Những điều chưa biết về đội ngũ biện hộ của Philippines trong vụ kiện biển Đông

Thứ Sáu, 10/07/2015, 13:22
Tổng thống Benigno Aquino III đã thành lập một đoàn tranh tụng gồm các luật sư và quan chức trong nước và 2 luật sư, 3 cố vấn người nước ngoài, trong đó đứng đầu là luật sư Paul Reichler của Công ty luật Foley Hoag LLP có trụ sở tại thủ đô Washington D.C của Mỹ.

Vụ kiện pháp lý ở biển Đông đã chính thức bắt đầu bằng phiên tranh tụng tại trụ sở tòa án trọng tài biển của Liên hợp quốc (LHQ) tại The Hague (Hà Lan) hôm 7/7.

Trong vòng 1 tuần liền, 5 thẩm phán của tòa án trọng tài sẽ lắng nghe các chứng cứ, biện hộ của đại diện Philippines để xác định xem liệu đơn kiện của Manila có giá trị pháp lý hay không và liệu tòa án có thẩm quyền xử vụ việc này hay không.

Đoàn quan chức cấp cao

Hôm 7/7, phiên điều trần đầu tiên về vụ kiện biển Đông đã kéo dài hơn 3 tiếng (từ 14h30 đến gần 18h) với nội dung chính là tập trung thảo luận về thẩm quyền tài phán của tòa án đối với đơn kiện của Philippines nhằm vào Trung Quốc xung quanh “đường chín đoạn” vô lý.

Hãng tin GMA của Philippines cho biết, từ hôm 4/7, chính quyền Manila đã cử một đoàn quan chức tới thành phố The Hague để chuẩn bị cho phiên điều trần. Đến ngày 6/7, một phái đoàn quan chức cấp cao khác từ 3 cơ quan của chính phủ cũng đã có mặt. Điều đáng chú ý là vì tính chất quan trọng của phiên điều trần mà Philippines đã cử cả Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte, Phó chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio, Thẩm phán Tòa án Tối cao Francis Jardeleza, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin, Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima, cố vấn chính trị của Tổng thống Ronald Llamas… tới dự.

Theo thông báo của phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines Abigail Valte, Manila mong muốn tòa ra phán quyết có lợi cho nước này và bác bỏ tuyên bố “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trong số các quan chức cấp cao tham dự phiên điều trần, cố vấn pháp luật của chính phủ Florin Hilbay sẽ là người đầu tiên trình bày quan điểm của chính phủ Philippines về vụ kiện cũng như việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Tiếp đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sẽ nêu lý do chính quyền Manila đưa đơn kiện. Bà Abigail Valte khẳng định, hai quan chức này sẽ giữ vai trò chính trong 3 ngày đầu tiên của phiên tranh tụng. Sau đó, một vài quan chức khác tham gia đoàn đại diện cũng sẽ có những phát biểu riêng rẽ nếu các thẩm phán yêu cầu.

Hãng Rappler cho hay, cố vấn pháp luật của chính phủ Florin Hilbay là luật sư trưởng đứng đầu nhóm pháp lý của Philippines. Năm nay 41 tuổi, ông Florin Hilbay mới được Tổng thống Benigno Aquino III bổ nhiệm vào vị trí cố vấn từ tháng 8 năm ngoái, thay thế cho ông Francis Jardeleza. Florin Hilbay được đánh giá là một luật sư tài năng của Philippines, từng được xếp thứ hạng cao nhất trong kỳ kiểm tra luật sư của Philippines hồi năm 1999.

Thời còn đi học, Florin Hilbay đã giành được học bổng Fulbright tại Đại học Boston của Mỹ, học bổng tại Viện nghiên cứu luật và luật pháp quốc tế Max Planck ở Heidelberg của Đức, học bổng tại Viện nghiên cứu luật châu Á tại Đại học quốc gia Singapore.

Phái đoàn biện hộ hùng hậu của Philippines tại phiên tranh tụng đầu tiên hôm 7/7. Ảnh: Abigail Valte.

