20 năm sau thảm hoạ hạt nhân Chernobyl: Kỹ nghệ phải có đạo đức

Thứ Tư, 26/04/2006, 07:51
Một số người cứ nghĩ rằng với đà phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, dường như nhân loại đã "túm được râu chúa trời". Thế nhưng, như người Do Thái cổ đại đã nói, dù con người có làm được việc gì đi chăng nữa thì "Thượng đế vẫn cười giễu cợt".

Cách đây 20 năm, vào ngày 26/4/1986, tại tổ máy số 4 Nhà máy Điện nguyên tử Chernobyl trên lãnh thổ nước Cộng hòa Ukraina đã xảy ra thảm họa khủng khiếp mà cho tới hôm nay một khu vực rộng lớn ở xung quanh đó vẫn chưa thanh toán hết những hậu quả to lớn của nó.

Chịu thiệt hại vì Chernobyl không chỉ riêng Ukraina mà cả Belarus, quốc gia láng giềng sát cạnh. Từ đó đã xuất hiện vô số những bài báo, công trình nghiên cứu và cả những tác phẩm văn học viết về Chernobyl dưới những góc độ khác nhau. Nhà văn nữ người Belarus, Svetlana Aleksevich, là một trong những người đã thành công khi viết về thảm họa Chernobyl.

Năm 1997, Aleksevich đã cho ra mắt tập truyện vừa tư liệu "Lời cầu nguyện Chernobyl", dựa trên lời kể của những nhân chứng còn sống sót sau thảm hoạ này, đã gây nên những dư chấn tinh thần không nhỏ không chỉ ở vùng không gian Xôviết cũ mà còn ở nhiều nước khác.

Bà đã mất 3 năm sưu tầm tư liệu, tìm gặp và hỏi chuyện vô số người từng trực tiếp hay gián tiếp bị ảnh hưởng bởi thảm họa nguyên tử xót xa này. 105 người - đó là những nhân vật và đồng tác giả của cuốn sách được xây dựng như một thanh xướng kịch, như một thánh lễ, trong đó vang lên lúc thì những "giọng nói cô đơn", lúc thì là cả một dàn đồng ca - của quần chúng, của những người lính, của đàn trẻ thơ...

Aleksevich đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ và sự bất cập của nền công nghệ cao. Theo bà, thảm họa hạt nhân có thể xảy ra ở bất kỳ đâu có những sự bất cẩn. Trong một lần trò chuyện với phóng viên báo Nga "Tin tức Moskva", Aleksevich đã nói: "Tôi đã xác định trước cho mình rằng, sẽ viết không phải về Chernobyl, mà về thế giới của Chernobyl. Tôi đã đi tìm ý tưởng này rất lâu, đọc tất cả những gì có thể tìm được và đã hiểu ra điều mà tôi viết trong lời nói đầu, rằng không thể xếp Chernobyl vào một hàng với ngay cả những thảm họa khủng khiếp nhất. Đó tệ hơn là thảm họa, đó là sự bắt đầu một lịch sử mới, chúng ta sang một hệ quy chiếu khác, thời gian khác, mà để đánh giá nó, con người hoàn toàn chẳng có công cụ...".

Mặc dù Nhà máy Điện nguyên tử Chernobyl nằm trên lãnh thổ Ukraina nhưng đối với nước cộng hòa láng giềng Belarus, tổ quốc của Aleksevich, những hệ lụy từ thảm họa hạt nhân này vẫn vô cùng khủng khiếp. Bà tâm sự: "Chernobyl-là một vấn đề dân tộc ít hơn mọi sự khác. Tại đó, ta nghĩ về điều này hoàn toàn khác, bạn cảm thấy sự gần gụi của mình với con kiến và bạn nhìn những kẻ sẵn sàng bắn nhau chỉ vì hình dáng cái mũi như những kẻ hóa dại...

Đối với Belarus với trên dưới 10 triệu dân, phóng xạ Chernobyl đã hóa thành tai họa dân tộc mà nó phải đối diện một mình. Bạn có nhận thấy chăng, trong ý thức của những người từ những vùng bị nhiễm xạ, chiến tranh giữ một chỗ đặc biệt lớn, mốc đo thời gian được tính từ nó. Họ có cảm giác như, họ đã sống qua được cái khủng khiếp nhất - họ dường như được bảo vệ bởi dĩ vãng.

Chiến tranh đã phá hủy tại đấy 619 xóm làng cùng các cư dân, cứ bốn người thì có một người bị chết. Giờ thì cứ năm người thì có một người (trong đó có 700 nghìn trẻ em) sống trên vùng lãnh thổ bị nhiễm xạ. Đó là 485 làng xóm, 70 chỗ vĩnh viễn bị liệm sâu vào lòng đất. Thế có nghĩa là có 350 quả bom tương đương với quả bom nguyên tử từng ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản nằm trong lòng đất Belarus. Con người đang sống ở thời sau chiến tranh hạt nhân, cuộc chiến tranh mà họ đã không nhận ra...".

Theo Aleksevich, người ta còn chưa nghĩ ngợi thấu đáo hết quy mô của tai họa mang cái tên Chernobyl. 10 năm, rồi 20 năm đã trôi qua nhưng xem ra, nhân loại vẫn chưa thấm thía hết những đau thương mà các tai nạn hạt nhân có thể gây nên cho mình. Nữ văn sĩ Belarus cho rằng, vấn đề ở đây không phải ở trong kỹ nghệ công nghiệp, mà ở trong kỹ nghệ tư duy.

Tại phương Tây có một số giới cho rằng, những thảm họa như Chernobyl chỉ có thể xảy ra ở những nơi chưa phát triển thực sự nhưng theo Aleksevich, đối với những người chưa hoàn thiện như nhân loại đương đại thì ngay cả một kỹ nghệ rất hoàn hảo cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm theo kiểu chơi dao sắc có ngày sẽ bị đứt tay. Với nền sản xuất phát triển cao, hệ thống thông tin mới, mạng Internet và những thứ tương tự lại càng cần điểm tựa ở những lý tưởng đạo đức...

La Văn
.
.
.