Hội thảo quốc tế “Khảo cổ học dưới nước Việt Nam và Đông Nam Á”:

Hợp tác để phát triển

Thứ Năm, 16/10/2014, 08:20
Sáng ngày 15/10, 170 nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý văn hóa nổi tiếng trong nước và thế giới đã có mặt tại TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) tham gia hội thảo quốc tế “Khảo cổ học dưới nước Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.

Các tham luận trình bày tại Hội thảo tập trung vào những nội dung cơ bản về lịch sử giao lưu, trao đổi và tương tác trên biển ở khu vực Đông Nam Á; cảnh quan môi trường cổ; các loại hình di tích tàu đắm và dân tộc học tàu thuyền đương đại ở khu vực Đông Nam Á; ứng dụng các phương pháp tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu di sản văn hóa biển; tăng cường sự hợp tác nghiên cứu quốc tế trong việc nghiên cứu, nâng cao năng lực về khảo cổ học dưới nước cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Vùng biển Việt Nam được các chuyên gia khảo cổ học quốc tế đánh giá có rất nhiều tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước. Nhiều tàu cổ bị đắm cùng các cổ vật bằng gốm, sứ, đồng… đang nằm dưới biển Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, hội thảo quốc tế về khảo cổ học dưới nước lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam là cơ hội bước ngoặc, triển vọng cho sự hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật giữa các nhà khảo cổ học Việt Nam với các nhà khoa học quốc tế.

“Ngành khảo cổ học dưới nước Việt Nam vừa mới hình thành và đang bắt đầu những hoạt động nghiên cứu đầu tiên nên rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo cổ học nổi tiếng trên thế giới”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nói.

Phó Giáo sư Mark Staniforth, Đại học Monash, Úc, Thành viên ICOMOS- ICUCH ( USNECO) cho rằng, để người dân chung tay bảo vệ di sản văn hóa dưới nước thì phải giúp người dân có lợi ích kinh tế từ di sản đó qua qua loại hình tham quan, du lịch lặn biển.

Phó Giáo sư Mark Staniforth, Đại học Monash, Úc, Thành viên ICOMOS- ICUCH ( USNECO) cho rằng, với bờ biển dài hơn 3000 km và hoạt động đi biển đã diễn ra trên 2000 năm, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về khảo cổ học dưới nước. Tuy nhiên, nhận thức về số lượng di tích tàu đắm, di sản văn hóa biển hay dưới nước có thể tồn tại ở vùng nước Việt Nam còn hạn chế bởi số lượng điều tra, khảo sát khảo cổ học dưới nước tiến hành còn ít. Do vậy, Việt Nam và những quốc gia Đông Nam Á khác cần hoàn thiện hơn nữa nguồn nhân lực, phương pháp luận và trang thiết bị nhằm phát triển toàn diện ngành khảo cổ học dưới nước ở khu vực và có phương pháp bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa dưới nước.

Phó Giáo sư Mark Staniforth nêu quan điểm: Việc bảo tồn các Di sản văn hóa đang là thử thách đối với tất cả mọi quốc gia trước những tác động của môi trường, thiên tai, con người. Đây là một loại di sản đặc biệt không phải ai muốn cũng có thể tiếp cận được, bởi nó tồn tại trong môi trường đặc biệt. Việc nghiên cứu loại hình di sản này phải được tiến hành theo một phương pháp riêng để tiến hành nghiên cứu khai quật và bảo tồn theo một phương pháp đặc thù.

170 chuyên gia khảo cổ, nhà khoa học ở 17 quốc gia, vùng lãnh thỗ trên thế giới.

Phó Giáo sư Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết, tình trạng chảy máu cổ vật ngày càng lo ngại. Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước nhưng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này."Nạn ăn cắp cổ vật từ những con tàu đắm và phá hoại di sản văn hóa biển vẫn còn kéo dài, diễn biến phức tạp, chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Hầu hết những con tàu cổ đắm đều do ngư dân địa phương phát hiện nên họ thường lấy đi cổ vật trước khi báo cho cơ quan chức năng", ông Hải nói. Viện trưởng Khảo cổ học Việt Nam dẫn chứng, trước khi tàu cổ đắm ở vùng biển Cà Mau được tiến hành khai quật, hơn 130.000 hiện vật bị ngư dân đánh cắp. Hay nạn trục vớt trái phép cổ vật ở tàu đắm vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Bình Châu (Quảng Ngãi) gây vỡ nát, thất thoát nhiều cổ vật quý giá. 

Mặt khác, do thiếu kinh phí điều tra, nghiên cứu, khảo sát, khai quật nên phần lớn việc này diễn ra dưới hình thức xã hội hóa, bằng cách kết hợp giữa cơ quan nhà nước với các công ty tư nhân trong và ngoài nước. Kết thúc khai quật, số lượng lớn cổ vật được phân chia cho công ty tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài gây ra nạn "chảy máu cổ vật".

Ông Đoàn Sung, Chủ tịch HĐQT Công ty Đoàn Ánh Dương cho rằng, Việt Nam đang có rất nhiều điểm nóng về văn hóa biển. Vì vậy chúng ta phải có cái nhìn nhất quán về vấn đề bảo tồn nhằm phát huy giá trị phục vụ phát triển kinh tế đồng thời nhằm bảo vệ nguồn si sản quan trọng này cho đất nước và các thế hệ mai sau.

“Bảo tồn tại chỗ để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn cho Di sản văn hóa dưới nước. Với những tiềm năng về di sản văn hóa biển, trước mắt chúng ta cần lập hồ sơ xin công nhận khu di tích vùng biển Vũng Tàu- Bình Châu- Lý Sơn (Quảng Ngãi) là Di sản văn hóa biển cấp Quốc gia hoặc thế giới và sau đó là đảo Phú Quốc (Kiêm Giang), ông Đoàn Sung đề xuất

Anh Thư
.
.
.