Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo - Nỗi lo không của riêng ai

Thứ Sáu, 29/08/2014, 08:54
Theo hãng tin Reuters ngày 27/8, các điều tra viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã cáo buộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã phạm tội ác chiến tranh và phạm tội ác chống lại loài người khi vẫn đang tiến hành các hoạt động man rợ như chém giết, gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân tại trên toàn thế giới.

Con số các chiến binh tham gia lực lượng IS hiện nay rơi vào khoảng 100.000 tay súng, cao hơn nhiều so với ước tính trước đó của các nhà quan sát quốc tế là vào khoảng 20.000 - 50.000 chiến binh. Thêm vào đó, phạm vi hoạt động của tổ chức khủng bố này đã vượt qua lãnh thổ Syria và mở rộng tới Iraq tuyển mộ các tay súng nước ngoài và giành quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn ở miền Bắc và miền Đông Syria, trong đó có mỏ dầu lớn Deir al-Zor.

Ông Hisham al-Hashimi, một trong những chuyên gia an ninh hàng đầu Iraq và có mối quan hệ thân cận với các cơ quan tình báo cho rằng, “IS không phải bỗng nhiên xuất hiện”, tổ chức này “là sự mở rộng của các nhóm đã tồn tại trước kia, về cả mặt lịch sử và ý thức hệ”.

Còn Tiến sỹ Yoram Schweitzer thuộc Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel (INSS) cảnh báo, mối đe dọa của IS đối với khu vực đã cho thấy chính tình trạng vô pháp luật của IS mới đe dọa Trung Đông, chứ không phải chính bản thân tổ chức này. Ông Yoram Schweitzer khẳng định, mối đe dọa thật sự là những vùng đất thuộc quyền kiểm soát của IS đang được tận dụng làm nơi sản sinh và trú ẩn cho những kẻ khủng bố, và những tên này đang được đào tạo để gieo rắc chủ nghĩa khủng bố tới châu Âu và Bắc Mỹ. 

Những chiến binh người Kurd. Ảnh: Reuters.

Trong một diễn biến gần đây nhất, theo tin từ hãng Reuters, sau nhiều ngày giao tranh đẫm máu, các tay súng IS ngày 24/8 đã chiếm giữ căn cứ không quân Tabqa, thành trì cuối cùng của quân đội Chính phủ Syria tại TP al-Tabaqa, tỉnh Raqqa ở miền Bắc, buộc các quan chức quân đội phải di dời đến một sân bay quân sự khác ở tỉnh Deir al-Zour, phía Đông Syria.

Tuy nhiên, theo hãng tin SANA, cùng ngày, quân đội Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát căn cứ không quân này. Mặc dù vậy, bước đi này của IS một lần nữa tái khẳng định họ đang từng bước thực hiện mưu đồ thành lập vương quốc Hồi giáo của mình trên một khu vực rộng lớn ở cả IraqSyria. Theo số liệu do Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) công bố, 346 phần tử thánh chiến và 25 binh sĩ Syria đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh tại căn cứ không quân Tabqa kể từ hôm 19-8, và 170 binh sĩ khác thiệt mạng trong các vụ xô xát dữ dội hôm 24/8. Quân đội đã tịch thu nhiều xe tăng, súng phóng lựu và các phương tiện quân sự khác, cũng như thiết lập được quyền kiểm soát đối với thị trấn al-Ejeil nằm gần căn cứ al-Tabqa. Trước tình hình căng thẳng như vậy, ngày 27/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Washington đang thúc đẩy các nỗ lực  thành lập một liên minh đối với các nước ở châu Âu và thế giới Arab và có thể rộng rãi hơn để đối phó với IS.

Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng nhấn mạnh việc đối phó với IS là cần thiết và khẳng định nước này sẽ tiếp tục các hoạt động viện trợ nhân đạo tại Iraq. Tuy nhiên, vai trò của Australia đối với bất cứ yêu cầu nào của Mỹ và các đồng minh khác sẽ dựa trên việc có đạt được các mục đích nhân đạo hay không cũng như đánh giá cẩn thận nguy cơ khi tham chiến. Còn về phía Pháp, một quan chức cấp cao của nước này cho rằng, sau những quyết định của Mỹ đối với Syria vào năm ngoái, nước Pháp cần phải nhận được sự đảm bảo chắc chắn khi tham gia bất kì một chiến dịch chung nào với Mỹ.

Trước đó, phát biểu trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” trên kênh truyền hình NBC ngày 24/8, Chủ tịch Ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ Mike Rogers đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama nên phối hợp với các nước Arab nhằm triển khai những chiến dịch lớn và toàn diện triệt phá mọi hoạt động của IS tại Iraq và Syria. Ông M. Rogers cho biết IS đang lôi kéo sự ủng hộ từ những đối tượng có thể du lịch đến châu Âu mà khó bị phát hiện để tiến hành các cuộc tấn công.

Ý kiến của ông Roger đã nhận được sự đồng tình của một số nghị sỹ đảng Cộng hòa khác trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng thừa nhận rằng, IS đã trở thành nguy cơ khủng bố đáng lo ngại hơn cả tổ chức khủng bố Al Qaeda, vì nhóm này được tài trợ về tài chính dồi dào và biết kết hợp tư tưởng với kiến thức quân sự, chiến thuật và chiến lược.

Phát biểu tại cuộc họp chung tại thủ đô Baghdad (Iraq) ngày 24/8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp nước chủ nhà Hoshyar Zebari đã cùng kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay đối phó với IS. Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cho biết, Iran hiện đang hợp tác với Chính phủ Trung ương Iraq và Chính phủ tự trị người Kurd để đẩy lùi các tay súng của “lực lượng tàn bạo và nguy hiểm này”, vốn đang đe dọa không chỉ người Kurd, người Sunni và cả người Shiite, mà còn cả toàn bộ xã hội Iraq, toàn bộ khu vực, và cả cộng đồng quốc tế

Hà Khổng
.
.
.