Phản hồi về bài báo của ông Nguyễn Đình San trên báo VOV:

Ăn có nhai, nói có nghĩ!?

Thứ Tư, 27/10/2010, 17:29
“Phê phán một tác phẩm văn học điều đầu tiên phải xuất phát từ cái tâm, nhưng chỉ cái tâm thì không đủ, cần phải có kiến thức về loại hình nghệ thuật mà mình muốn phê phán, còn cái kiểu phê phán nói lấy được, hoặc nói cho sướng miệng, thì quả thật... không còn gì để nói. Các cụ nhà ta có câu: ‘Biết thì thưa thốt’”, một diễn viên trẻ bức xúc sau khi đọc "bài bình luận" của ông Nguyễn Đình San.
>> Không hiểu lý luận sân khấu, mà lại bày cách... viết kịch

Trên tờ báo VOV có đăng bài của ông Nguyễn Đình San với tiêu đề "Nhìn từ một Liên hoan". Nội dung bài báo đã có những phê phán Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” do Bộ Công an và Bộ Văn Hóa - Thể Thao & Du Lịch (VHTT&DL) tổ chức. Trong bài của ông San đã đưa ra những thông tin sai, thậm chí có ý đồ xuyên tạc, và cố tình bóp méo sự thật, gây nên công phẫn với những người làm nghề, và nhiều khán giả yêu sân khấu...

Nếu, ông San vì lý do mục đích cá nhân nào đấy, có những phát ngôn không đúng ở trên bàn trà, thì là việc riêng của ông, nhưng lại đăng tải ở trên một tờ báo, thì không còn là chuyện cá nhân nữa. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc, chúng tôi trích đăng tải một số ý kiến phản hồi của nghệ sĩ trong những ngày này tới tấp gửi về tòa soạn và mổ xẻ đằng sau những phát ngôn sai lệch của ông San nhằm mục đích gì?!

Diễn viên Hoàng Tùng (Nhà hát Tuổi trẻ): Ông San nên đến đền Ngọc Sơn để học thuộc câu đối

Đọc xong bài báo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những lời nhận xét không có tính xây dựng, mang nặng những suy nghĩ chủ quan của ông San. Các cụ xưa có câu rằng: "Ăn có nhai, nói có nghĩ", hình như ông San là người không biết câu này.

Nhân kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9; Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống CAND, 5 năm  Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ VH, TT&DL tổ chức Liên hoan sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”. Đây là lần thứ hai hình tượng người chiến sĩ CAND lại được thắp sáng trên sân khấu kịch từ nhiều thể loại, từ kịch cho đến chèo, cải lương, dân ca, kịch hình thể... đến từ 17 đơn vị chuyên nghiệp trong cả nước hào hứng tham dự.

Từ đơn vị nghệ thuật luôn nhận lá cờ đầu trong việc phát triển và cống hiến với nền nghệ thuật sân khấu nước nhà như Nhà hát kịch Việt Nam mang danh "anh cả đỏ", Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Chèo Thái Bình... vậy mà ông San lại bảo thiếu đơn vị mạnh. Vậy không hiểu ông San có "tận mục sở thị", có được đi xem hay không? Hay là chỉ là “nghe hơi nồi chõ” mà nói bừa.

Ông  San lại lớn tiếng cho rằng "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" là  một sự lặp lại một mô típ quen thuộc đã trở nên nhàm chán, nào là người Công an đứng trước tình thế khó xử như phải ra quyết định xử lý (đề nghị khởi tố, bắt tạm giam). Vậy xin hỏi ông San, Công an là lực lượng chủ công trong đấu tranh giữ gìn an ninh quốc gia và đấu tranh với các loại tội phạm hình sự để giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân... Vậy thì công việc của người Công an là trấn áp, bắt giam với những kẻ vi phạm pháp luật và giáo dục cảm hóa những người lầm lỗi để họ trở thành người lương thiện, đó là công việc muôn thủa.

Văn học nghệ thuật, từ sân khấu, điện ảnh có nhiệm vụ phản ánh hiện thực đời sống. Công an cũng là người, họ cũng có hỉ, nộ, ái, ố cho nên trước những tình huống mà họ phải đi đến một quyết định thì không thể không suy tư, đó là sự dằn vặt giữa tình và lý, giữa việc công và việc tư.

Với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật tên tuổi, các nghệ sĩ đã thành danh, Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” là một trong những hoạt động văn hoá lớn của năm 2010. (Ảnh lễ trao giải Liên hoan. Tác giả: Trang Dũng).

