Tìm hiểu Luật an ninh mạng:

Đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng

Thứ Năm, 31/10/2019, 07:45
Trong thời đại các phương tiện báo chí truyền thông, công nghệ phát triển như hiện nay, nhu cầu tiếp cận và chia sẻ thông tin trên không gian mạng là tất yếu. Để đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, Luật An ninh mạng (ANM) có những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 26, Luật ANM quy định:

1.Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung: Tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế- xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 16 Luật ANM) và thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.

2.Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm:

- Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm về an ninh mạng;

-  Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xoá bỏ thông tin có nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 16 của Luật ANM trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức, trực tiếp quản lý chậm nhất 24h kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lương chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;

- Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 16 Luật ANM khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông.

3.Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam hoặc có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Chính phủ có quy định chi tiết nội dung này.

Trong quy định đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, Luật ANM có quy định về việc doanh nghiệp nước ngoài khai thác dịch vụ phải lưu trữ và đặt văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam. Quy định này từng gây rất nhiều tranh cãi, dó là những ý kiến lo ngại việc này sẽ khiến các “ông lớn” về công nghệ rút khỏi Việt Nam, cản trở quyền được tiếp cận dịch vụ mạng có nhiều ưu việt của người dùng, kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội… 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này là cần thiết vì đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thực tế, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng và sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam trong điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại nước ta còn hạn chế, thiếu thiện chí. Bảo đảm được chủ quyền thông tin của Việt Nam cũng là yêu cầu chính đáng. Nhà nước phải quản lý và bảo vệ được thông tin của người dân Việt Nam và thông tin quan trọng được tạo trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, quy định doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam còn bởi: Việc thực thi chính sách bảo vệ chặt chẽ dữ liệu người dùng, quyền riêng tư và bảo đảm nguồn dữ liệu, cơ sở dữ liệu quan trọng này được quốc gia khai thác hợp lý trong phát triển kinh tế; bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước về sự quản lý, tương tích các quy định pháp luật và trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện; đáp ứng yêu cầu của pháp luật trong nước về kinh doanh, thương mại.

Sau gần 1 năm có hiệu lực thi hành, những quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng của Luật ANM đã đi vào đời sống, góp phần làm lành mạnh thông tin trên thế giới ảo, thúc đẩy kết nối, giao thương, tạo sự tương tác tốt trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Ban KT – PL
.
.
.