“Anh yêu em” - Một vở diễn đẹp

Chủ Nhật, 01/06/2008, 20:54
Đêm 29/5 vừa qua, tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, một "măng" đạo diễn nữa lại cho ra đời một vở diễn làm nức lòng khán giả yêu kịch. Đó là vở diễn "Anh yêu em", tác phẩm dựa theo cảm hứng từ một cốt chuyện của nước ngoài được nữ đạo diễn Lê Khanh chọn dựng cho bài tốt nghiệp ĐHSK của mình.

Có lẽ công chúng yêu sân khấu cũng như các đạo diễn gạo cội như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Xuân Huyền… đều thấy mừng khi trên sân khấu trong thời gian gần đây đã xuất hiện được một số gương mặt "măng" đạo diễn làm bừng lên sinh khí mới cho môn nghệ thuật lâu nay được coi là giẫm chân tại chỗ, làm lóe lên niềm hy vọng vào thế hệ đạo diễn kế tục các bậc "tre" đàn anh, đàn chị.

Đó là Trung Kiên với vở "Dấu ấn giao thời", Quỳnh Mai với vở "Cung phi Điểm Bích" của Nhà hát Cải lương Trung ương đoạt hai Huy chương vàng, bạc trong Hội diễn tài năng Đạo diễn trẻ 2007 tại TP HCM.

Đó là Anh Tú với vở diễn "Trấn cổ loa thành" của Nhà hát Múa rối Thăng Long gây ấn tượng rất mạnh cho người xem, đó là Hoàng Mai của Đoàn Chèo Hải phòng với vở "Trầu cau"…

Và đêm 29/5 vừa qua, tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, một "măng" đạo diễn nữa lại cho ra đời một vở diễn làm nức lòng khán giả yêu kịch. Đó là vở diễn "Anh yêu em", tác phẩm dựa theo cảm hứng từ một cốt chuyện của nước ngoài được nữ đạo diễn Lê Khanh chọn dựng cho bài tốt nghiệp ĐHSK của mình.

Câu chuyện kể về tình yêu của một đôi trai gái. Họ cũng như bao đôi tình nhân khác, khi yêu cũng giận hờn, ghen tuông, cũng ích kỷ, hiếu thắng… cùng bao sự rắc rồi xưa nay vẫn thường thấy trong mọi cuộc tình. Nhưng rồi thật không may, cô gái xảy chân và đã mãi mãi lìa xa người tình yêu dấu.

Chàng trai vô cùng đau đớn vì mất người yêu nhưng rồi vẫn phải sống, phải tiếp tục tồn tại giữa cuộc đời này. Chàng cố quên nhưng không sao quên được hình ảnh người yêu. Còn cô gái, sau khi mất đi thì đã được lên Thiên đường, nhưng cũng như chàng trai, cô luôn nhớ tới người yêu dấu và hồn của cô luôn quẩn quanh bên anh. Rồi cũng như khi còn đang sống, cô vẫn ghen tuông, giận hờn với chàng trai.

Một loạt các sự biến éo le giữa người sống và người chết đan xen nhau để diễn tả mối tình sâu nặng của hai người rồi kết cục, cô gái vẫn phải rời xa người tình của mình, về cõi xa xăm để đợi người tình của mình trong tương lai, khi chàng đã sống trọn cuộc đời tốt đẹp của mình…

Họ rất tự hào vì đã luôn bên nhau, yêu nhau bất chấp ranh giới giữa sự sống và cõi chết, bất chấp không gian, thời gian.

Câu chuyện kịch mang tính chất giả tưởng nhưng rất thu hút, hấp dẫn người xem. Khán phòng có lúc im lặng như tờ để nghe đôi trai gái tình tự, có lúc lại rộ lên tiếng cười ở những cảnh "trái khoáy" giữa hai cõi sống và chết rồi có lúc lại vang lên tiếng vỗ tay tán thưởng  những lớp diễn hay, điều hiếm thấy trên sàn diễn trong những tháng năm gần đây.

