40 năm ngày giỗ "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc"

Chủ Nhật, 13/07/2008, 14:40
Ngày 24/7 này là vừa tròn 40 năm 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng tại ngã ba Đồng Lộc. Đó là các cô Nguyễn Thị Xuân (SN 1948, tại xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc); Nguyễn Thị Nhỏ (SN 1944, tại xã Đức Long, huyện Đức Thọ); Nguyễn Thị Cúc (SN 1944, tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn); Hà Thị Xanh (SN 1947, tại xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ); Dương Thị Xuân (SN 1947, tại xã Đức Tín, huyện Đức Thọ); Trần Thị Rạng (SN 1947, tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc); Vũ Thị Hà (SN 1951, tại thị trấn Đức Thọ); Trần Thị Hường (SN 1949, tại thị xã Hà Tĩnh);...

Trước ngày 10 cô gái hy sinh một tuần, nhà báo, chiến sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Sắc đã kịp ghi lại hình ảnh của các cô trong Tiểu đội 4, Đại đội 552 thanh niên xung phong Hà Tĩnh đang san lấp hố bom. Nhà báo Văn Sắc cho biết, ông chụp tấm ảnh đó vào lúc chiều tà, lúc các cô vừa mới ra trận địa triển khai công việc. Ảnh chụp rất tự nhiên, 12 cô gái tay cuốc, tay xẻng đang san lấp hố bom, nắng chiều còn lấp loáng trên đầu. 12 cô gái bằng xương, bằng thịt, với 12 cái bóng đổ xuống miệng hố bom và 12 cái bóng khác đang in trên mặt nước hố bom - tổng cộng 36 người cả hình và bóng cùng một động tác, tay đang thoăn thoắt san lấp hố bom lúc trời chiều - một khung cảnh thật sinh động và cũng thật dũng cảm.

Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc đang san lấp hố bom. Ảnh: Văn Sắc.

Bằng hình ảnh cụ thể, nghệ sĩ Văn Sắc đã nhân sức mạnh của 12 cô gái lên gấp ba lần, đúng với khẩu hiệu hành động của thanh niên lúc đó: "1 người làm việc bằng 3 - để thông xe ra tiền tuyến".

Tiểu đội 4, Đại đội 552 thuộc Tổng đội 55 thanh niên xung phong Hà Tĩnh có quân số biên chế đủ là 16 người. Hôm nhà báo Văn Sắc chụp ảnh có 12 người ra mặt đường san lấp hố bom - ngày các cô hy sinh (24/7/1968) có 10 cô ra trận địa, còn lại trong Tiểu đội 4 là cô Lê Thị Lan, Trần Thị Nhị, Nguyễn Thị Hường hôm đó đi lĩnh dụng cụ cho đại đội; cô Bùi Thị Xuân, quê ở Đức Hồng, Đức Thọ (Tiểu đội 4 có 3 cô tên Xuân) và Bùi Thị Tịnh đến phiên trực ở nhà nấu cơm, cô Lê Thị Hồng đi lấy gỗ làm nắp hầm ở Quảng Bình. Vì lý do đó mà hiện các cô vẫn còn sống cho đến nay và đã có gia đình đang sống ở TP Vinh và TP Hà Tĩnh.

Xin được điểm lại sự kiện lịch sử năm 1968. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 của quân và dân toàn miền Nam đã làm choáng váng Bộ Chỉ huy đầu não cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở Wasington, đã buộc Tổng thống Mỹ Nixon phải tuyên bố "xuống thang". Có nghĩa là chúng chỉ tập trung bom đạn đánh phá vùng "cán xoong" tức là từ Nghệ Tĩnh trở vào hòng cắt đứt con đường huyết mạch của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. Ngã ba Đồng Lộc có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược từ Bắc vào Nam qua địa bàn Hà Tĩnh. Đây là giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng ra các hướng phục vụ tốt nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến đường ở đồng bằng bị cắt đứt.

Từ đầu tháng 4/1968, không quân Mỹ tập trung đánh phá tuyến quốc lộ số 1, đoạn từ cầu Thượng Gia đến Cổ Ngựa thuộc xã Tiên Lộc, huyện Can Lộc. Đến ngày 20/4/1968, tuyến quốc lộ 1 bị bom đạn Mỹ cắt đứt, buộc ta phải chuyển hướng vận tải sang tuyến đường 15 - trên vùng Tây Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc là nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược Bắc - Nam đi qua.

Thấy rõ vị trí quan trọng của ngã ba này, máy bay Mỹ đã tập trung oanh tạc suốt ngày đêm. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, tại ngã ba này, ngày cũng như đêm, không lúc nào ngớt tiếng bom rơi, đạn nổ. Cùng một lúc, chúng ném nhiều loại bom: Bom phá, bom đào, bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi... Ban ngày chúng đánh chặn lối ra vào ngã ba Đồng Lộc, ban đêm chúng dùng máy bay C130 quần thảo thả pháo sáng và dùng súng trọng liên bốn nòng 20 ly vãi đạn xuống như xay lúa, kết hợp với thả bom bi và bắn rốc-két... nhằm tiêu diệt lực lượng ứng cứu đường của ta. Bằng mọi giá, chúng biến ngã ba này thành "tọa độ lửa", "tọa độ thép", thành "ngã ba chết", thành một bãi bom hoang tàn không một bóng người...

