Những cú hạ cánh thần kì cứu mạng hàng trăm người của phi công khắp thế giới

Thứ Năm, 15/08/2019, 23:46
Rất nhiều sự cố hàng không xảy ra khi máy bay đang ở độ cao cả ngàn mét và có thể đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, nhưng lại được "hoá giải" nhờ kĩ năng và bản lĩnh tuyệt vời của phi công.

Máy bay Nga hạ cánh xuống ruộng ngô

Sáng 15-8, những người nông dân trồng ngô sống gần sân bay Zhukovsky ở ngoại ô thủ đô Moscow của Nga giật mình nghe thấy tiếng ồn lớn. Sau vài phút kiểm tra, họ ngỡ ngàng nhìn thấy một máy bay cùng hàng trăm người nhốn nháo trên ruộng ngô nhưng đều an toàn.

Chiếc Airbus A321 nằm gọn gàng trên cánh đồng ngô. Ảnh: AP

Sau vài phút, người ta biết được đó là chính là chiếc chiếc Airbus A321 của Hãng Ural Airlines chở theo 226 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn vừa cất cánh tại sân bay Zhukovsky để đến Simferopol, Crimea.

Theo thông tấn TASS, sau khi cất cánh, chiếc A321 bất ngờ va phải một đàn chim mòng biển, khiến một bên động cơ hỏng hẳn. Ngay lúc đó, phi công đã quyết định thu càng đáp, tắt động cơ để tránh hoả hoạn và hạ cánh xuống ruộng ngô cách sân bay chưa đầy một km.

Quyết định táo bạo cùng kinh nghiệm tuyệt vời của phi công giúp chiếc máy bay tiếp đất an toàn bằng bụng. Toàn bộ hành khách được sơ tán bằng máng trượt và chỉ vài người bị thương nhẹ.

Trong video ghi lại cú tiếp đất khẩn do hành khách đăng tải trên mạng xã hội, mọi người trên khoang có vẻ rất sợ hãi sau cú tiếp đất. Tuy nhiên, sau khi được đưa ra khỏi máy bay an toàn, toàn bộ hành khách đã cùng vỗ tay để cám ơn sự chuyên nghiệp và tận tâm của phi hành đoàn.

Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nói rằng cơ trưởng và cơ phó trên chuyến bay sẽ được khen thưởng cấp nhà nước.

Phép màu trên sông Hudson

Sáng sớm 15-1-2009, chiếc Airbus A320 mang số hiệu 1549 của hãng US Airways cất cánh lên không trung từ sân bay La Guardia, New York đến thành phố Charlotte, North Carolina. Trên máy bay có 150 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn.

Hành khách đứng trên phao trượt của chiếc A320 chờ cứu hộ. Ảnh: AP

Không lâu sau khi rời mặt đất, chiếc phi cơ bất ngờ va chạm với một đàn ngỗng di cư khiến toàn bộ 2 động cơ hư hỏng. Cơ trưởng Chesley Sullenberger, hay Sully, cố gắng khởi động lại hai động cơ nhưng bất thành.

Trước tình thế nguy cấp, Sully ra quyết định táo bạo: Hạ cánh khẩn xuống sông Hudson ở giữa trung tâm tài chính Manhattan, New York khi chiếc máy bay đang ở độ cao khoảng 900m vì không có cách nào quay lại đường băng.

Sau vài phút, chiếc máy bay đáp xuống mặt nước. Chiếc máy bay trượt đi trong những tiếng thét sợ hãi của hành khách, nhưng không gãy và không chìm, 155 người có mặt trên chuyến bay an toàn, dù một vài người bị thương. Trước khi rời máy bay, Sully thậm chí đã đi lại trên khoang 2 lần để rà soát và chắc chắn không còn một ai bị mắc kẹt.

Vụ việc này đã trở thành một trong những sự kiện nổi tiếng trong lịch sử ngành hàng không. Nó liên tục được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ trưởng Sully và phi hành đoàn được khen ngợi, vinh danh như những anh hùng.

Nữ cơ trưởng cứu sống 147 người trên máy bay nổ động cơ

Chuyến bay 1380 của hãng hàng không Southwest Airlines (Mỹ) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Philadelphia (Mỹ) trưa ngày 17-4-2018 trong tình trạng như bị nã pháo khi bay qua vùng chiến sự. Một động cơ nổ tung khi máy bay đang ở độ cao gần 10.000m, mảnh vỡ văng vào cửa kính máy bay khiến một hành khách bị hút ra ngoài và thiệt mạng.

Cơ trưởng Tammie Jo Shults và động cơ chiếc Boeing 737 bị rách toạc. Ảnh: Mirror

Ít nhất 4, 5 người khác bị thương vì các mảnh vỡ khác. Nhưng tính mạng của 147 người trên chiếc Boeing 737-700 đã được cứu bởi một nữ phi công 56 tuổi: bà Tammie Jo Shults.

