10 vấn đề của ĐT U.23 Việt Nam

Thứ Tư, 11/11/2009, 09:13
Được và chưa được, thành công và chưa thành công, tất cả đều đã được ĐT U.23 Việt Nam phô bày sau 270 phút đã đấu ở VFF Cup 2009 (thắng U.23 Singapore, U.23 Trung Quốc và hòa U.23 Thái Lan). Vì thế, việc nhìn nhận, mổ xẻ về ĐT một cách trung thực là điều cần phải được thực hiện. Bởi chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tiến tới SEA Games 25 trong một trạng thái tốt nhất có thể.

1. Tính đồng đội cao

3 trận đấu ở VFF Cup, U.23 Việt Nam chứng tỏ tính đồng đội rất cao. Do đặc thù của từng vị trí mà trong đội bóng, cầu thủ này có thể có vai trò quan trọng hơn cầu thủ kia, song nhìn một cách toàn diện thì khả năng bùng nổ của U.23 Việt Nam đều có thể xảy ra ở tất cả các vị trí, từ tiền đạo, tiền vệ cho đến ngay cả những hậu vệ biên. Đây là một điều rất tích cực, vì nó giúp cho một đội bóng đảm bảo được sự ổn định trong một khoảng thời gian nhất định.

2. Nhiều miếng đánh

Gặp U.23 Singapore, U.23 Việt Nam chủ trương dùng những miếng đánh biên, với sự cơ động của "đôi cánh" Phạm Thành Lương, Mai Tiến Thành. Nhưng gặp U.23 Trung Quốc, với sự năng nổ của Trọng Hoàng ở trục giữa, những quả đấm trung lộ của U.23 lại được thực hiện nhiều hơn.

Trong khoảng 20 phút cuối trận gặp U.23 Trung Quốc, khi Mai Tiến Thành bất ngờ được kéo vào đá tiền vệ trung tâm thì sự biến hóa trong lối chơi của U.23 Việt Nam được thể hiện khá rõ. Ở trận gặp U.23 Thái Lan, cũng có thời điểm Tiến Thành hoặc Văn Khải được kéo vào giữa, song ở trận đấu này thì cả Thành và Khải đều không để lại nhiều dấu ấn.

U.23 việt Nam (trái) chơi khá hay ở VFF Cup nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm cho trận đánh SEA Games. Ảnh: Quang Minh.

Tuy nhiên, việc các cầu thủ có thể chơi đa dạng và chơi bằng nhiều "miếng võ" giúp cho U.23 Việt Nam có khá nhiều phương án tiếp cận khung thành đối thủ.

3. Khả năng "chộp giật" tốt

Trận gặp U.23 Trung Quốc, khi đối thủ nôn nóng ào lên tấn công, U.23 Việt Nam đã chộp thời cơ rất nhanh để phản đòn và ghi bàn ấn định tỷ số 3-1. Ở trận gặp U.23 Thái Lan, khi đối phương chưa kịp định hình thì U.23 Việt Nam cũng đá Pressing rất nhanh, khiến đối phương phải bất ngờ. Nhìn chung, khả năng giải quyết tình huống và "chộp giật" tình huống để tạo thế chủ động hoặc ghi bàn thắng, với U.23 Việt Nam là khá tốt. 

4. Chốt chặn an toàn

Một đội bóng chỉ có thể vận hành trơn tru khi người "gác đền" của đội bóng ấy chơi chắc chắn. Thủ môn Bùi Tấn Trường là một người gác đền như vậy. 270 phút lăn xả ở VFF Cup với rất nhiều những pha bay người cản phá ngoạn mục khiến cho một niềm tin lớn đã được đặt vào Tấn Trường. 

5. Khát vọng chiến đấu cao

Phải nói rằng cái tinh thần "chiến đấu" luôn được Calisto hâm nóng đã được các cầu thủ thực hiện một cách hoàn hảo. Đấy là một điều rất quan trọng, vì trong một chừng mực nào đó, sức mạnh tinh thần có khả năng cứu vãn được những điểm không thật sự trọn vẹn về chuyên môn.

