Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ...

Thứ Bảy, 26/02/2005, 07:48

Tối 3 và 4/3, Chương trình nhạc giao hưởng "45 năm sự nghiệp âm nhạc của nhạc sỹ Đỗ Dũng" sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.  Nhạc sỹ, nhạc trưởng Đỗ Dũng không chỉ được biết đến là một cây đại thụ của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam mà còn nổi tiếng với bài hát Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ, phổ thơ Chế Lan Viên.

Tại đêm nhạc, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam sẽ trình diễn những nhạc phẩm do ông sáng tác. Thính giả sẽ được nghe trọn vẹn 3 chương của bản giao hưởng Tôi nghe giai điệu quê hương tôi, trích đoạn vở nhạc kịch Người mang áo choàng đỏ dựa trên tác phẩm Bài ca chim Chrao của nhà thơ Thu Bồn và một tác phẩm khác mà ông vừa sáng tác Requiem (Khúc tưởng niệm) viết cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng.

Cuộc đời gắn liền với âm nhạc

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, với Đỗ Dũng âm nhạc là món ăn không thể thiếu ngay từ thuở thiếu thời. Ngay sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông là một trong số những sinh viên Việt Nam đầu tiên được Nhà nước cử sang Liên Xô học âm nhạc và văn hóa. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khoá học, ông trở về công tác tại đoàn Giao hưởng - hợp xướng với tư cách là nhạc trưởng.

Trong câu chuyện đầu Xuân với chúng tôi, nhạc sỹ Đỗ Dũng hồi tưởng: Khi Sài Gòn giải phóng được ít ngày, các nghệ sỹ của đoàn đã dựng rạp biểu diễn ngay tại các khu vực trung tâm thành phố. Không ngờ lại thu hút đông khán giả đến như vậy. Có người khi coi chương trình biểu diễn đã phải thốt lên: "Đây chính là đoàn quân thiết giáp của miền Bắc".

"Đất nước không thể nói là phát triển khi chưa có một dàn nhạc giao hưởng hoàn chỉnh" nhạc sỹ Đỗ Dũng đã từng nói như vậy khi đánh giá về vị trí của âm nhạc giao hưởng trong đời sống âm nhạc nước nhà. Với suy nghĩ ấy, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Pudapest (Hungary) về nước năm 1984, ông được Bộ Văn hóa - Thông tin giao nhiệm vụ đứng ra thành lập dàn nhạc giao hưởng trong điều kiện khó khăn trăm bề. Vậy mà chỉ sau một năm, được sự cộng tác tích cực của Nhạc viện Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam chính thức ra mắt khán giả. Từ một cơ sở nghèo nàn, lấy gara ôtô làm nơi tập luyện, từ năm 1984 đến năm 2000, trên cương vị là giám đốc, nhạc sỹ Đỗ Dũng đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp Việt Nam với trình độ nghệ thuật cao. Người ta còn thấy ông chỉ huy nhiều chương trình giao hưởng, hợp xướng trong nước và quốc tế; chương trình phục vụ những ngày lễ lớn của đất nước.

Không chỉ là người chỉ huy dàn nhạc xuất sắc, ông còn là một nhà sáng tác âm nhạc với những tác phẩm tiêu biểu như: Đại hợp xướng Nhân dân ta anh hùng viết năm 1964 phục vụ Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc; Chúng con chiến đấu cho người sống mãi, Việt Nam ơi viết năm 1965; đại hợp xướng Tiến lên toàn thắng ắt về ta năm 1968, phổ thơ Hồ Chủ tịch phục vụ chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968; đại hợp xướng Đêm nay cả nước lên đường phục vụ cho cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris; hợp xướng 3 chương Tổ quốc viết cho lĩnh xướng và dàn hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông sáng tác nhạc phẩm Sống giữa tình thương đề cập tình thương bao la của Bác với nhân dân. Thật không ngờ, tác phẩm này đã được Dàn nhạc giao hưởng Mỹ biểu diễn sau đó 3 năm. Năm 1993, nhận lời mời của Dàn nhạc giao hưởng Mỹ, ông đã sang Mỹ với vai trò là người chứng kiến trình diễn tác phẩm này. Và ngay tại Grand Rapit (Mỹ), sau hai tuần lao động nghiêm túc, nhạc sỹ Đỗ Dũng đã hoàn thành chương I của bản giao hưởng Tôi nghe âm điệu quê hương tôi. Năm 1996, tác phẩm này được Dàn nhạc giao hưởng Mỹ biểu diễn 2 đêm.

Về đề tài Bác Hồ, năm 1996 ông sáng tác chùm hợp xướng Acapella- hợp xướng không nhạc đệm 7 chương với tiêu đề Nhớ Bác. Sau đó hai năm, nhân kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, ông sáng tác và chỉ đạo biểu diễn tác phẩm Sài Gòn-Thu rồi đó, tác phẩm này được UBND Tp. Hồ Chí Minh trao giải nhì (không có giải nhất).

Cùng các nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Trần Quý, ông còn tham gia viết nhạc cho chương trình kỷ niệm 990 năm Thăng Long. Cũng với đề tài này, cách đây ít lâu, ông đã hoàn thành một concerto cho kèn trumpett và dàn nhạc giao hưởng mang tên Thăng Long ngàn năm.

Ngoài các sáng tác trên, ông còn viết nhiều tác phẩm hợp xướng, nhạc thính phòng, ca khúc nghệ thuật, nhạc cho các phim truyện, phim tài liệu, sáng tác và dàn dựng nhạc múa và nhiều chương trình cho các đoàn văn công quân đội, địa phương... Những ca khúc trữ tình của ông được không ít người yêu thích, đặc biệt là bài Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ, phổ thơ Chế Lan Viên mà sinh thời, cố NSND Lê Dung đã biểu diễn rất thành công cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.

Mặc dù ở tuổi 65, đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn miệt mài lao động nghiêm túc, các tác phẩm âm nhạc ở nhiều thể loại khác nhau vẫn được ông cho ra lò đều đặn để phục vụ công chúng, để rồi những tác phẩm ấy sống mãi với thời gian

Lưu Vinh - Tùng Lâm
.
.
.