Gai người với lời thú tội của mafia tàn độc nhất Italia

Thứ Sáu, 11/06/2021, 21:24
La Repubblica ngày 11/6 đưa tin, một công tố viên của Uỷ ban Điều tra chống mafia Italia đã tiết lộ lời thú tội muộn màng của Giovanni Brusca, nhân vật từng được coi là cánh tay phải của Salvatore Toto Riina, "trùm của những tên trùm" điều hành băng đảng khét tiếng Cosa Nostra. 

Giovanni Brusca được truyền thông Italia gọi là trùm mafia tàn độc nhất. Ảnh: ANSA.

"Tôi biết mình là hạng súc sinh. Tôi đã giết hơn 150 mạng người mà thậm chí còn không thể nhớ nổi tên của họ. Tôi tha thiết cầu xin sự lượng thứ từ tất cả người thân của các nạn nhân. Vì tội ác của tôi, họ đã phải gánh chịu quá nhiều đau khổ”. Đó là những gì Giovanni Brusca bày tỏ với các công tố viên cao cấp của Uỷ ban Điều tra chống mafia năm 2016.

Lời thú tội trên được công bố trong bối cảnh dư luận Italia “phẫn nộ” về việc Brusca được thả tự do sớm hôm 31/5, sau 25 năm thụ án. Đặc biệt, người dân quốc gia Nam Âu này còn kêu gọi cải cách luật để “tránh nương tay quá mức” với các loại tội phạm có tổ chức "không biết hối cải".

Brusca từng tỏ ra thách thức khi bị bắt giữ năm 1996. Ảnh: HZ.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Uỷ ban Điều tra chống mafia Claudio Fava cho biết, Brusca được mãn hạn tù sớm là quyết định được chiểu theo điều luật giảm án cho những mafia hợp tác với các điều tra viên để cung cấp những mật tin giá trị.

Ông Claudio nhấn mạnh, Brusca đã đóng góp rất nhiều thông tin, những điều chưa từng được biết tới về hoạt động của các tổ chức mafia. Ông cũng dẫn lại lời của Brusca như sau: “Gia đình của tôi đã phải trả giá đắt khi tôi quyết định cung cấp thông tin cho cảnh sát. Tôi không còn như trước, tôi hiểu đây là việc làm đúng đắn về mặt đạo đức, luật pháp và con người. Nó giúp tôi chấm dứt mọi chuyện. Cosa Nostra là một chuỗi chết chóc, nói cách khác, đó là một nhà máy sản xuất cái chết, không hơn không kém”.

Khi dư luận kêu gọi cải cách, nhiều thẩm phán và luật sư trên toàn Italia khẳng định, nếu không có điều luật này, Brusca có lẽ đã không phải ngồi tù dù chỉ một ngày. Cụ thể, điều luật được thúc đẩy bởi công tố viên chống mafia nổi tiếng Giovanni Falcone vào những năm 80, 90 của thế kỷ XX. Công tố viên Falcone cũng đã thiệt mạng dưới tay Brusca trong một vụ đánh bom ô tô kinh hoàng bằng 400 kg thuốc nổ năm 1992.

Hiện trường vụ đánh bom ô tô bằng 400kg thuốc nổ của Brusca và băng đảng Cosa Nostra khiến vợ chồng công tố viên Falcone và ba vệ sĩ thiệt mạng. Ảnh: Getty.

Chia sẻ với La Repubblica, Giuseppe Di Lello, cộng sự của công tố viên Falcone, thành viên nhóm điều tra chống mafia thời điểm đó lên tiếng: “Sự phẫn nộ của thành viên gia đình các nạn nhân là điều dễ hiểu. Nhưng nếu không có luật này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đưa ra ánh sáng hàng trăm, hàng ngàn vụ việc sai trái có bàn tay của mafia. Nó giống như một hiệp ước với các tội phạm bị tuyên án, đổi lấy thông tin giá trị để phục vụ cho cuộc chiến dài hơi với các băng đảng có tổ chức. Đó là sự đánh đổi”. 

Được biết, năm 1984, công tố viên Falcone đã thuyết phục Tommaso Buscetta với biệt danh “ông trùm của hai thế giới”, làm chứng chống lại băng đảng khét tiếng Cosa Nostra tại Palermo. Người này đã đồng ý bởi “chẳng còn gì để mất”, sau khi Brusca ra lệnh giết cậu con trai 12 tuổi của Tommaso Buscetta, đồng thời phi tang thi thể cậu bé trong thùng đựng axit. Cảnh sát nước này gọi đây là "một trong những tội ác ghê tởm nhất lịch sử".

Kể từ đó, hàng trăm mafia “muốn hoàn lương” trên khắp Italia bắt đầu hợp tác với cảnh sát để phá vỡ “omertà”, quy tắc im lặng ngầm bất khả xâm phạm của "thế giới đen tối".

Hiện tại, Brusca đã được ra tù nhưng người này sẽ tiếp tục bị quản chế trong vòng bốn năm tới và có tên trong danh sách bảo vệ nhân chứng của Italia. Trước đó, Brusca bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 20/5/1996 tại một biệt thự ở tỉnh Agrigento, cũng nhờ mật báo của ba cựu mafia khác.

Linh Đan
.
.
.