Hậu vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga:

Nguy cơ xung đột kinh tế và quân sự?

Thứ Năm, 26/11/2015, 08:14
Mâu thuẫn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vốn âm ỉ, nay đã được dịp bùng phát khi chiếc Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi gần biên giới Syria. Một trong hai viên phi công đã bị thương khi nhảy dù và bị phiến quân Syria sát hại.


Người còn lại may mắn được quân đội Syria cứu sống và đưa trả về căn cứ không quân của Nga. Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Căng thẳng lại gia tăng khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết đưa vụ việc ra Liên Hợp Quốc (LHQ) và kêu gọi sự ủng hộ của NATO. Còn Nga thì đáp trả lại bằng một loạt đòn “trừng phạt kinh tế”.

Nhiễu loạn thông tin

Ngày 25-11, trên các trang báo và trang mạng xã hội, vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga tràn ngập với những thông tin nhiều chiều, thậm chí trái ngược nhau. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng: “Bất chấp các cảnh báo, 2 chiếc máy bay Su-24 của Nga đang hoạt động ở độ cao khoảng 6km vẫn xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ với chiều sâu 2,1km và chiều dài 1,84km, trong khoảng 17 giây, vào lúc 9 giờ 24 phút 5 giây, theo giờ địa phương ngày 24-11.

Một chiếc Su-24 sau đó đã rời không phận Thổ Nhĩ Kỳ, còn chiếc thứ hai bị các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong khi đó, Nga vẫn khẳng định máy bay Su-24 bay trên không phận Syria và vô cớ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu Nga, Trung tướng Sergey Rudskoi cho biết, các thông số trinh sát định vị vô tuyến của sân bay Hmeymim (Syria) ghi nhận được chính máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm không phận Syria khi tấn công máy bay Nga.

Trung tướng Sergey Rudskoi còn cho biết thêm rằng, chiếc Su-24 rơi trên lãnh thổ Syria cách biên giới 4km, trước đó hai phi công đã kịp nhảy dù, song một người đã hy sinh khi chưa chạm đất. Theo thông tin trên Đài Tiếng nói Europe 1, người này đã bị thương, sau đó bị các phiến quân Syria bắn chết. Người còn lại may mắn trốn thoát và được quân đội Syria cứu, hiện đã được đưa trở về căn cứ không quân của Nga một cách an toàn. 

Một điểm đáng chú ý là ngay trong đêm 24-11, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với Đại sứ các nước thành viên NATO tại trụ sở Hội đồng NATO và chia sẻ thông tin xung quanh vụ máy bay Su-24 của Nga bị không quân nước này bắn rơi. Trong cuộc họp, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị các nước thành viên NATO ủng hộ và bảo vệ theo điều 4 của Hiệp ước đã ký kết.

Đồng thời nước này cũng đã công bố bức thư gửi lên Đại sứ Anh tại LHQ, người đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ. Bức thư này sau đó được gửi tới cả Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và 14 thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ. Ban đầu, NATO và Mỹ đều bày tỏ thái độ ủng hộ trước các quyết định và hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai bản đồ mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ công bố cho thấy những tuyên bố khác nhau về đường bay của chiếc Su-24. 

Tuy nhiên, đến chiều 25-11, phía Mỹ bắt đầu dần thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã quá hấp tấp khi hành động. Cụ thể, hãng FoxNews dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, các dữ liệu radar của nước này đã phát hiện ra rằng, chiếc Su-24 mới chỉ xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 giây trước khi bị bắn rơi và các máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã phóng đi 2 quả tên lửa tầm nhiệt không đối không vào máy bay Nga sau 3 lần đưa ra cảnh báo.

Còn tờ Express của Anh lại dẫn một nguồn tin khác từ cơ quan tình báo của Mỹ cho hay, việc đánh giá vết nhiệt mà chiếc Su-24 để lại cho thấy chiến đấu cơ này đang ở trong không phận của Syria tại thời điểm bị bắn hạ.

Và những động thái trả đũa

Vào thời điểm hiện tại, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là “hành động đâm sau lưng” và cho rằng hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm “tổn hại nghiêm trọng quan hệ hai nước”, song sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Rose Gottemoeller tại New York (Mỹ), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov vẫn tuyên bố rằng Nga sẵn sàng thảo luận với NATO về một thỏa thuận nhằm ngăn chặn các sự cố trên không.

Còn người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov thì cho biết, Nga không đe dọa đáp trả quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ máy bay Su-24. Nhưng theo nhận định của báo chí Mỹ, nhiều khả năng, các hợp đồng kinh tế giữa hai nước sẽ bị đình trệ mà cụ thể là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Moskva cũng sẽ hủy chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới cũng như khả năng ngừng giao thông hàng không với Thổ Nhĩ Kỳ...

Trong một diễn biến có liên quan, Moskv cũng đã tăng cường các biện pháp an ninh cho các chuyến bay giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Nga do các hãng hàng không nước này thực hiện. Bộ Ngoại giao Nga còn đưa ra khuyến cáo công dân nước này không nên tới Thổ Nhĩ Kỳ với lý do rằng, hiện tại đang xuất hiện các biểu hiện xảy ra khủng bố trên lãnh thổ nước này và theo đánh giá của cơ quan tình báo Nga, nguy cơ khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ không hề kém Ai Cập.

Huyền Chi
.
.
.