Những điều chưa biết về vị Thủ tướng cao tuổi nhất thế giới Mahathir Mohamad

Thứ Sáu, 11/05/2018, 11:18

21h30 ngày 10-5 (giờ địa phương), ông Mahathir Mohamad, 92 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia. Với sự trở lại đầy ngoạn mục, vị chính trị gia gạo cội đang nhận được sự tín nhiệm và kính trọng từ đông đảo người dân Malaysia và cộng đồng quốc tế.

Dr.M trong lòng người dân

Ông Mahathir vẫy chào những người dân trong một sự kiện diễn ra năm 2015. Ảnh: Reuters

Khác với xuất thân quý tộc của cựu Thủ tướng Najib Razak, tân Thủ tướng Mahathir Mohamed xuất thân từ một gia đình 10 người con, với cha là giáo viên tại Alor Setar, phía bắc Malaysia.

Mặc dù gia đình có nền tảng làm nghề giáo, nhưng khi lớn lên, ông đã quyết định theo đuổi ngành Y tại Đại học Y King Edward VII Singapore, nay là Đại học Quốc gia Singapore.

Ông tốt nghiệp năm 1953, trở về Malaysia, làm một chức vụ về y tế trong chính phủ suốt 4 năm, rồi mở phòng khám tư. Từng là một bác sĩ, vì vậy nên ông được công chúng trìu mến đặt cho biệt danh là “Dr.M” - Bác sĩ M.

Thủ tướng cầm quyền lâu nhất Malaysia

Sự trở lại của ông Mahathir nhận được sự ủng hộ và tín nhiệm lớn từ đông đảo người dân Malaysia. Ảnh: CNN

Ông Mahathir gia nhập Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) vào năm 1946, khoảng hơn một thập kỷ trước khi Malaysia tuyên bố độc lập khỏi Anh. Vào thời điểm ấy, chính trị gia Mahathir mới đang là một cậu sinh viên y khoa 21 tuổi, theo đuổi khát khao tham gia chính trường. UMNO sau đó trở thành chính đảng lớn trong liên minh chính trị Barisan Nasional. 

Là người đứng đầu trước đây của liên minh Barisan Nasional, ông Mahathir được bầu làm Thủ tướng vào năm 1981 và giữ chức vụ Thủ tướng Malaysia trong suốt 22 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2003. Truyền thông ca ngợi ông Mahathir như "vị Thủ tướng với nhiều kỷ lục", trong đó nổi bật là kỷ lục cầm quyền lâu nhất tại Malaysia.

Từng viết cuốn sách về người Malaysia

Con đường chính trị của ông Mahathir không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Ông bước chân vào Quốc hội năm 1964, nhưng bị khai trừ khỏi đảng UMNO và mất ghế nghị sĩ 3 năm sau đó vì đã viết một bức thư công kích Thủ tướng Malaysia lúc bấy giờ là Tunku Abdul Rahman.

Cuối những năm 1960, ông Mahathir xuất bản cuốn sách nhiều tranh cãi "Thế lưỡng nan của người Mã Lai", trong đó tuyên bố người Malaysia đã bị gạt ra bên lề xã hội trong thời thực dân và giờ phải chấp nhận địa vị công dân hạng hai.

Cuốn sách nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo trẻ UMNO. Họ mời ông gia nhập lại đảng và ông được tái bầu vào quốc hội năm 1974. Ông sau đó trở thành bộ trưởng giáo dục Malaysia rồi từng bước vươn lên trở thành phó chủ tịch đảng UMNO. Năm 1981, ông chính thức ngồi vào ghế Thủ tướng.

Cha đẻ của công cuộc hiện đại hóa Malaysia

Những dự án của ông để thúc đẩy lòng tự hào dân tộc bao gồm tòa tháp từng là cao nhất thế giới - tháp đôi Petronas. Ảnh: MN

Trong suốt 22 năm cầm quyền, ông Mahathir đã có công lớn trong việc giúp đất nước Malaysia phát triển như ngày nay. Ông đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của các ngành công nghệ cao và đây là nền tảng để biến Malaysia trở thành quốc gia xuất khẩu điện tử đứng hàng thứ 17 trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của ông, bộ mặt Malaysia đã thay đổi và phát triển mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực giao thông, công nghiệp cao, cùng nhiều công trình xây dựng ấn tượng.

