Những chiêu thức rửa tiền của mafia Italy

Thứ Sáu, 17/07/2015, 09:45
71.700 vụ giao dịch bị nghi ngờ rửa tiền thông qua các hoạt động trốn thuế, tham nhũng, các vụ chuyển tiền của các tổ chức tội phạm… bị phát hiện ở Italy trong năm 2014. Đây là con số cao nhất trong nhiều năm trở lại đây ở đất nước hình chiếc ủng. Điều này đang trở thành mối đe dọa đối với sự minh bạch của các ngân hàng Italy khi mafia nhúng tay ngày một sâu vào các hoạt động chính trị của chính quyền thành phố, hay can thiệp vào một số cuộc bầu cử ở cấp địa phương.

Muôn màu chiêu thức rửa tiền

Ngày 8/7 vừa qua, cơ quan chống mafia (DIA) vùng Palerme của Italy cho biết, lực lượng chức năng đã thu giữ 1,6 tỷ euro tại nhà riêng của Carmelo Virga, 66 tuổi, một nhà thầu xây dựng bị nghi ngờ có liên quan đến tổ chức mafia Cosa Nostra ở Sicile.

Tuần hành quy mô lớn phản đối sự lộng hành của mafia ở Italy. Ảnh: Demotix.com

DIA tiết lộ, cuộc điều tra cho thấy, gia đình Virga đã tận dụng sự chống lưng của mafia để thắng hàng loạt cuộc đấu thầu xây dựng các công trình phát triển hạ tầng ở Palermo. Báo chí Italy đưa tin, hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, gia đình Virga chỉ là nông dân làm việc tại các trang trại địa phương sau đó trở thành triệu phú. Với sự hỗ trợ của mafia, gia đình Virga đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực từ địa ốc, ngân hàng đến sản xuất đồ nội thất. Vụ thu giữ 1,6 tỷ euro là một trong những chiến dịch chống mafia lớn nhất tại Italy trong những năm qua. Theo AFP, ngoài Virga, danh sách các chủ tài sản bị tịch thu còn có các anh chị em của ông ta, đó là Vincenzo, 78 tuổi, Francesco, 71 tuổi, Anna, 76 tuổi và Rosa, 68 tuổi.

Đây chỉ là một trong những hình thức rửa tiền mới của các tổ chức mafia ở đất nước hình chiếc ủng này. Trước đây, để rửa tiền, các ông trùm mafia thường chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, hình thức này không còn là hoạt động mới mẻ. Thay vào đó, các ông trùm quyết định làm chỗ dựa lưng cho các chủ thầu đầu tư vào các dự án lớn.

Cách đây hơn một năm, cảnh sát vùng Lombardy (Italia) đã phá vỡ một hệ thống tài chính do băng đảng Imerti lập nên, với mục đích rửa tiền. Theo cơ quan điều tra, trong nhiều năm qua, Imerti đã thành lập hệ thống tài chính có chức năng hoạt động giống ngân hàng ở Seveso, ngoại ô thành phố Milan, miền Bắc Italia.

Nhiệm vụ chính của "ngân hàng" này là rửa tiền bẩn thu được từ các hoạt động cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy và các loại hình phạm tội khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp muốn trốn thuế cũng có thể rửa tiền tại ngân hàng. Kể từ khi được thành lập, hệ thống tài chính này đã chuyển một lượng tiền lớn đến Thụy Sĩ và San Marino (một quốc gia nằm trong lãnh thổ Italia) để tái đầu tư vào các công trình công cộng, giao thông, năng lượng tái sinh và kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Ngoài ra, băng nhóm Imerti cũng tìm cách thâu tóm các hợp đồng xây dựng công trình công cộng để "phân phối" cho các công ty do chúng kiểm soát.

Ngoài việc lợi dụng sự lỏng lẻo của một số ngân hàng để rửa tiền, đua ngựa, cá cược trực tuyến với một khoản tiền lớn cũng được coi là hình thức rửa tiền ít bị phát hiện nhất. Một hình thức rửa tiền khác mà bọn tội phạm ma túy thích thú là đánh bạc. Tuy nhiên, ngày nay hình thức đánh bạc không còn đơn thuần là đánh bạc trực tiếp nữa mà đã chuyển sang hình thức đánh bạc trên mạng. Đây được xem là hình thức vô cùng "kín kẽ" hòng che mắt các cơ quan chức năng.