Ông cao giọng phê phán rằng, có hai vở hơi giống nhau có hai ông giám đốc chính diện quyết định chặn đứng tội phạm nhưng đều có vợ con liên quan đến tội phạm, hoặc tay nhúng chàm... Nhưng ông San không biết rằng đây là một thực tế cuộc sống có không ít trong lực lượng Công an, vì thế trong hàng chục vở kịch, có những chi tiết đồng cảnh thì là lẽ dễ hiểu.

Ông lại còn cho rằng sân khấu đang bị xu hướng nghiệp dư hóa và ông đã có những nhận xét mang tính phán bảo: "Một sự dễ dãi khác là nhiều vở trong Liên hoan đã rời xa yêu cầu nghiêm ngặt của thể loại, không thể gọi là kịch mà chỉ mô phỏng, sân khấu hóa...". Thậm chí, ông còn cho rằng vở kịch này kịch kia, mặc dù dàn diễn viên diễn có nghề có lửa nhưng không phải là kịch...

Vậy xin hỏi ông, nếu tác giả không xây dựng một cốt truyện hấp dẫn chặt chẽ về nội dung, tạo dựng nhân vật kịch có đời sống tâm lý thì mới có đất cho diễn viên thỏa thê cảm hứng sáng tạo cho vai diễn. Nhờ nhân vật có đời sống thì diễn viên mới diễn ra lửa được chứ?! Nếu nhân vật được xây dựng èo uột thì làm sao diễn viên diễn có lửa được, phải không ông San? Vậy là ngay trong bài của ông, câu chữ đã phản nhau rồi.

Phê phán một tác phẩm văn học điều đầu tiên phải xuất phát từ cái tâm, nhưng chỉ cái tâm thì không đủ, cần phải có kiến thức về loại hình nghệ thuật mà mình muốn phê phán, còn cái kiểu phê phán nói lấy được, hoặc nói cho sướng miệng, thì quả thật... không còn gì để nói. Các cụ nhà ta có câu: "Biết thì thưa thốt. Không biết thì dựa cột mà nghe". Ở đền Ngọc Sơn có đôi câu đối rất hay nói về cái nghiệp phê bình: "Luận sự thường tồn trung hậu tâm, vật đại phân hắc bạch/ Vi văn bất tác khinh bạc ngữ, đồ tự sính thư hoàng". Xin được  tạm dịch là "Bàn về việc đời nên lấy sự trung hậu làm chính, chớ nên rạch ròi đen trắng. Viết văn đừng có viết những lời khinh bạc, chỉ chuốc lấy sự chê bai mà thôi". Ông San nên đến đền Ngọc Sơn học cho thuộc câu đối này. Rồi thì hẵng đặt bút mà viết báo.

Diễn viên Vũ Đức Minh (Nhà hát kịch Hà Nội): "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe"

Thú thật là nếu không có người đưa cho tôi bản photo coppy bài báo ấy thì tôi cũng chẳng biết ông Nguyễn Đình San là ông nào.

Đọc bài viết của ông về Liên hoan sân khấu “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, tôi cảm thấy như bị xúc phạm, bởi ông đã lớn tiếng đánh giá rằng sân khấu kịch nói này bị "nghiệp dư hóa". Không hiểu ông San nghĩ thế nào khái niệm "chuyên nghiệp" và "nghiệp dư".

Theo như ông, sân khấu đang bị "nghiệp dư hóa", có nghĩa là kịch bản, đạo diễn, diễn viên... Tất tất đều là những người "không chuyên nghiệp" - nghĩa là họ không phải là những người "sống bằng nghề". Hoặc "nghiệp dư" theo như lời ông thì đó là sự dễ dãi, nôm na, là sự non nớt về cấu tứ, về kịch bản, về phong cách diễn... Dù hiểu theo nghĩa nào thì cách đánh giá của ông như vậy cũng chứng tỏ đó là sự định kiến, là việc phê bình thiếu tính xây dựng và hơn cả là sự thiếu hiểu biết.

Đã có không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật được nhân dân đón nhận một cách tự nhiên và lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác... Nhưng nếu "chẻ câu, chẻ chữ" hoặc phê bình theo kiểu lấy kỹ thuật xóa đi cảm xúc chân thật, tự nhiên, lấy quy tắc xóa đi sự thăng hoa của tác giả, nghệ sĩ; hoặc theo kiểu "bới lông tìm vết"... thì sẽ "phát hiện" ra không ít khiếm khuyết.

Một tác phẩm nghệ thuật được đông đảo người xem, người nghe thích thú chưa chắc đã là một tác phẩm hay theo đúng ý nghĩa tốt đẹp của nó. Nhưng một tác phẩm hay thì chắc chắn đó là tác phẩm có nhiều người yêu thích. Trong suốt 10 ngày với 19 buổi biểu diễn, đã có rất nhiều buổi diễn khán phòng Nhà hát Lớn không còn ghế trống. Hẳn, một chân lý thật đơn giản, nghệ thuật đích thực luôn lôi kéo được số đông công chúng. Mỗi điều đơn giản vậy mà ông San cũng không thể hiểu.