Chưa bao giờ thực sự nghỉ hưu

"Vâng, vâng, tôi vẫn còn sống đây!", tân Thủ tướng Mahathir dí dỏm nói với đám đông chờ đợi trong cuộc họp báo tuyên bố chiến thắng sau cuộc tổng tuyển cử ngày 9-5, phần nào khẳng định tinh thần nhiệt huyết và sẵn sàng theo đuổi con đường chính trị đến hơi thở cuối cùng của mình.

Quả thực vậy, mặc dù nghỉ hưu vào năm 2003, nhưng ông Mahathir vẫn tiếp tục tham gia vào Chính phủ với vai trò cố vấn cho nhiều tập đoàn đa quốc gia của Malaysia. Ông được đánh giá là một người có tiếng nói rất lớn trong chính trường Malaysia.

Chiến thắng phi thường

Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong lễ tuyên thệ nhậm chức vào tối 10-5. Ảnh: XN

Lần đầu tiên trong lịch sử Malaysia kể từ khi giành độc lập năm 1957, một liên minh đối lập đã giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử của nước này. Và Tân Tổng thống Mahathir chính là người làm nên điều đó.

Với việc giành được 121 ghế trên tổng số 222 ghế của Quốc hội, ông Mahathir đã làm nên một chiến thắng phi thường, kết thúc 61 năm cầm quyền của liên minh Mặt trận Quốc gia (Barisan Nasional - BN). Điều đáng lưu ý là ông Mahathir cũng chính là người lãnh đạo của BN trong 22 năm, từ 1981 đến lúc ông rút lui vào năm 2003.  

Giới quan sát nhận xét, nếu không phải là một chính trị gia lão làng như ông Mahathir thì thật khó để một liên minh đối lập có thể làm nên một kỳ tích lịch sử trước "bức tường thành" trị vì hơn 60 năm tại Malaysia.

Tại lễ tuyên thệ nhậm chức tối 10-5, ông Mahathir cam kết sẽ nâng cao giá trị của đồng ringgit (đồng tiền của Malaysia), cũng như sẽ thu hồi lại hàng tỷ USD bị thất thoát trong vụ bê bối quỹ nhà nước 1MDB của chính phủ tiền nhiệm. Ông cam kết sẽ dẫn đầu chính phủ mới loại bỏ những luật lệ “áp bức và thiếu công bằng”, nghiên cứu luật chống “tin giả” và xem xét luật hội đồng an ninh quốc gia. 

Vị Thủ tướng cao tuổi nhất thế giới

Thủ tướng Mahathir luôn tỏ ra lạc quan về sức khỏe của mình. Ảnh: AP

Ở tuổi 92, ông Mahathir trở thành Thủ tướng cao tuổi nhất thế giới. Số tuổi của ông hiện gấp đôi số tuổi của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Trong buổi họp báo sau chiến thắng vang dội, tân Thủ tướng Malaysia từng hóm hỉnh nói: "Nói về tuổi tác thì có hai loại. Một loại liên quan tới số năm, loại còn lại là sự dẻo dai của cơ thể. Nếu tính theo sức khỏe thì tôi chưa già đâu", BBC dẫn lời.

Trong suốt thời gian vận động tranh cử, ông Mahathir đã bay từ Kuala Lumpur về quê nhà Langkawi (bang Kedah) để tiếp xúc cử tri rồi lại bay về thủ đô. Ông có thể đứng cả tiếng đồng hồ để thuyết trình và vận động cử tri, cũng có thể diễn thuyết không ngừng nghỉ về những chiến lược của mình với thái độ hào hứng, không hề mệt mỏi. 

Nhiều người lo ngại rằng, tuổi tác sẽ là vấn đề lớn cản trở những kế hoạch của Thủ tướng Mahathir. Nhưng dường như, tân Thủ tướng Malaysia hiểu rất rõ vấn đề sức khỏe nhưng lại không hề đặt nặng điều đó. Bởi như Thủ tướng Mahathir từng nói, việc chỉ nghĩ tới bản thân mình là "hoàn toàn ích kỷ", và ông sẵn sàng dành thời gian và sức lực của mình để cống hiến và phát triển đất nước Malaysia.

An Nhiên (T.H)
.
.
.