Sau đó ông học Thạc sĩ luật học tại Đại học Luật Yale của Mỹ. Còn Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lại là đồng minh thân cận của Tổng thống Benigno Aquino III, người trong suốt 4 năm qua đã “lao tâm khổ tứ” nhiều trong việc lên kế hoạch thực hiện vụ kiện nhằm vào “đường chín đoạn” ở biển Đông của Trung Quốc. Ông Albert del Rosario thừa hưởng nền giáo dục của Mỹ ngay từ ngày học phổ thông trung học và đã có thời gian tu nghiệp ở Mỹ.

Trước khi trở thành Ngoại trưởng Philippines, ông từng là Đại sứ Philippines tại Mỹ dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo. Albert del Rosario còn được cho là người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc kêu gọi Mỹ cung cấp thiết bị quan trọng và các loại tàu chiến, vũ khí, hệ thống radar nhằm hiện đại hóa quân đội Philippines, chuẩn bị đối phó với những tình huống xấu nhất xảy ra ở biển Đông. Ông cũng là người thường xuyên đưa ra các phản biện chặt chẽ trước những tuyên bố vô lý của Trung Quốc về “đường chín đoạn” và chủ quyền ở biển Đông.

Và đội ngũ luật sư, cố vấn hùng hậu

Philippines chính thức phát đơn kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài biển của LHQ hồi năm 2013 để tìm kiếm quyền được khai thác ở những vùng biển thuộc phạm vi “vùng đặc quyền kinh tế” 200 hải lý của nước này như được quy định theo Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khi đó lập luận rằng, chính quyền Manila tin tưởng rằng, tòa án trọng tài là nơi thích hợp để giải quyết cuộc tranh chấp có liên quan đến UNCLOS bởi đây là công ước mà cả Manila và Bắc Kinh đều ký kết tham gia. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Trung Quốc đã bác bỏ việc tham gia vụ kiện.

Tháng 3 năm ngoái, Philippines đã nộp các luận cứ dưới dạng văn bản bao gồm nhiều tài liệu và các chứng cứ quan trọng khác để củng cố thách thức pháp lý của mình đối với tuyên bố “đường chín đoạn” của Bắc Kinh. 4 tháng trước phiên điều trần đầu tiên này, chính quyền Manila lại nộp thêm 4.000 trang tài liệu bổ sung mới với nhiều chứng cứ, bản đồ quan trọng.

Đồng thời, từ giữa năm ngoái, Tổng thống Benigno Aquino III cũng đã thành lập một đoàn tranh tụng gồm các luật sư và quan chức trong nước và 2 luật sư, 3 cố vấn người nước ngoài, trong đó đứng đầu là luật sư Paul Reichler của Công ty luật Foley Hoag LLP có trụ sở tại thủ đô Washington D.C của Mỹ.

Luật sư Paul Reichler đã có 25 năm kinh nghiệm trong việc đại diện cho các quốc gia tham gia các vụ kiện về tranh chấp chủ quyền như vụ Mauritus chống Anh và Bangladesh chống Ấn Độ…

Theo báo The Wall Street Journal, ông Reichler từng có chiến thắng đình đám vào thập niên 1980, khi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại The Hague ra phán quyết khẳng định Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế qua việc ủng hộ lực lượng nổi dậy Contra lật đổ chính phủ cánh tả Sandinista tại Nicaragua và gài mìn các cảng của nước này.

Năm 2009, tạp chí The American Lawyer đã mệnh danh Paul Reichler là “Quý ông Tòa án thế giới” (Mr. World Court), nhờ vào kinh nghiệm và thành tích trên trường quốc tế. Một năm sau đó, ông tiếp tục được đánh giá là một trong những người hành nghề luật được kính trọng nhất và giàu kinh nghiệm nhất thế giới trong lĩnh vực công pháp quốc tế. Khi được hỏi về lý do chấp nhận đại diện cho Philippines tham gia vụ kiện, luật sư Paul Reichler đã từ chối trả lời mà chỉ nói rằng ông muốn đại diện cho các nước nhỏ chống lại cái mà ông gọi là “những kẻ giàu có và hùng mạnh”.

Luật sư Paul Reichler còn khẳng định, dù vụ kiện của Philippines với Trung Quốc có thể kéo dài từ 3-5 năm thì ông vẫn sẵn sàng theo đuổi.

Huyền Chi
.
.
.