Khủng hoảng kinh tế - Cơ hội cho hoạt động “rửa tiền”

Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Italia đã nhận được cảnh báo về 60.000 vụ chuyển tiền có dấu hiệu mờ ám với tổng giá trị lên đến 85 tỷ euro. Còn theo báo cáo mà Cơ quan thông tin tài chính (UIF) trực thuộc Ngân hàng nhà nước Italy (Bankitalia) công bố ngày 14-7 vừa qua, trong năm 2014, số vụ giao dịch bị nghi ngờ là rửa tiền lên tới 71.700 vụ, hơn năm trước đó tới 7.000 vụ và gấp 1,3 lần so với năm 2012.

Lombardy, vùng giàu nhất Italy, đứng đầu danh sách các vụ chuyển tiền đáng nghi nhiều nhất, gần 15.000 vụ. Thống kê cũng cho thấy, khủng hoảng kinh tế là một "động lực" dẫn đến số vụ chuyển tiền phi pháp hoặc có dấu hiệu rửa tiền tăng mạnh. So với năm 2007, năm trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế ở Italy, số vụ như vậy tăng 6 lần.

Cũng theo báo cáo trên, các cơ quan công quyền, đặc biệt là các bộ phận liên quan đến các hoạt động xây dựng cơ bản, có nguy cơ "lây nhiễm" tình trạng rửa tiền rất cao. Điều này đã thấy rất rõ khi trong chiến dịch “mafia thủ đô” mà chính quyền Roma phát động từ năm 2014. Chỉ trong một năm, hơn 150 người, trong đó có nhiều quan chức cấp cao và địa phương, đã bị bắt giữ vì liên quan tới mafia. Mới đây nhất, ngày 14/7, Phó Thị trưởng Rome Luigi Nieri, một thành viên của đảng Cánh tả Môi sinh và Tự do (SEL), đã tuyên bố từ chức sau khi bị cho là có quan hệ gần gũi với trùm mafia Carminati và cánh tay phải của hắn là Buzzi, những người đã bị bắt vào cuối năm ngoái.

Điều này cho thấy mafia ở thủ đô Rome và nhiều quan chức các cấp của thành phố này có mối quan hệ chặt chẽ trong việc kiểm soát các gói thầu xây dựng cơ bản và nhiều hoạt động khác. Ngoài ra, hoạt động thâm nhập mạnh mẽ của các băng mafia trong các lĩnh vực kinh tế ở Italy cũng dẫn đến sự gia tăng các giao dịch đáng ngờ.

Thách thức cho nhà chức trách

Trước phương thức rửa tiền ngày càng tinh vi cộng với đầu óc "thiên tài" của các ông trùm, các cơ quan chức năng đang hết sức cố gắng rà soát và truy quét toàn bộ các hoạt động rửa tiền núp bóng các hoạt động kinh doanhcông khai, nhằm mang lại sự minh bạch cho các ngân hàng lớn trên thế giới, trong đó có của Italy.

Liên minh châu Âu (EU) đã đề ra các biện pháp đối phó với nạn rửa tiền qua các địa chỉ cá cược trực tuyến bằng cách mở rộng dự luật do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, bao gồm cả hành vi đánh bạc trên mạng. Do đó, các quốc gia đang tiến hành những hình thức kiểm tra giám sát nhằm siết chặt luật. Một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, đã tăng cường kiểm soát lĩnh vực quảng cáo cũng như hạn chế số lượng tiền đánh bạc và tăng thuế đánh vào hành vi cá cược.

Tại Italy, Chính phủ đã hợp pháp hóa đánh bạc với mong muốn giúp kiềm chế các băng đảng tội phạm. Lý do chính khiến Chính phủ quốc gia Địa Trung Hải này hợp pháp hóa đánh bạc là để đưa nó nằm dưới sự quản lý của nhà nước thay vì các băng đảng mafia.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng điều này lại tạo cơ hội cho mafia phát triển mạnh hơn. Diana De Martino, một thẩm phán tại Văn phòng công tố viên chống mafia, cho biết rõ hơn thủ đoạn của các tổ chức mafia. Theo đó, kế hoạch của chúng là đem tiền bất chính từ các hoạt động như buôn lậu, buôn bán ma túy chuyển vào thị trường cờ bạc để biến số tiền này trở thành hợp pháp.

Phương Linh
.
.
.