Mỹ xài “đồ chơi cũ” đánh quân khủng bố IS

Thứ Ba, 20/09/2016, 15:41
“Ðồ chơi cũ” của không quân Mỹ để đánh quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS chính là sự “trở về tương lai” của chiếc máy bay do thám U-2 vốn từng bay chuyến đầu tiên hồi năm 1955.

U-2 được gọi là “Rồng Bà”, là một trong những kiểu máy bay do thám thành công nhất, từng được triển khai để “dòm ngó” vào đất địch, từ Afghanistan đến Cuba…kể từ khi nó được đưa vào hoạt động.  U-2 một động cơ thon gọn, sải cánh dài 31 m có thể bay 12 giờ ở độ cao hơn 21.000 m, trang bị các camera kỹ thuật cao để “dòm ngó” vào đất địch. Nó có thể chụp ảnh chi tiết toàn bộ khu vực do bọn IS kiểm soát chỉ trong một lần bay.

Vấn  đề là khó lái chiếc U-2. Phi công phải mặc bộ đồ bay đặc biệt khác hẳn bộ đồ bay của nhà phi hành vũ trụ. Tầm nhìn rất nhỏ trong khoang lái. Và tính chất khí động học độc đáo của U-2 khiến rất khó điều khiển nó hạ cánh.

“Rồng bà” rình rập bọn khủng bố IS ở Syria và Iraq

Không quân Mỹ đã lặng lẽ cho biết về hoạt động của loại máy bay do thám bí mật này trong một nhiệm vụ hỗ trợ “Chiến dịch Kiên quyết” đánh bọn IS ở Iraq và Syria.  Ngày 6-8, Bộ chỉ huy không quân trung ương-phụ trách giám sát hoạt động ở Trung Đông-đã công bố một video quay ngày 14-7, chiếu một chiếc U-2 màu đen cất cánh và hạ cánh tại một vị trí “không thể tiết lộ”. 

Theo trang Daily Beast ngày 12-8, vị trí hạ cánh “không thể tiết lộ” hầu như chắc chắn là căn cứ không quân Al Dhafra ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) nơi mà ít nhất từ năm 2012, không quân Mỹ đã triển khai vài loại máy bay phục vụ các nhiệm vụ ở Afghanistan và Trung Đông.

Các hình ảnh vệ tinh thương mại đã xác nhận sự hiện diện của U-2 ở căn cứ Al Dhafra. Năm 2005,một chiếc U-2 đã rơi tại căn cứ này lúc hạ cánh, sau một chuyến bay do thám ở Afghanistan. Vụ rơi khiến phi công thiệt mạng.

Phi công Mỹ Gary Powers trước chiếc U-2.

Khi được trang bị động cơ tốt hơn, các bộ cảm ứng và kỹ thuật thông tin hiện đại,U-2 vẫn “bén” sau hơn 60 năm được đưa vào hoạt động. Đại tá Douglas Lee, chỉ huy bộ phận trinh sát ở căn cứ không quân Beale (bắc California) cho biết đơn vị của ông bảo trì các chiếc U-2 rồi triển khai chúng đến các căn cứ nước ngoài như căn cứ Dhafra ở UAE.

Bọn IS nổi lên khiến U-2 chưa được “về hưu”

Sự xác nhận vai trò của U-2 trong cuộc chiến chống quân khủng bố IS cho thấy quân đội Mỹ bị thách thức: họ phải tìm ra và xác định các tay súng trên một khu vực hẻo lánh 26.000 dặm vuông mà bọn IS kiểm soát ở Iraq và Syria.

Cách đây hai năm, không quân Mỹ dự tính cho toàn bộ 33 chiếc U-2 “về hưu”. Thay chúng là loại máy bay do thám không người lái Global Hawk, nhưng chiếc này không thể chở hết tất cả những thiết bị cảm ứng như U-2, ngoài việc Global Hawk không cần có người lái  và có thể bay lâu hơn máy bay có người lái.Không quân Mỹ sẵn sàng đổi sức mạnh và sự cơ động của U-2 để lấy “sức bền” của Global Hawk, trong niềm hy vọng tiết kiệm được tiền bằng cách thu nhỏ toàn bộ phi đội máy bay do thám.

