghề số một

Tôi vượt qua bao đoạn đường đồng gập ghềnh về thôn Bùi Xá, Minh Lãng, Vũ Thư, Thái Bình để gặp ông. Ngôi nhà đầy tranh thêu của người nghệ nhân không có biển hiệu hay bất kỳ một biển quảng cáo nào. Miền quê mùa nóng, điện mất liên miên nhưng ông Bính và những người thợ vẫn cần mẫn thêu tranh, mồ hôi túa ra nhưng không vì thế mà chậm tiến độ công việc. Nghệ nhân giới thiệu cho tôi từng bức tranh mình tâm đắc, được gia công rất mất thời gian và tâm huyết. Nhìn vào những bức tranh của ông và cái giá của từng bức, tôi phải thốt lên: "Sao mà rẻ vậy!". Ông nói: "Ở đây chỉ thế thôi, miền quê mà. Nếu là ở thành phố hoặc một địa chỉ đẹp, dễ giao dịch thì tôi giàu rồi".

Khách nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc rất mê tranh của ông và mua về nước họ. Thế nhưng, ông phải làm việc qua trung gian. Lẽ ra ông có thể bán trực tiếp với khách 10 triều đồng/bức, nhưng qua trung gian chỉ còn một nửa. Ông Bính bảo, tính về tiền công một ngày của một nghệ nhân như ông, chỉ được chưa đầy 100.000 đồng/ ngày. Những người thợ bình thường thì được khoảng 1.500.000 đồng/tháng.

Bằng giọng hơi buồn, ông chia sẻ: "Tôi làm vì đam mê, chứ không thể giàu được trong hoàn cảnh này. So sánh tiền công với làm các nghề khác thì thua xa. Đầu tư mở xưởng lớn hơn thì tôi không có khả năng, kể cả việc trưng bày ở các hội chợ triển lãm tôi cũng gặp khó khăn về kinh tế".

Ông Nguyễn Cao Bính bên bức tranh quý.

Ông Nguyễn Cao Bính là người thêu tranh giỏi nhất và là người được phong tặng nghệ nhân tranh thêu duy nhất ở Thái Bình. Tranh của ông có chiều sâu, có sự đầu tư tâm huyết và sức lực, cả niềm đam mê vô cùng vô tận. Ở giữa miền quê lúa Thái Bình, ông thực sự bị đơn độc, đến những làng nghề lớn như làng Quất Động (Hà Nội), Văn Lâm (Ninh Hải - Ninh Bình), XQ Sử Quán (Đà Lạt - Lâm Đồng)... còn nhiều phen điêu đứng bởi sự cạnh tranh của tranh vẽ và khủng hoảng kinh tế thị trường, huống hồ một xưởng tranh nhỏ của ông Bính. Tranh thêu phải đạt được các tiêu chí của tranh truyền thống tạo hình, bố cục, sự phối màu… mà tranh thêu Nguyễn Cao Bính, ngoài những điều đó ra còn có sự tinh tế bởi chiều sâu, sự phối hợp tỉ mỉ, góc cạnh trong từng đường nét, hình sắc đặc biệt là cách phối hợp màu chỉ, tạo gân cho sản phẩm tranh. Nhìn vào mỗi bức tranh, người ta nhận ra sự mịn màng, đa sắc và giá trị thẩm thấu nghệ thuật…

Ông Bính bảo, cái khó của người làm tranh thêu trước hết là việc lựa chọn màu chỉ sao cho phù hợp, xây dựng bố cục và định hình trên nền vải. Người không vững nghề, khi thêu xong một phần thì phần đó bị biến màu, phải tháo ra làm lại, rất mất thời gian. Mức độ khó của nghề còn thể hiện ở chỗ, nghề chọn người chứ người chưa chắc chọn được nghề, đó là triết lý của ông Bính. Bởi theo ông, có người chỉ học vài tháng là làm được nghề, nhưng có người mấy năm cũng chẳng thêu được, đành phải bỏ đi làm nghề khác. "Bản thân tôi, tôi thấy mình là người yêu nghề số một. Đúng là không yêu, thì tôi đã bỏ vì nhiều lúc thấy nản" - Ông Bính nói.