Mặc cho mưa bom bão đạn của giặc Mỹ trút xuống ngã ba Đồng Lộc suốt ngày đêm, Đại đội thanh niên xung phong 552 của Hà Tĩnh và đặc biệt là Tiểu đội 4 được phân công chốt giữ ở đây để mở đường đã rất dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, kiên cường bám trụ suốt 196 ngày đêm để bảo đảm mạch máu giao thông vận tải chiến lược Bắc - Nam được nối liền.

Chỉ tính trong 196 ngày đêm, giặc Mỹ đã trút xuống ngã ba này 42.990 quả bom các loại. Có ngày chúng đánh phá đến 103 lần và ném xuống trên 800 quả bom. Cũng chính thời gian đó, tại "tọa độ lửa" này đã xuất hiện gương Anh hùng La Thị Tám đếm bom nổ chậm; Tiểu đoàn pháo cao xạ số 8 Anh hùng của bộ đội địa phương Hà Tĩnh... Và đặc biệt là gương hy sinh của 10 cô gái Tiểu đội 4 Anh hùng san lấp hố bom mở đường cho xe ra tiền tuyến.

Anh Nguyễn Thế Linh, nguyên Đại đội trưởng thanh niên xung phong 552 Hà Tĩnh cho biết, trong 196 ngày đêm làm nhiệm vụ bám trụ tại "tọa độ lửa" này, đơn vị của anh đã có 16 người hy sinh, 136 người bị thương - đáng ghi nhớ nhất là ngày 24/7, 10 cô của Tiểu đội 4 hy sinh cùng một lúc. Đó là cái giá phải trả bằng xương máu mà riêng đại đội anh đã cống hiến để bảo đảm cho mạch máu giao thông nối liền hậu phương với tiền tuyến.

Có lẽ chính vì vậy mà tấm ảnh tác giả Văn Sắc chụp lúc 12 cô thanh niên xung phong của Tiểu đội 4 đang san lấp hố bom là bằng chứng sinh động nhất về sự lao động cần cù, dũng cảm của thanh niên xung phong Hà Tĩnh ở ngã ba Đồng Lộc. Tấm ảnh đó đã trở thành bất tử với dòng chú thích ban đầu do nhà báo Văn Sắc ghi hiện còn lưu trữ trong kho tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam: "Tiểu đội 4, Đại đội 552 thanh niên xung phong Hà Tĩnh san lấp hố bom tại ngã ba Đồng Lộc".

Sách "Ảnh Việt Nam thế kỷ XX" ghi: "Những cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc san lấp hố bom".

Cũng tấm ảnh đó, trong Quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, số 108 ngày 8/2/2007 tặng nhà báo Văn Sắc lại ghi: "Tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc"...

10 cô gái đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc được Tổ quốc ghi công vào bảng vàng, bia đá, 6 cô còn sống sót thì hầu như không ai nhắc tới, chìm trong quên lãng với thời gian khi chiến tranh đã lùi xa. Mà thực ra đâu chỉ có 10 cô của Tiểu đội 4 đã hy sinh, tại "tọa độ lửa" này đã có tới 16 người hy sinh và 136 người bị thương như Đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh đã cho biết. Họ đã cùng làm việc, cùng ăn, cùng ngủ với bom đạn để làm nên kỳ tích "san lấp hố bom" trong suốt 196 ngày đêm vô cùng ác liệt...

Ngày 24/7 năm nay, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt "Đồng Lộc - Những đóa hoa bất tử"... nhằm ca ngợi và tri ân những người thanh niên xung phong đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc theo đạo lý truyền thống "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc ta.

Tất cả họ phải thật xứng đáng là những người bất tử, xứng đáng là những người anh hùng trong tâm trí của mọi người Việt Nam, mọi thế hệ thanh niên ngày nay và mai sau.

Nhân ngày giỗ lần thứ 40 của 10 cô gái Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 thanh niên xung phong Hà Tĩnh, xin được kính cẩn nghiêng mình trước vong hồn các liệt sĩ và xin thắp một nén hương thơm để tưởng nhớ, để tri ân cho hương hồn không chỉ 10 cô của Tiểu đội 4 mà còn cho cả linh hồn của các anh, các chị thanh niên xung phong Hà Tĩnh đã hy sinh anh dũng trên vùng "cán xoong" để tạo nên những chiến công, những kỳ tích bất hủ của thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XX.

Khi đi qua ngã ba Đồng Lộc, có nhà thơ đã viết:

"Khi nhớ về Đồng Lộc

10 cô gái nằm dưới mồ rêu bọc

Đến bây giờ mấy ai nhớ tên chăng?…"

Nhưng cũng có người đi qua ngã ba Đồng Lộc lại thốt lên:

"Cúc, Tần, Xuân, Nhỏ, Hà... ơi

Rạng, Hợi, Hường, Xuân, Xanh... muôn thuở".

Bằng tấm ảnh, nhà báo Văn Sắc đã ghi được, tên của 10 cô gái Tiểu đội 4 chắc chắn sẽ còn muôn thuở với núi sông.

Hiện nay tại khu mộ của 10 cô gái, người ta đã trồng cây bồ kết và đã ra hoa kết trái để hằng ngày các cô gội đầu chải tóc cho thơm tho (theo ý của nhà thơ Vương Trọng) và mới đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã gửi vào trồng cây phong lan để mãi mãi tỏa hương…

Trần Ấm
.
.
.