60 năm đi tìm người trong ảnh

Thứ Sáu, 11/02/2011, 11:14
Thoạt nghe cứ ngỡ "như chưa hề có cuộc chia ly" chương trình phát sóng trên VTV3. Nhưng đây lại là câu chuyện rất cảm động của một nhà báo nghệ sĩ nhiếp ảnh đi tìm người trong ảnh. Sau 60 năm xa cách, cuối cùng họ đã gặp được nhau, khi những người chụp trong ảnh lúc đó hãy còn rất trẻ, mới 13-14 tuổi, giờ đây họ đã trở thành các cụ bà ngoài bảy mươi cả.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam vừa có chuyến đi xa gần 200km trở về Hà Nội. Được sự đồng ý của ông, tôi đã đến nhà riêng để nghe ông kể lại câu chuyện vừa lãng mạn, vừa cảm động.

Trong căn phòng nhỏ ấm cúng tại số nhà 104 phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nghệ sĩ Mai Nam tiếp tôi như một người bạn đồng nghiệp, mặc dù về tuổi tác, ông hơn tôi gần hai con giáp, nhưng chúng tôi lại thường xuyên gặp nhau vào các buổi sáng ở quán cafe 33 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tại đây đã từ lâu hội tụ nhiều anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên, nhà báo giao lưu với nhau các tác phẩm ảnh nghệ thuật mới đi sáng tác về, tổ chức các triển lãm ảnh cá nhân, hay thông báo cho nhau những cuộc thi ảnh nghệ thuật...

Trong khi chờ đợi ông pha ấm trà mời, tôi tranh thủ quan sát căn phòng. Mọi đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Tôi chú ý đến hai bức ảnh đen trắng được phóng cỡ lớn 50x60 treo trên tường. Bức thứ nhất chụp một cô gái dân quân vai đeo súng, với góc chụp và ánh sáng rất đẹp, bức thứ hai cũng đen trắng và cỡ ảnh như nhau, chụp một ụ pháo cao xạ đang vươn nòng lên bầu trời, ba chiến sĩ bộ đội với tư thế sẵn sàng chiến đấu, ngay cạnh là một đàn gà, gà mẹ đang giương cánh bảo vệ đàn con...

Nếu không lầm, cả hai tác phẩm cùng bức ảnh chiếc máy bay giặc Mĩ bị bắn rơi ở Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc với cái tên "Chạy đâu cho thoát". Cả ba tác phẩm ảnh báo chí này đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Nghệ sĩ Mai Nam lấy trong cặp tài liệu đưa cho tôi xem hai bức ảnh, bức thứ nhất ảnh đen trắng cỡ 9x12, chụp ba cô gái thiếu nhi mặc váy áo dân tộc Thái, đứng cạnh là một thanh niên đang kéo đàn accodeon, nhìn bức ảnh có thể hiểu, tam ca đang tập dượt hát. Bức ảnh thứ hai là ảnh màu cỡ 10x15, chụp ba cụ già tuổi ngoài bảy mươi, đứng cạnh là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam.

Từ phải sang: Phóng viên Trần Tuấn; cựu phóng viên TTX Minh Trường; NSNA Mai Nam gặp lại ba cô gái năm xưa (đứng giữa), nay là ba cụ bà; cô Huệ - cán bộ Bảo tàng Tuyên Quang và nhà báo Cao Phong.

Không để tôi kịp hỏi, ông giải thích ngay: Chuyến đi Tuyên Quang vừa rồi nguyên do chính cũng từ bức ảnh ba cô gái trẻ này, bức ảnh chụp cách đây 60 năm, khoảng 1950-1951. Nhấp ngụm nước trà mới pha, nghệ sĩ Mai Nam ngước cặp mắt ra xa như cố ôn lại những kỷ niệm xa xưa rồi chậm rãi kể lại cho tôi nghe câu chuyện về tấm ảnh kỷ niệm. Trong một cuộc đời người ta có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có. Có những kỷ niệm chỉ thoảng qua trong chốc lát rồi vụt tắt, nhưng cũng có kỷ niệm cứ hằn sâu trong trí nhớ và cảm giác câu chuyện, hình ảnh vừa mới ngày nào bên ta mặc dù nó đã qua đi mấy chục năm rồi.

Ngày đó vào khoảng năm 1949, quân Pháp đánh chiếm tỉnh Bắc Ninh, đây là quê hương tôi. Lúc này phong trào cách mạng khởi nghĩa đang dâng trào từ miền xuôi lên miền ngược, tôi là một thanh niên trẻ hoạt động trong hàng ngũ thanh niên cứu quốc, tham gia phong trào văn nghệ, nghệ thuật địa phương cùng vài người bạn rủ nhau thoát ly gia đình lên Chiến khu Việt Bắc. Tại đây, tôi được làm việc trong Ban Tuyên huấn Trung ương đoàn Thanh niên Cứu quốc và được giao trọng trách dân vận, thành lập Ban văn nghệ thanh, thiếu niên nơi đóng quân tại làng Bình, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. (Thời kỳ ở ATK Việt Bắc tôi mang tên Tân Sơn).

Mãi khi trở về tiếp quản Thủ đô năm 1960, tôi mới đổi tên là Mai Nam. Sở dĩ cấp trên tin tưởng giao cho tôi phụ trách Ban văn nghệ nguyên do tôi chơi được một số nhạc cụ tương đối thành thạo như đàn accodeon, guitar. Quá trình hoạt động, đội văn nghệ cũng tổ chức được nhiều lần đi biểu diễn cho địa phương và các đơn vị đóng quân lân cận. Những người trong ảnh là ba cô gái lúc đó mới mười ba, mười bốn tuổi.

