50 năm nồng ấm tình đồng đội

Thứ Hai, 02/03/2009, 10:17
Cuộc gặp mặt các thế hệ văn nghệ sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Báo CAND tổ chức, đã diễn ra thật nồng ấm vào sáng 1-3 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959 – 3/3/2009) và 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 – 3/3/2009).

Tham dự, có Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước - TBT Báo CAND; Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô - Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ Tư lệnh BĐBP, cùng đông đảo các thế hệ làm báo chí, văn học nghệ thuật qua các thời kỳ đã gắn bó với lực lượng BĐBP trong suốt nửa thế kỷ qua.

Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình đã bày tỏ niềm xúc động chân thành khi lần đầu tiên, Bộ Tư lệnh BĐBP được đón tiếp khá đầy đủ các gương mặt đã từng gắn bó với mỗi chặng đường biên giới, góp phần quan trọng làm nên bản sắc của BĐBP qua mỗi bức ảnh, từng trang viết, nốt nhạc, dòng thơ trong 50 năm qua.

Đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ BĐBP đã đồng hành và bám sát các nhiệm vụ, phản ánh đầy đủ, chân thật các sự kiện lịch sử của BĐBP. Có những nghệ sĩ tài năng đã mất không thể có mặt trong cuộc trùng phùng hôm nay, như nhạc sĩ Lê Đóa, Hoàng Diệp, Bảo Trung… nhưng những gì họ để lại vẫn tiếp tục là niềm tự hào của BĐBP.

Các thế hệ văn nghệ sĩ Bộ đội Biên phòng.

Bộ Tư lệnh BĐBP ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ từng mang quân hàm xanh, có vai trò quan trọng trong việc làm sáng thêm hành trình vẻ vang của BĐBP.

Những văn nghệ sĩ đã đặt những viên gạch đầu tiên xây nền móng cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của BĐBP như Ngọc Châu, Cao Tuấn Lương, Nguyễn An, Lê Đóa v.v… Có người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ra ngoài lực lượng, nhưng vẫn luôn đau đáu nỗi niềm với đề tài chủ quyền an ninh quốc gia, vẫn tiếp tục nối dài khát vọng của các thế hệ văn nghệ sĩ BĐBP.

Trong hành trình hướng về đề tài biên cương đất nước, những người đảm đương nhiệm vụ nặng nề này đã tiếp tục phát huy vai trò nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào các dân tộc và đã có nhiều khởi sắc, bằng các tác phẩm có chất lượng, được công chúng ghi nhận. Mỗi đóng góp của các văn nghệ sĩ thực sự là nguồn động viên lớn lao đối với cán bộ, chiến sỹ BĐBP.

Tự hào là người trưởng thành từ lực lượng trinh sát vũ trang BĐBP, vinh dự cùng đồng đội chở những chuyến hàng đặc biệt ra chiến trường trong những năm chống Mỹ cứu nước, Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP khi ngay từ thời chiến tranh, đã động viên, chỉ đạo, biến nơi đây thành một trong những chiếc nôi xuất phát điểm của văn học - nghệ thuật viết về người lính mang quân hàm xanh.

Nhiều cây bút tài danh trong lực lượng CAND đều xuất phát từ BĐBP, như nhà báo Chu Phùng, Trần Liêu - nguyên Tổng Biên tập Báo CAND; Nghi Xuyên, Xuân Liễu, Quang Hạnh, Văn Bang, Mai Thanh, Đào Quang Thép v.v…

Các thế hệ viết văn, làm thơ, nhiếp ảnh không chỉ luôn giữ vững phẩm chất ngay thẳng và trung thực của người lính biên phòng,  mà còn luôn hoàn thành tốt vai trò của người cầm bút trong mọi hoàn cảnh, thường xuyên có những tác phẩm xuất sắc như Lê Đóa, Trần Hữu Tòng, Phan Trọng Bằng, Hải Kiên, Phạm Quang Đính, Đào Nguyên Bảo, Văn Giá, Lương Sĩ Cầm, Xuân Liễu, Quang Hạnh, Mai Thanh, Xuân Thái, Văn Bang, Vũ Xuân Hoát, Vũ Mạnh Tường, Lê Văn Xiêm, Bùi Văn Bồng, Đào Quang Quý, Đăng Nước, Hoàng Lương, Trần Danh, Xuân Hải v.v…

Thiếu tướng Hữu Ước cũng nhắc nhớ về những kỷ niệm không thể quên với nhạc sĩ Lê Đóa, khi các tác phẩm âm nhạc anh có được hôm nay, được bắt đầu từ những nốt nhạc đầu tiên do ông rèn cặp. 

Nhà báo Chu Phùng, nhà nhiếp ảnh Quang Hạnh, nhà báo Đặng Ngân và nhiều văn nghệ sĩ khác đã cùng ôn lại chặng đường nửa thế kỷ qua của BĐBP và vui mừng khi thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về cả chất lượng và số lượng văn nghệ sĩ cũng như tác phẩm văn học nghệ thuật.

Các đại biểu cũng đánh giá cao sáng kiến của Bộ Tư lệnh BĐBP và Báo CAND trong việc tổ chức cuộc gặp mặt hôm nay cho các văn nghệ sĩ gắn bó với BĐBP, khi đã không chỉ thể hiện sự quan tâm đầy tình người của Bộ Tư lệnh BĐBP, mà còn giúp cho các thế hệ văn nghệ sĩ có dịp trở lại ngôi nhà chung sau những năm xa cách, cùng nhau ôn lại chặng đường vẻ vang đã qua và thấy rằng, BĐBP thực sự là nơi "cho ta tầm nhìn, nơi hun đúc tình yêu", cũng để vui mừng khi thấy mọi người trưởng thành, hay ai còn, ai mất.

Các văn nghệ sĩ mong muốn, những cuộc gặp mặt như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn. Với niềm xúc động chân thành, các văn nghệ sĩ đã bày tỏ tình cảm sâu sắc lâu bền dành cho đề tài về người chiến sĩ biên phòng và hứa sẽ tiếp tục có nhiều hơn các trang viết về đề tài an ninh quốc gia, góp phần làm sáng thêm nữa hình ảnh và truyền thống tốt đẹp của lực lượng BĐBP.

Trong cuộc hội ngộ đặc biệt này, với niềm tri ân thành kính dành cho các thế hệ đi trước, các văn nghệ sĩ đã có một chương trình ca nhạc nồng ấm, thân thương, như một minh chứng rằng, trong chuyên môn, họ luôn là những người lính kiên cường, giữ vững phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, nhưng trong nghệ thuật, họ cũng là những nghệ sĩ hết sức bay bổng và lãng mạn.

Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình đã cùng các diễn viên của Cục Chính trị biểu diễn ca khúc "Vượt đèo" của nhạc sĩ Nguyễn An. Thiếu tướng Hữu Ước mang đến ca khúc "Tiếng chuông chùa" đầy tình cảm do anh sáng tác và vừa được VTV1 giới thiệu trong chương trình Tác phẩm âm nhạc, như một món quà tưởng nhớ người thầy Lê Đoá.

Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô lại làm mềm lòng người nghe qua những câu thơ giàu xúc cảm và rất lính biên phòng: "Lương khô nước suối vẫn tươi. Đời vui chia cả tiếng cười ngây thơ/…Ở đây đồn trạm là nhà/ Xa quê hương đến đây là quê hương" và Đại tá Đỗ Ngọc Sơn thể hiện tài năng qua một khúc hát chèo được sáng tác tại chỗ…

.
.
.