Một thế giới hoang mang, âu lo & hi vọng!

Thứ Năm, 04/02/2016, 11:01
Năm 2015, hàng loạt sự kiện bi thảm mang tính toàn cầu: Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và những vụ khủng bố đẫm máu tràn lan, gia tăng. Nước Nga tấn công IS, bắt đầu can thiệp cuộc nội chiến Syria. Làn sóng tị nạn hoành hành châu Âu. Ám ảnh sợ hãi khủng bố toàn cầu... đã đẩy nhân loại vào hỗn loạn, hoang mang và âu lo.


Thánh Mahatma Gandhi nói rằng: "Tôi phản đối bạo lực vì khi nó định làm điều thiện, điều thiện chỉ là tạm thời; cái ác nó gây ra là vĩnh viễn". Khủng bố là một phần của bạo lực. Bạo lực lật đổ, tiêu diệt bạo lực, bạo lực hủy hoại bình yên. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của lãnh tụ cũng tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi là nhà nước bạo lực dã man như thời trung cổ nhưng lại sử dụng vũ khí và công cụ văn minh của thế kỉ XXI. 

Tổ chức theo mô hình phương Tây, Nhà nước IS như một bóng ma khủng khiếp trong phim kinh dị của Hollywood. Cực đoan, hung tàn nhất, khét tiếng nhất, nhóm lợi ích khủng bố IS bắt nguồn từ Al-Qaeda, nhưng nguy hiểm hơn và quy mô rộng lớn hơn, bao gồm phần lãnh thổ màu mỡ chứa dầu khí bên trong Iraq và Syria.

Cái gì đã khiến đất nước Syria nảy nòi ra một tổ chức cực đoan, tàn bạo IS? Chính bóng đêm của độc tài tàn bạo. Cai trị theo lối cha truyền con nối, gia đình nhà Al-Assad - một dòng họ lâu đời quyền lực ở Trung Đông đã không chịu cải cách dân chủ, chính sách bàn tay sắt nắm quyền trượng chứ không phải bàn tay bọc nhung khiến dân chúng nổi giận, nổi loạn và các phe đối lập chỉ trích, phản đối, đối đầu... nhưng Tổng thống Bashar Al-Assad độc tài lại quân sự hóa đất nước, xây nhà tù nhiều hơn trường học. Nội chiến tất yếu xảy ra! 

Cái mầm độc Nhà nước Hồi giáo IS đã nảy nòi và xông vào cuộc chiến đẫm máu. Bắn giết, kiếm tiền bằng dọa nạt, bắt cóc đòi chuộc mạng và lôi kéo các phần tử cực đoan quá khích bất mãn với xã hội rồi tiến hành thánh chiến chia rẽ, làm bất ổn chính trị, kiệt quệ kinh tế. Các ông lớn không còn "tọa sơn quan hổ đấu" nữa, mà "đâm bị thóc chọc bị gạo", sử dụng các nhóm đối lập như một công cụ. Cuối cùng người dân lương thiện mới là nạn nhân đứng giữa hai làn đạn cuộc nội chiến triền miên, mà Irag và Syria là một ví dụ.

Làn sóng người di cư ồ ạt vào châu Âu.

Tình hình bất ổn, đời sống nheo nhóc, người dân như con cá nằm trên thớt mà các nhóm đối lập nào cũng có thể vung dao. Chạy trốn, lìa bỏ quê hương trong nước mắt, nhưng người Syria vẫn phải ra đi. Hơn 4 triệu lương dân vô tội vượt biển, người làm mồi cho cá, kẻ sống sót thì rạ rập ở biên giới các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan và Ai Cập. Áo phao, xuồng cao su chất cao như núi bỏ lại sau lưng, người tị nạn tràn vào các nước châu Âu. 

Nếu quốc gia nào cũng đóng cửa biên giới và quay lưng với người tị nạn thì số phận vất vưởng của họ sẽ ra sao? Hình ảnh em bé Syria chết nằm úp sấp trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh thức hàng triệu trái tim vốn lạnh lùng khô cứng bỗng dưng đập rộn ràng yêu thương. Chỉ trong năm 2015, nước Đức mở cửa đón 1,1 triệu người tị nạn và Thủ tướng Angela Merkel được người bất hạnh tha hương gọi là Mẹ Merkel. 

Nhưng, cái chăn hạnh phúc không rộng mênh mông vô tận, trước đây có thể thỏa mãn người bản xứ thì lúc ấy phải co kéo cho người tha hương trú ngụ. Nhiều phần tử bất hảo lợi dụng làn sóng tị nạn, trà trộn vào đoàn người di cư bất tận để đến miền đất hứa.  

Nhưng đỉnh điểm của nỗi hoang mang lo sợ lại là lúc người Nga không kích các căn cứ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tấn công IS không khoan nhượng bằng phi cơ hiện đại cũng đồng nghĩa với việc Tổng thống Putin bắt đầu can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria. Chẳng khó hiểu khi phi cơ của nước Nga nã đạn bom xuống đầu IS? 