Tại Liên hoan sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần này, điều thực sự đáng trân trọng và ghi nhận là tất cả những tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên và những thành viên khác của các đoàn kịch đã biểu diễn bằng tất cả tấm lòng và khả năng tốt nhất của mình. Chúng tôi ý thức được rằng việc biểu diễn các tác phẩm sân khấu về đề tài Công an là trách nhiệm và cũng là nguồn cảm hứng mới mẻ của mình. Chưa bao giờ  công việc của những người lính Công an lại đóng vai trò quan trọng  như hiện nay...

Chúng tôi đã thăng hoa theo cảm xúc diễn xuất tốt nhất có thể, để chung tay xây dựng được hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an. Chúng tôi không sợ chê, không sợ phê phán, nếu như đó là những lời phê phán thật lòng, có tính xây dựng. Còn những lời phê phán theo kiểu "nói cho bõ ghét", như kiểu cách nói của ông San thì quả thật, ông nên "...dựa cột mà nghe".

NSND Lan Hương: Thùng rỗng thì thường kêu to

Từ trước đến nay, mảng đề tài về đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội luôn luôn có sức hấp dẫn, cuốn hút trong  các loại hình nghệ thuật như văn học, điện ảnh, sân khấu. Và trong mảng đề tài này, thì công bằng mà nói, các tác giả xuất thân từ Công an luôn chiếm thế "thượng phong".

Các tác phẩm do những tác giả là "Công an nòi" sáng tác, bao giờ cũng thể hiện được chân thực nhất cuộc sống lao động, chiến đấu của người chiến sĩ Công an; cũng thể hiện được sinh động nhất tính phức tạp trong sâu thẳm tâm hồn người lính Công an. Điều đó dễ hiểu thôi, bởi họ là những "chiến sĩ Công an cầm bút" hoặc họ viết như là một sự thôi thúc tự nhiên - sự "tự nhiên" đó có được là do vốn sống của họ về Công an quá dồi dào, quá mạnh mẽ và quá phong phú.

Chưa bao giờ cuộc sống lại phức tạp như bây giờ. Và cũng chưa khi nào cuộc chiến đấu với các loại tội phạm hình sự lại khó khăn, quyết liệt như hiện nay. Tôi không phải là nhà nghiên cứu về tội phạm, nhưng tôi biết rằng trong khoảng thời gian hơn 10 năm qua, đã có hơn 100 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh và gần 500 người bị thương trong các cuộc đấu tranh truy bắt tội phạm. Và cũng đã có những vụ án mà người bị xử lý lại chính là những cán bộ Công an hoặc người thân của họ. Sự thực cuộc sống có nhiều điều phong phú và vượt xa trí tưởng tượng, hư cấu của người sáng tác.

Trong Liên hoan sân khấu toàn quốc về đề tài “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” do Bộ Công an và Bộ VHTT&DL phối hợp tổ chức vừa qua, hầu hết các tác phẩm dự thi đã phản ánh được một cách sinh động về  công việc của người lính Công an, và đã góp phần tích cực vào xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an trong văn học, nghệ thuật.

Những người Công an trong các tác phẩm dự thi đã được các tác giả khắc họa rõ nét và thể hiện được những "góc khuất" trong tâm hồn của họ,  vì thế mà các diễn viên đã diễn rất có lửa. Người diễn viên không thể diễn được hay, "có lửa", nếu như họ  buộc phải vào  những vai "nhạt như nước ốc". Họ diễn "có lửa", thì công đầu phải thuộc về các tác giả kịch bản và thứ đến là sự sáng tạo của đạo diễn và sự "bốc cháy" hết mình của diễn viên.  Nên việc tác giả bài báo khen diễn viên diễn có lửa mà chê kịch bản chẳng phải là sự hiểu biết hạn hẹp, ấu trĩ về loại hình sân khấu hay sao? Người ta vẫn nói: "Thùng rỗng thì thường kêu to" phải chăng, đây cũng là một ví dụ điển hình về “thùng rỗng”.

Còn nếu như ai đó nói rằng tại cuộc thi này, có sự nhàm chán, giống nhau về mô-tip thể hiện hình ảnh người Công an... thì đó là những nhận xét thiếu hiểu biết về mảng đề tài Công an, về thực tế cuộc sống chiến đấu của người Công an. Đó là cách nói lấy được...!

Trần Mỹ Hiền (thực hiện) - Bài đăng trên Chuyên đề ANTG tuần số 1005
.
.
.