Mỹ theo dấu các thủ lĩnh khủng bố như thế nào?

Thứ Sáu, 26/06/2015, 12:56
Trung tuần tháng 6, chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) xác nhận rằng thủ lĩnh hàng đầu của tổ chức này là Nasser al-Wuhayshi đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích do Mỹ thực hiện ở Yemen.
 Cùng thời điểm đó, thủ lĩnh một mắt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Mokhtar Belmokhtar cũng đã thiệt mạng tại Libya khi Mỹ tiến hành cuộc tấn công ở thành phố Ajdabiya và Benghazi. Theo tiết lộ từ Bộ Quốc phòng Mỹ, việc phát hiện và tiêu diệt các thủ lĩnh khủng bố được thực hiện theo một chu trình cẩn trọng, trong đó có sử dụng cả chính sách tiền thưởng, tình báo – gián điệp và công nghệ cao.

Lợi thế bóng đêm và tiền thưởng

Cả hai cuộc không kích thành công nói trên của lực lượng quân đội Mỹ đều được thực hiện vào buổi đêm. Khi đó, bầu không khí yên tĩnh xung quanh cùng sự lơ là mất cảnh giác của các chiến binh khủng bố đã tạo nên lợi thế vô cùng to lớn cho các cuộc không kích này. Nhóm đặc nhiệm Delta Force của quân đội Mỹ chỉ việc lái trực thăng hoặc máy bay chiến đấu từ Iraq xâm nhập biên giới phía Đông Syria hoặc bay sang phía Libya là có thể thực hiện ngay lập tức các cuộc ném bom dữ dội.

Và với những loại bom dẫn đường thông minh có độ chính xác cao (PGMs) và các đầu đạn phân mảnh có khả năng gây sát thương lớn, không một thủ lĩnh nào của IS lọt lưới nếu đã trong tầm ngắm của các đợt không kích này, kể cả việc chúng trốn trong hầm dưới lòng đất hay tại các tòa nhà cao tầng. Mỗi một đợt không kích như vậy, quân đội Mỹ thường tấn công ít nhất 10 mục tiêu, mỗi mục tiêu cách nhau 65m-80m để ngăn đường tháo chạy.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, thường thì thông tin về nơi trú ẩn của các thủ lĩnh khủng bố, nhất là các thủ lĩnh IS đều chính xác. Nó được những người đưa tin cung cấp hoặc cả những kẻ bán tin để lấy tiền thưởng. Quan chức này cũng khẳng định, không một binh sĩ nào thiệt mạng trong các chiến dịch kiểu này và vì nó khá mạo hiểm nên luôn được chuẩn bị kỹ càng. Sau khi tiêu diệt được các thủ lĩnh IS, các thành viên của lực lượng Delta Force còn thu giữ được nhiều tư liệu, bằng chứng quan trọng, máy tính và điện thoại để mang lên máy bay đi thẳng về căn cứ tại Iraq.

Song song với các chiến dịch không kích, Mỹ vẫn luôn thực hiện chính sách tiền thưởng hậu hĩnh. Hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền Washington lại tiếp tục treo thưởng với tổng trị giá tới 20 triệu USD cho những ai cung cấp thông tin về 4 thủ lĩnh của IS gồm Abdul Rahman Mustafa al-Qaduli, Abu Mohammed al-Adnani, Tarkhan Tayumurazovich Batirashvili và Tariq bin al-Tahar bin al-Falih al-Awni al-Harzi.

Trước đó, Mỹ cũng đã treo giá 10 triệu USD cho cái đầu của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ được cho là đã bị thương nặng trong một cuộc không kích của Mỹ hồi tháng 4 và hiện đang được chữa trị tại một địa điểm bí mật ở Syria.

Trực thăng và máy bay chiến đấu mà lực lượng Delta Force sử dụng trong các cuộc không kích thường xuất phát từ Iraq. Ảnh: Getty Imagine.

Đội quân đặc nhiệm, tình báo

Thống kê của tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), đến nay, các cuộc truy kích của Mỹ ở Iraq và Syria đã giúp tiêu diệt được ít nhất 20 thủ lĩnh của IS, trong đó có 4 thủ lĩnh cấp cao. Riêng đối với thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, một kẻ hiểm độc hơn cả trùm khủng bố Osama Bin Laden và là thủ lĩnh tinh thần quan trọng của IS, Mỹ đã bước đầu đạt thành công khi làm tên này bị thương và vô hiệu hóa khả năng điều hành IS của chúng.

Tuy nhiên, IS cũng khá khôn ngoan khi thỉnh thoảng công bố cái gọi là thông điệp của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghadadi để lấy lại tinh thần cho các chiến binh mặc dù tổ chức này hiện đang nằm dưới sự điều hành của Abu Alaa al-Afri. Các nguồn tin tình báo Mỹ cho hay, việc tiêu diệt những tên đầu sỏ của IS là rất quan trọng bởi nó sẽ giúp cắt đứt các nhánh của tổ chức khủng bố này.

Tuy nhiên, cái khó của Mỹ và các quốc gia đồng minh khi truy đuổi thủ lĩnh IS là bởi chúng thường sử dụng mật mã trong giao tiếp và có biện pháp đề phòng do thám. Vì thế, một mặt thực hiện các chiến dịch quân sự ở Iraq và Syria, mặt khác, Mỹ còn thực hiện một chiến dịch tình báo khá nhạy bén. Đầu tiên là việc thành lập đơn vị đặc nhiệm chuyên nhiệm vụ truy lung thủ lĩnh IS. Biên chế trong đơn vị này có khoảng 100 người là nhân viên của CIA và các lực lượng đặc nhiệm khác.

Tiếp đó là việc thiết lập một mạng lưới gián điệp, thông tin rộng khắp từ Trung Đông tới châu Phi. Điểm nhấn trong mạng lưới này chính là đội điệp viên ưu tú của Jordan được biết đến dưới cái tên Mukhabarat. Đội điệp viên này bổ sung thiếu sót lớn nhất của đội đặc nhiệm chống khủng bố của Mỹ là các mối tiếp xúc thực địa. Đồng thời, họ được rót hàng trăm triệu USD để mua các thiết bị công nghệ cao và hỗ trợ chống IS.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau và cả những tuyên bố mới nhất của IS, dường như Mukhabarat đã cho người thâm nhập được cả vào tổ chức IS và chính những người này đã cung cấp tin về nơi ẩn náu của các thủ lĩnh IS. Sự kiện thủ lĩnh Abu Sayyaf chuyên phụ trách các hoạt động quân sự và buôn lậu dầu của IS bị đặc nhiệm Delta Force của Mỹ tiêu diệt trong một cuộc đột kích táo bạo ở tỉnh Deir al-Zour là một ví dụ cụ thể.

Bản thân tổ chức IS cũng cho rằng, ít nhất một điệp viên do Mỹ cài cắm sâu vào tổ chức này đã tiết lộ địa điểm tên Abu Sayyaf sinh sống. Bởi lẽ, tên này cùng gia đình sống trong một khu vực có ít nhất 50 tòa nhà giống nhau, mỗi tòa 4 tầng với khoảng 1.000 người sinh sống, trong đó có cả dân thường.

Thế nhưng cuộc không kích của Mỹ lại chỉ nhằm đúng ngôi nhà của Abu Sayyaf và không làm bất kỳ người dân nào bị thương. Từ giữa tháng 5 đến nay, IS đã ráo riết truy lùng các gián điệp này và đe dọa sẽ chặt đầu công khai rồi tung lên mạng Internet để răn đe các gián điệp khác.

Khánh Chi
.
.
.