Tâm huyết với thêu chân dung

Sinh năm 1955, năm 1976 tham gia quân ngũ. Khi xuất ngũ, ông gắn với nghề thêu tranh từ cái duyên trời định, sống với đường kim mũi chỉ. Ông bắt đầu học thêu năm 8 tuổi và đặc biệt tâm huyết với thể loại tranh chân dung. Những bức chân dung lột tả được cái hồn của nhân vật lần lượt ra đời, đặc biệt là chân dung các lãnh tụ, chính khách... Ngoài ra, các bức tĩnh vật, phong cảnh, tranh thờ... ông cũng đã thêu hàng nghìn bức và nhiều bức khách nước ngoài rất mê.

Tài sản của ông đặc biệt có 6 bức chân dung Bác Hồ, nhưng ông dự định làm một bức chân dung lớn, có thể phải tốn trăm loại chỉ màu, và đích thân ông mang chỉ vào Sài Gòn để nhuộm cho đảm bảo chất lượng. Đó sẽ là bức chân dung thể hiện tay nghề và thỏa niềm đam mê của người nghệ nhân. Làng nghề tranh thêu nào cũng có những người thêu chân dung, nhưng chân dung của ông Bính có đặc điểm thường là lớn. Ông cũng có những con giống mà các nơi khác không có, đó là một bí quyết nhà nghề ông Bính giữ cho mình.

Trăn trở với nghề

Nghề tranh thêu, ở thôn Bùi Xá - Minh Lãng quê ông thực sự là nghề bị coi như bèo bọt. Thanh niên nam nữ giờ không chịu học và làm nghề này nữa, họ tìm đến cách công ty may sôi động hơn. Nghề giờ chỉ còn thu hút được những người phụ nữ, có năng khiếu và sự nhẫn nại cao. Khoảng gần 20 người làm việc với ông Bính chỉ đủ tranh để duy trì một xưởng nhỏ và đáp ứng những hợp đồng độ 10 bức trở xuống. Ai đặt nhiều ông cũng không dám nhận, vì công việc thêu mất thời gian và không thể làm vội vàng. Ông không cho phép mình vội vàng, cẩu thả và làm ra những sản phẩm kém chất lượng. Ông duy trì nghề còn vì cái thương hiệu nữa. Vì thương hiệu và vì yêu nghề, nên có những khi đang đêm có một ý tưởng bất chợt, ông phải trở dậy để bắt tay vào làm, sợ nó sẽ vuột mất vào sáng hôm sau. Mỗi một bức tranh mới ra đời là một phần mái tóc ông bị bạc. Ước gì ông khấm khá hơn, để có cơ hội làm tốt công việc hơn, đưa thương hiệu của Nguyễn Cao Bính phát triển hơn.

Trong ông Bính giờ trăn trở nỗi niềm giữ nghề, ông có 3 người con (2 gái, 1 trai) nhưng không ai có thể nối nghiệp tranh thêu bởi thiếu cái duyên trong nghề nghiệp. Ai sẽ là người nối nghiệp ông làm nên những bức tranh đẹp? Một khách mua đã nói về tranh ông: "Xem các tác phẩm tranh thêu của Nguyễn Cao Bính ấn tượng mạnh nhất là sự mịn nhẹ, chất liệu chỉ mềm mại, sự tinh tế của đường nét, hình sắc, các đường cong, uốn đã vô hình trung tạo cho mỗi sản phẩm tranh ông một sức sống trong mỗi đường kim mũi chỉ…".

Dầu vậy, nhưng sự bi đát của một dòng tranh cũng trở thành nguy cơ. Người say nghề số một như ông Bính cũng phải sống và tồn tại, tôi ước ông sẽ vượt qua được những thử thách của cuộc sống, để giữ và truyền được nghề

Nguyễn Văn Học
.
.
.