Nhưng khi bọn IS xuất hiện, chúng ẩn náu trong vùng sa mạc, hòa nhập vào các nhóm dân bản địa, nên yêu cầu do thám-thu thập tin tình báo của Mỹ tăng vọt. Sự nổi lên của IS buộc không quân Mỹ phải “treo”kế hoạch kéo giãn hoạt động của khoảng 300 máy bay do thám không người lái Predator và Reaper, nhằm cho phép người điều khiển chúng được nghỉ ngơi và rèn luyện.  Vì thế, cộng với chút khuyến khích của quốc hội Mỹ, không quân Mỹ quyết duy trì hoạt động của U-2 và Global Hawk đến năm 2019, dù hãng sản xuất Lockheed nhấn mạnh U-2 còn có thể bay đến tận năm 2045.

Nhưng khi bọn IS chiếm được nhiều vùng ở Iraq và Syria, thậm chí cả ở Libya, một lực lượng do thám lớn hơn vẫn chưa đủ để thực hiện ISR (thuật ngữ quân sự để chỉ hoạt động tình báo,  giám sát và trinh sát). Hồi tháng 5, Trung tướng không quân Charles Brown từng nói với các nhà báo: càng có nhiều ISR thì càng có thể giảm thiểu nguy cơ gây thương vong cho dân thường và tiếp tục oanh kích chính xác vào bọn khủng bố.

Yêu cầu có thêm tin tình báo về bọn IS đã khiến Lầu Năm Góc triển khai toàn bộ số máy bay do thám.Chiếc U-2 thường bay bí mật,không có sự công nhận chính thức. Sự hiện diện của một chiếc U-2 ở Iraq chỉ được biết đến khi nó bị  rơi trên vùng đất do người Kurd kiểm soát hồi tháng 3.2016.

Liệu “Rồng bà” U-2 có soi mói Nga ?

Vào cuối tháng 3-2016,  báo Independent (Anh) đưa tin Tướng Philip Breedlove, chỉ huy quân Mỹ ở châu Âu và là tư lệnh tối cao quân NATO, cũng yêu cầu triển khai U-2 qua châu Âu trở lại, để tiến hành ISR nhằm có thể phát hiện mối đe dọa ngày càng tăng của Nga.  

Với những bộ cảm ứng nhiệt có thể phát hiện một quả mìn từ độ cao hơn 20 km và có thể thu thập nhiều dữ liệu, chiếc U-2 là một loại “đồ chơi cũ” đáng gờm trong việc giám sát bất kỳ hoạt động triển khai quân bất ngờ của Nga ở vùng biên giới giáp các nước vùng biển Baltic hoặc Ukraine. 

Trong một báo cáo hàng năm (không gây nhiều chú ý) về chiến lược của Mỹ ở châu Âu, tướng Breedlove nói U-2 cùng loại máy bay do thám RC-135 Rivet Joint rất cần để tăng cường khả năng thu thập tin tình báo của bộ chỉ huy quân Mỹ ở châu Âu (EUCOM). Vị tướng không quân từng là phi công chiến đấu còn nêu: “Mối đe dọa chiến lược từ nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin buộc chúng ta phải có sự trấn an đáng tin cậy”.

Chuyên gia an ninh quốc tế Lisa Samp của Trung tâm nghiên cứu quốc tế-chiến lược (CSIS) nói với báo Independent:  “Tôi biết EUCOM tìm cách tăng khả năng thu thập tin tình báo, khi thừa nhận mối đe dọa từ Nga và quân khủng bố IS, cùng tầm quan trọng của việc cảnh báo sớm cho NATO. Những nỗ lực này rất cần thiết và nên ủng hộ”.

Một nguồn tin biết các chương trình quân sự của Mỹ ở châu Âu cũng nói: “Không có thông tin công bố triển khai U-2 để do thám Nga. Nhưng điều đó không có nghĩa không xảy ra hoạt động do thám này”. 

Nhưng các chuyên gia quân sự nói hầu như chắc chắn sẽ không có chuyện triển khai U-2 đến châu Âu để bay vào không phận Nga do thám. Thay vào đó, chúng chỉ có thể bay trong không phận các nước đồng minh NATO, sử dụng ống kính thu hình mạnh và các bộ cảm ứng để “dòm ngó” vào đất địch từ độ cao hơn 21.000 m.

