Tin tặc Nga là “vở kịch” của đảng Dân chủ?

Thứ Hai, 11/09/2017, 14:39
Từ trước đến nay, các chuyên gia tin rằng chính các tin tặc (hacker) Nga đã hack các máy tính của Ủy ban Dân chủ Quốc gia (DNC) và tung tài liệu cho WikiLeaks công bố, tiết lộ sự thiên vị của đảng Dân chủ đối với Hillary Clinton hơn là Bernard Sanders, nhằm phá hỏng uy tín của ứng viên Clinton.


Chính niềm tin này đang dẫn đến hàng loạt động thái điều tra xét hỏi liên quan đến Tổng thống Donald Trump và cộng sự/người thân của ông, có thể tạo ra một vụ bê bối chính trị lớn.

Guccifer là hư cấu

Tuy nhiên, những nghi ngờ đối với cáo buộc này ngày càng gia tăng, kể cả trong hàng ngũ các nhà chuyên gia thuộc “dòng chính”. Mới đây, một nhóm khá nổi tiếng gồm các cựu quan chức Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và CIA đã tuyên bố vụ hack từng làm rung chuyển cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 không đơn thuần là một cuộc tấn công, mà thực ra là một vụ rò rỉ bởi một “người trong cuộc”, có khả năng “tiếp cận vật lý” với mạng máy tính của DNC.

Đây là suy đoán của nhóm Các Cựu chuyên gia Tình báo đấu tranh cho chuẩn mực (VIPS) đưa ra. Nghiên cứu của VIPS nêu nghi vấn trước những khẳng định của cộng đồng tình báo Mỹ về sự tồn tại của "Guccifer 2.0", được cho là một hacker rùng rợn người Rumani đã tiến hành vụ tấn công mạng. Một đánh giá vào tháng 1-2017 của cộng đồng tình báo Mỹ công bố Guccifer đã tấn công mạng DNC dưới sự chỉ đạo của tình báo Nga, và sau đó đã chuyển các tài liệu hack được tới WikiLeaks.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo người đồng sáng lập VIPS Ray McGovern thì có bằng chứng rõ ràng cho thấy một số email DNC được cung cấp cho WikiLeaks chứa định dạng ngôn ngữ Nga chồng lên nhau. "Về cơ bản, chúng đã bị làm giả như nhiễm độc với những dấu vân tay của Nga, để trông có vẻ như các hacker Nga đã tham gia vào vụ hack”, ông McGovern nói.

Nghiên cứu của VIPS đưa ra những mốc thời gian cho thấy toàn bộ sự tồn tại của Guccifer thực tế được dựng lên để đánh lạc hướng cử tri và các nhà báo Mỹ. Những đề cập đầu tiên về Guccifer đã xuất hiện trong các bài báo xuất bản ngay sau khi WikiLeaks tung ra các email cho thấy thông tin đáng xấu hổ về chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Clinton và những trận đấu đá với ông Sanders ngay trước hội nghị của DNC.

Nhưng trong ngày khai mạc hội nghị ở Philadelphia vào mùa hè năm 2016, ông Assange đã không đề cập đến Guccifer khi thảo luận về cách làm thế nào WikiLeaks có được các email. Ngược lại, ông Assange cho rằng việc hack hệ thống DNC có thể liên quan đến nội gián.

Trong khi đó, gần đây xuất hiện những câu hỏi mới về vai trò của một công ty được biết đến với cái tên Crowdstrike - một công ty an ninh mạng có kết nối với DNC, được giao nhiệm vụ điều tra máy chủ đã bị tấn công của DNC.

Crowdstrike đồng lõa

Trong khi Crowdstrike tạo ra một báo cáo "pháp y mạng" về vụ hack, các nhà điều tra liên bang, bao gồm cả FBI, lại không được tiếp cận mạng máy tính của DNC. Đánh giá của cộng đồng tình báo vào đầu năm nay cũng không đề cập đến Crowdstrike.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, ông McGovern phát biểu trên The Times rằng Công ty Irvine, trụ sở ở California, có thể có kết nối với một bản sao của các tài liệu đã chuyển cho WikiLeaks, có chứa các chi tiết được giải mật về các khả năng hack mới nhất của CIA.

Những khả năng đó bao gồm các chương trình nghe lén trên điện thoại và TV thông minh, ngoài việc thiết lập các công cụ để tạo ra các hacker cờ giả danh Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, các nước nói tiếng Ảrập và tiếng Ba Tư.

Ông McGovern cho rằng chỉ có CIA mới có khả năng tạo ra một vụ hack giống như xuất phát từ một nước sử dụng ngôn ngữ khác. Theo ông McGovern, Công ty Crowdstrike đã được DNC chi trả hơn 400.000 USD trong suốt kỳ bầu cử năm 2016, có thể đã đồng lõa trong việc dựng lên câu chuyện về sự tham gia của Nga trong việc tấn công DNC.

Ông lập luận rằng sự đồng lõa như vậy có thể giải thích tại sao không FBI, CIA, NSA lẫn bất kỳ cơ quan tình báo hay cơ quan thực thi pháp luật nào khác của Mỹ có thể kiểm tra đầy đủ vụ hack của DNC. Ông Jim McMahon nói: “Cựu Giám đốc FBI Jim Comey (đã bị sa thải) có thể có quyền tiếp cận máy chủ của DNC, nhưng ông ta không bao giờ muốn làm vậy”.

Gia Huy (Theo Washington Times)
.
.
.