Theo Reuters, sự cố đã xảy ra khi một cánh quạt trong động cơ máy bay đã bị gãy do hiện tượng "mỏi kim loại", khiến các mảnh vỡ văng ra với vận tốc cao làm hỏng động cơ và thủng một cửa sổ trên máy bay.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đã gọi bà Shults là "anh hùng" khi xử lý tình huống tuyệt vời và cứu máy bay cùng các hành khách.

Máy bay mài bụng xuống đường băng ở Arab Saudi

Đêm 22-5-2018, một sự cố hy hữu xảy ra đối với chiếc máy bay chở khách cỡ lớn A-330-200 của hãng hàng không Arab Saudi khi càng đáp của chiếc phi cơ chở theo 151 người này không thể mở càng đáp khi tới lúc hạ cánh.

Chiếc máy bay của Arab Saudi mài bụng xuống đường băng nhưng toàn bộ phi hành đoàn đều an toàn. Ảnh: Getty Images

Theo báo cáo của cơ trưởng, người này và cơ phó đã tìm mọi cách khắc phục sự cố nhưng không thành công. Cuối cùng, hai phi công quyết định hạ cánh khẩn cấp bằng bụng xuống sân bay Jeddah.

Nhờ kĩ năng tuyệt vời của phi công, chiếc máy bay tiếp đất nhẹ nhàng sau khi đã xả sạch nhiên liệu. Chiếc máy bay dừng lại với đám cháy nhỏ, các hành khách được sơ tán khẩn bằng cầu trượt và không ai gặp vấn đề sức khoẻ nào.

Theo Reuters, chiếc máy bay trên mang số hiệu SV-3818 xuất phát từ thành phố Madinah (Arab Saudi) đến thành phố Dhaka (Bangladesh).

Phi công tiếp đất trong tình trạng "mù" đường

Ngày 7-9-2010, toàn bộ hệ thống điện trên máy bay Tupolev Tu-154 của hãng hàng không Alrosa có trụ sở tại Nga chở theo 81 hành khách bất ngờ "sập" khi chiếc phi cơ đang bay qua những khu rừng taiga rộng lớn tại Siberia.

Chiếc Tu-154 hạ cánh an toàn dù trượt khỏi đường băng chừng vài chục mét. Ảnh: ITN

Theo lời kể của phi công, sự cố trên đồng nghĩa với việc hệ thống dẫn đường cùng bơm nhiên liệu dừng hoạt động, máy bay thì chỉ đủ nhiên liệu cho 30 phút bay còn phi công không có cách nào tìm đường về sân bay gần nhất.

May mắn thay, nhờ trí nhớ và kinh nghiệm, các phi công kịp phát hiện ra 1 sân bay bỏ hoang gần làng Izhma ở bang Arkhangelsk. Trong gần 12 năm liên tục, sân bay này chỉ đón những chiếc trực thăng cỡ nhỏ và thậm chí còn bị loại khỏi bản đồ hàng không. Đường băng của sân bay cũng chỉ dài 1,3km, trong khi độ dài tối thiểu để chiếc Tu-154 hạ cánh là 2km.

Chiếc Tu-154 nằm gọn trong cánh rừng taiga sau cú tiếp đất. Ảnh: ITN

Nhờ kinh nghiệm và sự may mắn, hai phi công vẫn đưa chiếc Tu-154 đáp xuống đường băng một cách an toàn sau 3 nỗ lực hạ cánh. Toàn bộ 81 hành khách trên máy bay đều an toàn, không ai bị thương. 

Chiếc Tu-154 này sau đó được loại biên và đưa vào bảo tàng như một nhân chứng sống của một kì tích.

Máy bay Iran hỏng càng đáp

Chiếc máy bay Boeing 727-200 của hãng hàng không IranAir cất cánh từ Mowcow, khi đang hướng đến sân bay Imam Khomeini tại Tehran của Iran hôm 18-10-2011 thì phi hành đoàn phát hiện càng hạ cánh phía trước không mở. Máy bay khi đó chở 94 hành khách và 19 thành viên phi hành đoàn.

Sau khi cố gắng xử lý sự cố nhưng không thành công, phi hành đoàn đã quyết định chuyển hướng tới sân bay Mehrabad tại Tehran để hạ cánh khẩn cấp.


Pha tiếp đất của máy bay Boeing 727 ở sân bay Mehrabad. Video: Youtube

Video ghi lại vụ việc tại sân bay Mehrabad cho thấy chuyến bay mang số hiệu IR-742 đã từ từ hạ cánh nhưng chỉ với bánh đáp phía sau. 

Nhờ kinh nghiệm và sự bình tĩnh, cơ trưởng Hooshang Shahbazi trên máy bay đã hạ cánh máy bay an toàn mà không gặp bất kỳ sai sót nào, tránh được nguy cơ mũi máy bay đâm sầm xuống đường băng. Không ai trong số 113 người trên khoang gặp vấn đề gì về sức khoẻ.

Thiện Nhân (Tổng hợp)
.
.
.