Kỷ niệm buồn của CIA, U-2 “bay lạc” vào không phận Liên Xô

Dĩ nhiên việc đưa U-2 trở lại bầu trời châu Âu chắc chắn sẽ khiến Nga khó chịu, vì ý định tái triển khai vào lúc Nga đã sáp nhập Crimea (năm 2014) khiến bùng nổ cuộc nội chiến ở đông Ukraine. Gần đây lại có nguy cơ chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, với Nga cáo buộc Ukraine lén tấn công Crimea.

Nếu tái triển khai U-2 thì cũng sẽ nhắc lại vai trò của chiếc U-2 trong thời căng thẳng của Chiến tranh Lạnh. Chiếc U-2 bay lần đầu năm 1955, đã do thám nhiều kẻ thù của Mỹ trong từng cuộc chiến lớn có Mỹ tham gia. Trong hai thập niên 1950-1960, CIA dùng U-2 do thám Liên Xô, chụp ảnh các cơ sở hạt nhân của Liên Xô.

U-2 cũng do thám Cuba trong vụ khủng hoảng tên lửa năm 1962 và sau này được Mỹ triển khai đến Việt Nam, theo Daily Beast. Vào những năm 1990, U-2 đến Trung Đông và sau vụ bọn khủng bố Al- Qaeda tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001, “Rồng Bà”lại truy tìm bọn khủng bố và các tay súng nổi dậy ở Iraq và Aghanistan.

Phi công Mỹ Gary Powers bị tòa án Liên Xô xét xử.

Nhưng U-2 làm Mỹ bị mất mặt hồi tháng 5- 1960, khi Liên Xô dùng một quả tên lửa đất đối không bắn rụng một chiếc U-2 bay vào lãnh thổ Nga và bắt sống phi công CIA Gary Powers. Trước đó, Powers cho chiếc U-2 cất cánh từ một căn cứ Mỹ ở Pakistan để bay vào không phận Liên Xô.Khi ấy, Powers tin tưởng Liên Xô không sở hữu phương tiện nào có thể bắn rơi chiếc “Rồng Bà” ở độ cao hơn 21.000 m.

Nhưng ngay sau khi bay vào không phận Liên Xô, chỉ huy quân sự Nga ra lệnh phóng 5 quả tên lửa đất đối không, và quả đầu tiên bắn trúng chiếc U-2, làm một cánh bị hỏng nặng và phi công phải nhảy dù rồi bị bắt sống. Liên Xô cũng tịch thu chiếc U-2 cùng bộ ảnh do thám các cơ sở quân sự. Moscow thành công trong việc buộc Washington lúng túng sau khi “nói xạo”chiếc U-2 chỉ thực hiện nhiệm vụ dự báo thời tiết cho NASA và “bay lạc” vào không phận Liên Xô.

Thực tế thì Powers được cử bay do thám các cơ sở quân sự Liên Xô. Vụ ông ta bị Liên Xô bắt làm hỏng một cuộc gặp thượng đỉnh lớn, cũng như khiến Điện Kremlin hủy lời mời Tổng thống Mỹ lúc đó Dwight Eisenhower đến thăm Nga, vì ông ngầm ủng hộ chuyến bay do thám của “Rồng Bà”.

Powers bị tuyên án 10 năm tù về tội làm gián điệp, nhưng hai năm sau thì được trả tự do,trong một cuộc trao đổi tù binh vốn trở thành chủ đề của bộ phim “Chiếc cầu của những điệp viên” (Bridge of Spies) của đạo diễn Steven Spielberg.  Khi được về nước Powers bị tiếp đón thù địch, bị nhiều người cáo buộc là ông ta toan tính trốn qua Nga. Sau này,một ủy ban điều trần thuộc Thượng viện Mỹ tha tội cho Powers, đền bù 50.000 USD cho thời gian ông ta bị nhốt trong nhà tù Liên Xô.

Powers sinh ngày 12-8-1929, qua đời ngày 1-8-1977, trong một tai nạn trực thăng  khi tham gia một vụ chữa cháy rừng: khi trên đường  về sân bay, chiếc trực thăng Bell 206 Jet Ranger của ông ta bị cạn nhiên liệu, và rơi xuống gần  một công viên giải trí.Powers chết tại chỗ, và con trai Powers kể cha của anh thấy trẻ con trong công viên nên đã ráng lái chiếc trực thăng qua chỗ khác, tránh rơi xuống các em nhỏ. 

Powers được chôn trong Nghĩa trang quốc gia Arlington,được công nhận là một cựu binh không quân Mỹ. Phi công Mỹ Gary Powers trước chiếc U-2

Kim Hương
.
.
.