6. Cặp trung vệ có vấn đề

Có thể khẳng định ngay, với lối thi đấu lăn xả, tỉnh táo, một suất đá chính ở vị trí trung vệ đã được "book" sẵn cho Long Giang. Thế nhưng, việc chọn người đá cặp với Long Giang sẽ làm HLV Calisto phải đau đầu. Bởi thực tiễn 3 trận đấu vừa qua cho thấy, cả Xuân Hợp, Minh Đức lẫn Đình Đồng khi đá cặp với Giang đều để lộ quá nhiều sai số. Và từ những sai số như thế, không khó nhận thấy vị trí trung vệ chính là cái tử huyệt lớn của ĐT.

7. Sai số trong những pha xử lý còn nhiều

Trận gặp U.23 Trung Quốc, Trọng Hoàng phải có ít nhất là 6 đường chuyền quá mạnh so với đà chạy của đồng đội. Mà đấy đều là những đường chuyền phát động tấn công, có khả năng tạo ra bàn thắng. Cũng ở trận gặp U.23 Trung Quốc, và sau đó là trận gặp U.23 Thái Lan, cặp tiền vệ phòng ngự (lúc là Thái Dương - Công Minh, lúc là Thái Dương - Quý Sửu) không ngừng phạm lỗi ngay trước vòng cấm địa đội nhà, giúp cho đối phương có những quả đá phạt vô cùng nguy hiểm.

8. Sức sáng tạo của hàng tiền vệ thấp

Trong 3 trận đã đấu, ông Calisto thường xuyên sử dụng 3 tiền vệ ở vòng tròn trung tâm. Có thời điểm giữa 3 người này có một người đá quét và hai người đá dâng cao (hai trận đầu).

Lại có thời điểm, giữa ba người này có 2 cầu thủ đá quét và chỉ một cầu thủ dâng cao (trận đấu cuối). Nhưng dù đá với mô hình nào chăng nữa, thì cả 3 cầu thủ này đều chỉ chứng tỏ sự nhiệt tình, năng nổ, chứ chưa cho thấy sự tinh tế hoặc những đường chuyền "chết nước" cần phải đó. Điều ấy lý giải vì sao các pha lên bóng của ĐT, phần lớn đều dựa vào sự cơ động của hai tiền vệ biên. Vậy thì nếu hai biên bị "bịt kín", khả năng công phá của ĐT sẽ lập tức trở thành một khoảng trống đáng sợ.

9. Chưa có khả năng cân bằng tâm lý

Cả 270 phút đã đấu, U.23 Việt Nam về cơ bản đều chơi rất nhiệt. Thế nhưng trong một bối cảnh nào đấy, và bất ngờ phải chịu một tác động nào đấy (chẳng hạn như khi đối phương ghi bàn - trận gặp U.23 Trung Quốc) thì cái nhiệt kia bỗng xìu một cách nhanh chóng. Có nghĩa là khả năng cân bằng tâm lý của các tuyển thủ chưa cao.

Và đấy là một vấn đề mà HLV Calisto dường như không thể bù đắp chỉ trong vòng 1 tuần hay 1 tháng.

10. Thiếu một thủ lĩnh thực sự

Trên sân, Phạm Thành Lương mang băng đội trưởng U.23 Việt Nam, và quả đúng là Thành Lương luôn chơi bùng nổ hơn hẳn so với phần còn lại.

Thế nhưng Thành Lương chưa phải là một thủ lĩnh đúng nghĩa - một người có khả năng cầm nhịp trận đấu, và có khả năng điều tiết sự nóng - lạnh của trận đấu theo chiều hướng có lợi cho mình. Vậy nên khi ĐT phải đứng trước những tình huống bất ngờ thì khả năng đứng vững của hệ thống ra sao là một điều không ai dám chắc

Diệp Xưa
.
.
.