Điều ít biết về chuyên gia vật lý được đề cử Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Thứ Tư, 10/12/2014, 08:52
Ngày 5/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cử nhà vật lý 60 tuổi Ashton Carter vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng đang để trống sau khi ông Chuck Hagel tuyên bố từ chức (theo đề xuất của Lầu Năm Góc). Ông Ashton Carter, trước đó giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng giai đoạn 2011-2013, nổi tiếng là chuyên gia vũ khí công nghệ cao và chuyên gia quốc phòng.

Ashton Baldwin “Ash” Carter sinh ngày 25/9/1954 ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, là con của bà Anne (Baldwin) và ông William S. Carter – nhà tâm lý học và thần kinh học trong lực lượng Hải quân Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cấp III năm 1972 tại trường Abington High School ở Abington, Pennsylvania, nơi ông từng là Chủ tịch Hội Danh dự, Ashton Carter theo học đại học tại Yale University. Ông tốt nghiệp cử nhân Vật lý và cử nhân lịch sử Trung cổ hạng tối ưu danh dự năm 1976. Sau đó 3 năm, ông nhận bằng Tiến sĩ vật lý lý thuyết tại Đại học Oxford, nơi ông được nhận học bổng Rhodes. Ashton Carter cũng từng là giảng viên vật lý tại Đại học Oxford, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Rockefeller và MIT, và hội viên nghiên cứu thực nghiệm tại các phòng thí nghiệm thực nghiệm quốc gia Brookhaven và Fermilab.

Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Ashton Carter giữ chức trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách chính sách an ninh quốc tế. Khi đó, ông Ashton chịu trách nhiệm một số mảng như chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và các chương trình phòng thủ tên lửa, các chính sách liên quan tới sự sụp đổ của Liên bang Xô viết (bao gồm cả vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt). Ông cũng là người chỉ đạo kế hoạch quân sự trong cuộc khủng hoảng năm 1994 về chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ashton Carter cũng từng là người “quản lý” của chương trình trị giá nhiều tỉ USD mang tên Nunn-Lugar Cooperative Threat Reduction, có mục tiêu là hỗ trợ quá trình loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học của Liên Xô cũ, bao gồm cả kế hoạch bí mất loại bỏ 600kg uranium tại Kazakhstan trong một chiến dịch có tên mã là Project Saphire. Ông cũng tham gia vào việc thực hiện chính sách Nuclear Posture Review (tạm dịch: Rà soát chính sách hạt nhân) và là giám sát viên chương trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD). Trong một thời gian dài, ông Ashton là thành viên của Hội đồng khoa học Quốc phòng, Ban chính sách Quốc phòng và bộ phận tư vấn chính của Bộ trưởng Quốc phòng.
Người được đề cử làm tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.

Dưới thời Tổng thống Bush, ông Ashton cũng là thành viên thuộc Hội đồng Cố vấn an ninh quốc tế của Ngoại trưởng Condoleezza Rice; đồng Chủ tịch Hội đồng cố vấn chính sách thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện; cố vấn Ban khoa học quốc phòng; thành viên của the National Missile Defense White Team và của Viện Nghiên cứu khoa học của Ủy ban An ninh quốc tế và Kiểm soát vũ khí. Tới năm 1997, ông Ashton và Giám đốc CIA John M. Deutch đồng chủ trì nhóm nghiên cứu các thảm họa khủng bố. Từ năm 2001-2002, ông Ashton làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học của Ủy ban Khoa học và Công nghệ Chống khủng bố, đồng thời thúc đẩy việc thành lập Bộ An ninh nội địa. Ngoài các công việc đó, ông Ashton còn là chuyên gia cấp cao tại tổ chức Đối tác Công nghệ Toàn cầu (Global Technology Partners), tư vấn trong lĩnh vực công nghệ cho các công ty đầu tư. Ashton cũng là cố vấn phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Goldman Sachs. Trước đó, ông là thành viên cao cấp của Global Technology Partners, một thành viên thuộc tập đoàn Aspen Strategy Group và là thành viên ban cố vấn của Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachusett, Văn phòng Quốc hội về Thẩm định Công nghệ, và Đại học Rockefeller.

Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2009 tới 10/2011, ông Ashton đảm nhiệm vị trí trợ lý, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách mảng mua sắm, công nghệ và hậu cần. Theo Lầu Năm Góc, đây cũng là khoảng thời gian ông đảm nhận việc tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ trước các nguy cơ, các mối đe dọa mới. Sau đó, từ tháng 10/2011 tới 12/2013, ông Ashton giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, làm việc dưới quyền của ông Chuck Hagel và cả người tiền nhiệm của ông này là Leon Panetta. Ông Ashton cùng cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng William Perry, trong nhiều năm, đã đấu tranh cho một khái niệm mà họ gọi là phương pháp “bảo vệ phòng ngừa”, sử dụng ngoại giao quốc phòng để xây dựng quan hệ đối tác an ninh trên toàn thế giới, từ đó dùng chúng như một phương tiện nhằm giải quyết sớm các mối hiểm họa tiềm tàng đối với quốc gia. Do Tổng thống Obama giữ vững quan điểm duy trì hạn chế sự tham gia của quân đội Mỹ ở nước ngoài sau những cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan, ông Ashton được coi là cầu nối quan trọng giữa Nhà Trắng và các tướng lĩnh ở Lầu Năm Góc.

Nhà Trắng không bình luận gì về thông tin ông Ashton sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng phát ngôn viên Josh Earnest dành nhiều lời khen cho nhân vật tuy rất ít người ngoài biết đến nhưng nổi tiếng trong Lầu Năm Góc là một nhà kỹ trị và có trí tuệ sắc bén. Bên cạnh đó, không chỉ nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ ông Carter làm Bộ trưởng Quốc phòng mà ông còn nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng trong Quốc hội.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.