Nhìn lại chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba sau hơn nửa thế kỷ

Thứ Bảy, 20/12/2014, 11:09
Ngày 17/12, sau hơn 18 tháng (từ tháng 6/2013) đàm phán bí mật với sự giúp đỡ của Chính phủ Canada và Giáo hoàng Francis, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raúl Castro đã thống nhất nối lại quan hệ ngoại giao. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí chương trình trao đổi tù nhân, mở Đại sứ quán ở mỗi nước và nới lỏng cấm vận kinh tế, thương mại. Tổng thống Obama tuyên bố, muốn chấm dứt cái gọi là chính sách cứng nhắc nhằm cô lập Cuba nhưng không thể thay đổi được hòn đảo này.

Ngày 2/12/1823, Tổng thống Mỹ khi đó là James Monroe đã trình bày trước Quốc hội Học thuyết Monroe, trong đó nêu rõ, những nỗ lực trong tương lai của các nước Âu châu để lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược, và như vậy đòi hỏi sự can thiệp của nước Mỹ. Học thuyết này được đưa ra vào lúc hầu hết các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại châu Mỹ Latinh đã giành được độc lập, ngoại trừ Cuba và Puerto Rico. 

Mặc dù vẫn còn là thuộc địa của Tây Ban Nha, nhưng đầu tư, cũng như nhập khẩu của Mỹ tại thị trường Cuba đã vượt xa Tây Ban Nha. Do đó, khi người Cuba tiến hành cuộc cách mạng giành độc lập từ Tây Ban Nha thì Mỹ đã tìm cách không để cho phe cách mạng Cuba giành được chủ quyền. Khi người Tây Ban Nha sắp thất bại hoàn toàn, Mỹ liền can thiệp buộc hai bên phải ngừng giao tranh và ký hiệp định đình chiến tại Paris. Người Cuba bị gạt ra ngoài những cuộc đối thoại đó. Một điều khoản sửa đổi trong hiệp định cho phép Mỹ đặt quyền kiểm soát chính trị, kinh tế và đã thay thế Tây Ban Nha ở Cuba. Vào ngày 1/1/1899, sau khi quân Tây Ban Nha cuốn gói, cờ Mỹ đã được kéo lên trên bầu trời La Habana, không phải cờ Cuba. Điều khoản bổ sung trên được hủy bỏ vào năm 1934.

Trước cách mạng 1959, các công ty Mỹ làm chủ 80% dịch vụ, mỏ, nông trại và các cơ sở lọc dầu, 40% ngành sản xuất đường và 50% ngành đường sắt. Chính quyền độc tài Batista được Washington hậu thuẫn vì sự phục vụ cho quyền lợi của Mỹ. Người dân Cuba phải đợi đến năm 1959 mới nếm mùi vị của độc lập sau gần 500 năm bị thực dân cũ và mới thống trị. Một năm sau, tất cả các doanh nghiệp Mỹ ở Cuba đã bị quốc hữu hóa.

Ngày 19/10/1960, chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Eisenhower đã cắt quan hệ ngoại giao với La Habana và áp đặt lệnh cấm vận thương mại, cấm xuất khẩu vào Cuba. Chỉ chưa đầy hai năm sau đó, ngày 7/2/1962, chính quyền Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố cấm vận kinh tế hoàn toàn đối với Cuba. Lệnh hạn chế thương mại, du lịch đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế Cuba vốn phụ thuộc nặng nề vào Mỹ. Tuy nhiên, không thể ngăn Cuba trở thành thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) hoặc tham gia các thỏa thuận thương mại với các nước khác. Tới năm 1966, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson thông qua đạo luật cho phép người Cuba tị nạn ở Mỹ được cấp quyền công dân. Lý do để vây hãm Cuba được thay đổi theo thời gian.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng coi Cuba là đe dọa cho an ninh quốc gia và thúc giục Mexico ủng hộ bằng cách cũng áp đặt một chính sách thù địch với Cuba, nhưng một nhà ngoại giao Mexico đã trả lời: “Nếu chúng tôi cũng tuyên bố Cuba là mối đe dọa đối với an ninh của chúng tôi, bốn mươi triệu người Mexico sẽ bị cười đến chết mất”. Mỹ còn tiếp tục tăng cường cấm vận với những làn sóng cấm vận kinh tế nặng nề hơn với Đạo luật Torricelli vào năm 1992 và Helms-Burton vào tháng 3/1996, dưới hình thức sắc lệnh tổng thống từ thời chính quyền Kennedy. Đạo luật Helms-Burton cũng thắt chặt cấm vận với việc phạt nhà đầu tư nước ngoài làm ăn với Cuba và quy định rõ lệnh cấm vận chỉ có thể được dỡ bỏ trong những trường hợp cực kỳ đặc biệt.

Tranh biếm họa về “móng vuốt” cấm vận của Mỹ đối với Cuba. (Ảnh: procon.

Từ năm 1992, chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Trước bối cảnh này, tháng 8/1997, Mỹ nhất trí nới lỏng tạm thời lệnh hạn chế du lịch với Cuba nhân chuyến thăm của Giáo hoàng Paul II. Và tới tháng 3 năm sau, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho phép nới lỏng kiểm soát vận chuyển lương thực, dược phẩm cứu trợ nhân đạo và tạo cơ hội để người Mỹ gốc Cuba được chuyển 1.200 USD/năm về quê nhà.

Tháng 10/2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố thắt chặt lệnh trừng phạt Cuba, bao gồm tăng cường kiểm soát biên giới đối với khách lữ hành và hàng hóa giữa 2 nước. Tháng 5/2009, chính quyền của Tổng thống Obama dỡ lệnh hạn chế du lịch đối với người Mỹ gốc Cuba, cũng như chính sách gửi kiều hối về Cuba, và cho phép các công ty viễn thông Mỹ tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Cuba. Việc dỡ bỏ hoàn toàn đòi hỏi một đạo luật từ Quốc hội và điều này không phải là dễ dàng. Do đó, lệnh cấm vận vẫn còn hiệu lực mặc dù không hề hiệu quả.

Mục tiêu duy nhất của Mỹ trong việc áp dụng chính sách cấm vận đối với Cuba là trừng phạt những nước thuộc Thế giới thứ ba dám chống lại trật tự do họ áp đặt và đặt Cuba vào vòng ảnh hưởng của mình đúng như ý muốn của các Tổng thống Thomas Jefferson và John Quincy Adams. Bà Condoleeza Rice, cố vấn An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, từng gọi Cuba là “trường hợp không thể tha thứ được” và thật sự Cuba là “không thể tha thứ” vì quốc đảo này là một nước thuộc Thế giới thứ ba nằm ngay sát nách Mỹ lại dám ưỡn ngực trước “ông chủ thế giới”. Người anh hùng trong chiến tranh giành độc lập 1898 của Cuba, José Martí từng nói: “Tự do rất là đắt giá và chúng ta cần phải quyết định hoặc chấp nhận sống không có nó, hay là phải mua với đúng cái giá của nó”. Và người Cuba đã chọn con đường của họ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.