Nghệ sĩ Mai Nam và ba cô gái 60 năm trước.

Rồi ông đẩy bức ảnh cho tôi xem. Còn người kéo đàn accodeon là tôi mới hai mươi tuổi. Trong ảnh, tam ca đang tập dượt lần cuối để đi biểu diễn, bộ váy áo dân tộc Thái các cô đang mặc là mượn của đoàn văn công vừa đi biểu diễn Festival nước ngoài về. Bức ảnh do một phóng viên chụp. Hòa bình năm 1954 về tiếp quản Thủ đô, tôi vẫn giữ tấm ảnh làm kỷ niệm. Trong những năm tháng làm phóng viên Báo Tiền phong, mỗi khi xem lại bức ảnh, tôi tâm niệm thế nào cũng có ngày tôi quay trở về ATK nơi cơ quan đóng quân và tìm lại những cô gái trong ảnh...

Thấm thoát hơn nửa thế kỉ đã qua đi, tấm ảnh kỷ niệm năm nào luôn nhắc tôi về những năm tháng tuổi trẻ với bao hoài bão vui buồn ở chiến khu Việt Bắc, làm tôi không sao quên được. Lúc này tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhiều lúc nghĩ không hiểu mình còn có thể đi tìm người trong ảnh được không? May sao có anh bạn là nhiếp ảnh gia Trần Độ cùng vợ có chuyến đi Tuyên Quang mời tôi đi cùng (Tuyên Quang là quê vợ anh Độ).

Sau 60 năm tôi mới trở lại nơi đóng quân cũ là huyện Chiêm Hóa, tất cả cảnh vật, con người nơi đây đều thay đổi cả. Mục đích chuyến đi lần này tôi tìm lại ba người trong ảnh. Cuối cùng thì tôi cũng chỉ gặp được một trong ba người có tên là Hà Thị Vạn, năm nay cũng đã ngoài bảy mươi tuổi.     

Lần thứ hai cách đây ít ngày (5/12/2010), tôi mới ở Tuyên Quang về thì hoàn toàn toại nguyện, gặp được đủ cả ba nhân vật trong ảnh, đây là một kỷ niệm rất đáng nhớ trong đời tôi. Để có được chuyến đi này phải kể đến  sự nhiệt tình của anh Trần Tuấn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cùng dịp có cựu nhà báo TTX Minh Trường cũng từ TP HCM ra Hà Nội chơi và nhà báo, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam Cao Phong cùng đi.

Đến TP Tuyên Quang, chúng tôi được anh Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Tuyên Quang cùng các cán bộ nhà văn hóa tỉnh đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo. Biết được mục đích chuyến đi của tôi, tìm những người trong ảnh qua 60 năm chưa được gặp lại, anh Việt Thanh hết sức cảm động và hứa sẽ cử cán bộ đi cùng rồi giới thiệu ngay chị Huệ, một phụ nữ trẻ đẹp là cán bộ Bảo tàng tỉnh cùng đi.

Đang giao lưu chuyện trò vui vẻ, đột nhiên Giám đốc Nguyễn Việt Thanh nói: "Em hỏi thật bác Mai Nam, liệu ba nhân vật trong ảnh Bác có... tình ý với cô nào không, mà sao nhiệt tình, gian nan là vậy! Mà theo em chỉ có... thì mới "mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua". Tất cả đều phá lên cười, không khí mỗi lúc một sôi động, ấm dần lên. Chỉ là câu chuyện vui nhưng mang đậm nét nhân văn.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được đến nhà bà Hà Thị Vạn ở xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa. Gặp được tôi, bà Vạn tất tưởi đi tìm bà Khuyên người cùng làng. Khoảng một giờ sau, người thứ ba là bà Hà Thị Điệp mới có mặt (bà Điệp ở cách hai làng). Gặp được nhau, chúng tôi mừng mừng tủi tủi.

Trong câu chuyện ôn lại những năm tháng ở ATK nó như nhắc lại những ký ức, kỷ niệm không thể nào quên về một thời trai trẻ trên chiến khu Việt Bắc, nó như những thước phim hiện dần ra trước mắt tôi với bao hình ảnh đẹp, vui, buồn như mới ngày nào thế mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.

Trước mặt tôi giờ đây không phải là những cô gái trẻ ngày nào ngây thơ, dịu dàng mà đã là các bà, người ít tuổi nhất cũng đã 74 và nhiều nhất là 76 tuổi. Những giọt nước mắt từ đâu tuôn rơi trên gò má nhăn nheo, các bà cứ phải lấy khăn lau liên tục. Tôi xúc động, không hiểu các bà hối tiếc một thời thanh xuân đã qua đi hay cảm động về tấm lòng của tôi vẫn còn nhớ đến những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc mà tìm lại.

Chia tay ra về ai nấy đều bịn rịn, mọi người đều thầm nghĩ: "Chắc cũng chỉ một lần". Các anh Minh Trường, Cao Phong, Trần Tuấn và chị Huệ trước cảnh kẻ ở người đi cũng không cầm lòng được... Tạm biệt Tuyên Quang! Thế là tôi đã toại nguyện cho một chuyến đi được chờ đợi từ lâu đầy ý nghĩa

Duy Ngọc
.
.
.