Những quan ngại của Nga đối với các điểm “nóng” trên thế giới

Thứ Hai, 22/02/2016, 09:31
Tại Hội nghị An ninh Munich mới kết thúc cuối tuần qua tại Đức, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có bài phát biểu đề cập tới nhiều vấn đề “nóng” trên thế giới như cuộc khủng hoảng Ukraine, nội chiến tại Syria, các mối đe dọa mới, chủ yếu là chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan,… Từ đó, Thủ tướng Medvedev đã chỉ ra những quan ngại lớn nhất của Nga đối với các sự kiện này.


Đề cập tới điểm “nóng” Syria, Thủ tướng Medvedev khẳng định Nga đang và sẽ tiếp tục công việc thực thi các sáng kiến hòa bình chung. Đây là con đường khó khăn, nhưng không thể thay cho cuộc đối thoại đa sắc tộc và tôn giáo. Cần phải duy trì Syria như một nhà nước thống nhất và ngăn việc giải thể nhà nước này vì lý do giáo phái. Thế giới không nên có thêm một Libya, Yemen hay Afghanistan nữa. Hậu quả của kịch bản này sẽ là thảm họa với Trung Đông.

Thủ tướng Nga phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2016. (Ảnh: Getty Images).

Công việc của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria mang lại những hy vọng nhất định. Họ quy tụ tại đây và đưa ra danh sách các biện pháp thực tế nhằm thực thi Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kể cả việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân thường và nêu rõ các điều kiện của lệnh ngừng bắn, đương nhiên là ngoại trừ các nhóm khủng bố.

Thủ tướng Medvedev nêu rõ việc thực hiện các biện pháp này phải do Nga và Mỹ thực hiện, đồng thời nhấn mạnh công việc hàng ngày của quân đôi hai nước đóng vai trò then chốt. Đương nhiên, không nên đưa ra điều kiện sơ bộ để bắt đầu các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Syria và phe đối lập, và không cần đe dọa ai bằng một chiến dịch trên bộ. Tiếp đó là vấn đề khủng bố.

Thủ tướng Medvedev tin rằng, nếu thất bại trong việc bình thường hóa tình hình Syria và các khu vực xung đột khác, khủng bố sẽ trở thành một hình thức chiến tranh mới lan tràn trên thế giới, đồng thời còn là phương pháp giải quyết xung đột sắc tộc và tôn giáo, và hình thức quản lý kiểu nhà nước. Có quan niệm chung rằng, chủ nghĩa khủng bố không phải là vấn đề với những nước nhất định. Nga lần đầu tiên đã cảnh báo về điều này 2 thập kỷ trước.

“Chúng tôi đã cố gắng thuyết phục các đối tác của mình rằng, nguyên nhân cốt lõi không chỉ là sự khác biệt về sắc tộc hay tôn giáo”, Thủ tướng Medvedev dẫn ví dụ, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), với ý thức hệ không dựa trên các giá trị Hồi giáo, mà dựa trên mong muốn khát máu và hủy hoại. Đã đến lúc chúng ta phải ghi nhớ điều này. Chẳng gì có thể biện minh cho những hành động khủng bố, không có sự phân chia khủng bố thành của chúng ta hay của họ, thành ôn hòa hay cực đoan.

Thủ tướng Medvedev chỉ ra rằng, việc máy bay Nga bị phá hủy trên bầu trời (Bán đảo) Sinai, các vụ tấn công khủng bố tại Paris, London…, các vụ hành quyết con tin ghê rợn và vô vàn các mối đe dọa khác là bằng chứng cho thấy khủng bố quốc tế bất chấp các đường biên giới quốc gia. Những kẻ khủng bố và cực đoan đang tìm cách truyền bá ảnh hưởng của chúng không chỉ trên toàn Trung Đông và Bắc Phi mà toàn bộ khu vực Trung Á. Thật đáng tiếc, cho tới nay chúng đã thành công, chủ yếu vì cộng đồng quốc tế chưa thể gạt sang một bên những khác biệt và chung tay chống lại chúng.

Điều tiếp theo mà nước Nga quan ngại là các cuộc xung đột và khủng bố khu vực liên quan mật thiết tới vấn đề di cư không thể kiểm soát lớn chưa từng có. Điều này có thể được mô tả như sự di chuyển lớn và mới của dòng người và sự tích tụ các vấn đề của sự phát triển toàn cầu hiện nay. Nó tác động không chỉ tới Tây Âu mà cả Nga. Cuộc khủng hoảng người di cư đang diễn ra nhanh chóng mang các tính chất của một thảm họa nhân đạo, ít nhất tại một số khu vực của châu Âu. Các vấn đề xã hội cũng này sinh. Đó là còn chưa nói đến việc hàng trăm và hàng nghìn phần tử cực đoan tham nhập châu Âu dưới chiêu bài người tị nạn.

Từ đó Thủ tướng Medvedev khẳng định nước Nga sẵn sàng làm hết sức mình để giúp giải quyết vấn đề di cư, kể cả bằng cách đóng góp vào nỗ lực bình thường hóa tình hình trong khu vực xung đột vốn từ đó xuất phát phần lớn người tị nạn, trong đó có Syria. Về vấn đề nước láng giềng Ukraine.

Thủ tướng Nga chỉ ra rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là lệnh ngừng bắn toàn diện không được tuân thủ ở Đông Nam nước này. Thường xuyên có thông báo về các vụ bắn phá trên giới tuyến, điều đáng lẽ không được xảy ra. Và cần phải gửi đi tín hiệu rõ ràng cho tất cả các bên liên quan trong vấn đề này.

Thứ hai, những sửa đổi Hiến pháp Ukraine cho đến nay vẫn không được thông qua, dù điều này cần được thực hiện cho tới cuối năm 2015, và luật quy chế đặc biệt cho Donbass không được thực hiện. Thay vì phối hợp các thông số phân quyền cụ thể với các khu vực này, và đây là vấn đề rất quan trọng, Ukraine đã thông qua cái gọi là “điều khoản trực tiếp”, dù yêu cầu trên được quy định bằng văn bản trong các thỏa thuận Minsk.

Thứ ba, Kiev tiếp tục khẳng định các cuộc bầu cử địa phương phải được dựa trên luật pháp mới của Ukraine. Hơn nữa, Kiev không thực hiện cam kết của mình về một lệnh ân xá rộng rãi với tất cả những người đã tham gia những sự kiện ở Ukraine giai đoạn 2014 – 2015. 

Nếu không được ân xá, những người này sẽ không thể tham gia bầu cử, điều sẽ làm cho bất kỳ kết quả bầu cử nào bị đặt dấu hỏi. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ không xác nhận kết quả đó. Thủ tướng Medvedev tái khẳng định lập trường của Nga là các thỏa thuận Minsk phải được thực thi đầy đủ.

Thủ tướng Medvedev kết luận rằng, phần lớn những thách thức này không phát sinh ngày hôm qua và chúng chắc chắn không được nghĩ ra tại Nga. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã không học được cách đối phó với chúng một cách đúng đắn hoặc thậm chí là chủ động. Điều này giải thích nguyên nhân phần lớn các nguồn lực đi vào giải quyết hậu quả và thường xuyên không xác định được nguyên nhân gốc. Hoặc chúng ta đầu tư năng lượng của mình không chống lại cái ác thực sự, mà để răn đe các láng giềng.

Trần Linh
.
.
.