Lê Khanh đã vào nghề đạo diễn với một tác phẩm chững chạc. Chị đã tìm được cho vở diễn một chìa khoá rất độc đáo để chuyển tải hợp lý nội dung vở diễn. Vở diễn tuy ở loại hình giả tưởng nhưng câu chuyện được diễn tả thật mạch lạc, hấp dẫn và có sắc thái rất riêng biệt.

Cách xử lý không gian sân khấu khá nhuần nhuyễn và hợp lý, cách khai thác tâm lý và tính cách nhân vật cũng đa dạng, phong phú tạo được sức thuyết phục cho người xem. Cái khó của vở diễn là những lớp diễn đan xem giữa người sống và người cõi âm đã được Lê Khanh xử lý rất khéo, tinh tế mà không hề bị khiên cưỡng.

Trong vở diễn, người xem đã được thưởng thức nhiều lớp kịch hay mà không hề thấy trùng lặp với ở bất cứ vở diễn nào trước đây như lớp kịch chàng trai và hồn cô gái với cây kèn harmonica, lớp diễn cô đồng lừa đảo, lớp diễn ông cậu Khương già yêu thơ, lớp diễn hồn cô gái bay lên vào phút chót vở diễn…

Và đặc biệt là lớp diễn chàng trai đưa một cô gái trẻ về nhà sau khi người yêu chết đi. Khán giả cũng giống như hồn cô gái trong kịch tưởng rằng chàng trai muốn đưa cô gái về để giải sầu cho quên đi hình ảnh người tình cũ. Nhưng không phải! Anh muốn mượn thân xác của cô gái để mang bộ váy của người yêu cũ, qua đó anh tìm lại một hình bóng thân quen. Lớp diễn này đã đẩy cảm xúc của khán giả tới độ nghẹn ngào, thương cảm.

Vở diễn khép lại trong lòng người xem một niềm yêu thương thiết tha với những gì tốt đẹp của cuộc sống, với những gì gọi là thánh thiện mà cuộc đời này mỗi chúng ta cần phải gìn giữ, nâng niu… để rồi sau này, ai ai cũng phải "lên thiên đường" theo đúng quy luật của cuộc đời thì không có điều gì phải ân hận, hối tiếc.

Như vậy là Lê Khanh đã thành công!

Nhưng cũng phải công bằng mà nói, sự thành công của Lê Khanh có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ với diễn xuất của các nghệ sĩ trẻ: Như Lai trong vai Phong, Hồng Nhung trong vai Vân Vi, Sỹ Tiến trong vai anh Mẫn, Thanh Bình trong vai ông cậu Khương, Quỳnh Dương trong vai cậu Đồng… cùng các nghệ sĩ trẻ khác.

Các nghệ sĩ biểu diễn không căng cứng và rõ ràng đã có một sự làm việc nghiêm túc, đầy suy nghĩ nên những hình tượng nhân vật rất vào lòng người và có lẽ trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ này vẫn là một đội hình mạnh của sân khấu nước nhà. Chúng ta hy vọng họ sẽ trở thành một thế hệ nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc trong tương lai.

Bên cạnh đó, họa sĩ Hoàng Hà Tùng cũng đã tạo nên một sân khấu với nhiều sáng tạo độc đáo và khi kết hợp với ánh sáng, vở diễn đã gây được hiệu quả lãng mạn rất cao, tạo nên những bức tranh sân khấu rất nhẹ nhàng, đẹp và thơ mộng, hoàn toàn ăn nhập với nội dung vở diễn.

Xin chúc mừng Nhà hát Tuổi Trẻ, chúc mừng nữ đạo diễn trẻ Lê Khanh và chúng ta cảm ơn họ đã mang lại cho sân khấu một vở diễn đẹp: "Anh yêu em"

NSND Doãn Châu
.
.
.