Tổng thống Bashar al-Assad và người Nga có chung lợi ích được hậu thuẫn một thời gian dài. Sự có mặt của quân đội của ông Putin từ tháng 9 đã củng cố niềm tin về một cuộc vãn hồi hòa bình trên thế thắng áp đảo của Tổng thống al-Assad. Thế là, bom đạn gia tăng không chỉ trút lên đầu các phiến quân nhà nước Hồi giáo, mà chui vào cả buồng ngủ của người dân vô tội. Nhân tiện té nước theo mưa, người Nga không kích luôn các nhóm vũ trang được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn chống đối chính quyền Bashar al-Assad. 

Người dân ở giữa hai làn đạn nồi da xáo thịt. Cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu càng nóng bỏng hơn quyết liệt hơn. Có thể nói, người tị nạn Syria vượt Địa Trung Hải đến miền đất hứa là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở Tây Âu phải cưu mang sau đại chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc khủng hoảng "lá lành đùm lá rách" lại làm cho khối Schengen bất đồng căng thẳng và dân bản xứ đã phản ứng chống người nhập cư bởi "ta giúp người, người hại ta."

***

Năm 2015 còn được gọi là... năm khủng bố kinh hoàng. Máu đã chảy và nhiều người chết oan tức tưởi bởi hàng loạt vụ khủng bố dã man do những kẻ Hồi giáo cực đoan gây ra. 130 người dân vô tội chết ở Paris khiến cả nhân loại bàng hoàng, còn châu Âu thì rúng động. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã phải đau đớn tuyên bố: "Nước Pháp đang ở trong tình trạng chiến tranh". 

Trước đó, nước Pháp cũng hoang mang rã rời bởi vụ đánh bom ở tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo làm cho 11 phóng viên, nhân viên tòa soạn tử vong. Thủ đô Paris hoa lệ không bình yên. Các phần tử khủng bố cực đoan IS lẩn quất như bóng ma có mặt khắp nơi hang cùng ngõ hẻm đường phố. Không âu lo hãi sợ mà được ư?!

Khủng bố đẫm máu ở Pari ngày 13-11-2015.

Ở phía Bắc Kenya châu Phi xa xôi, những tay súng của nhóm khủng bố al-Shabaab cũng tấn công một trường đại học làm 148 giảng viên và sinh viên chết. Nước Nga đem máy bay đi trừng trị Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS thì máy bay dân dụng chở đầy khách du lịch của họ cũng bị "tấn công" bằng bom khi đang bay trên bầu trời Ai Cập, khiến 224 người thiệt mạng". Chủ nghĩa khủng bố đã lan ra toàn cầu, mà Thái Lan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Pakistan, Mali, Iraq, Syria... đang là nạn nhân của các phần tử quá khích cực đoan Hồi giáo.

Ảnh hưởng của nhà nước Hồi giáo rất rộng lớn, đến mức nhiều người Ngô Duy Nhĩ ở vùng Tân Cương giàu có phía cực Tây Trung Quốc cũng gia nhập và chiến đấu cùng phiến quân IS. "Lực lượng phiến quân muốn thiết lập một nhà nước riêng gọi là Đông Turkestan tại Tân Cương, ẩn nấp dọc theo khu vực không bị kiểm soát ở biên giới Afghanistan - Pakistan. Bắc Kinh từng bày tỏ lo ngại rằng chúng đang tới Syria và Iraq tham chiến". Chính các phần tử này khi trở về đã dùng dao và bom tấn công cảnh sát. Bóng ma của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang thâm nhập đến nhiều quốc gia và thật đáng lo sợ.

***

Thiên nhiên là mẹ hiền cũng là mẹ ghẻ nghiệt ngã. Mẹ ghẻ nổi giận suốt năm 2015 trút lên đầu những hậu duệ cô Tấm bao nhiêu thảm họa khủng khiếp. Hồi tháng 4, trái đất mới ''hắt hơi sổ mũi''... động đất 7,8 độ richter ở Nepal thì 1 vạn người chết thê lương, 2 triệu gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Núi lửa, sóng thần, tuyết lở, sập lò... xảy ra "không hẹn trước". 

Hội chứng El Nino và ảnh hưởng xoáy thuận nhiệt đới Komen làm cho lũ lụt hoành hành châu Á ở diện rộng khắp các nước Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc,... Hàng vạn người chết, hàng triệu người sống trong mưa gió kéo dài. Hạn hán triền miên khiến hàng chục triệu dân châu Phi, Nam Mỹ khốn khổ cùng với tình trạng sa mạc hóa. Trước thiên nhiên hùng vĩ và bí ẩn khắc nghiệt, dường như con người chỉ là con sâu cái kiến, lúc nào cũng nhỏ nhoi, mong manh.

Thiên nhiên gây ra thảm họa, và con người cũng tự chuốc thảm họa do mình gây ra. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) loan báo rằng: "Tốc độ phá rừng trên toàn cầu đã giảm hơn 50% trong 25 năm qua". Thực ra, trên da thịt nham nhở của trái đất đau thương này, rừng còn mấy đâu mà phá. Mỗi người dân là một gã tiều phu thì chẳng mấy nỗi mà sống cùng hoang mạc. Chỉ riêng Tây Nguyên của Việt Nam một năm đã mất gần 34 ngàn hécta rừng; còn thế giới dù có giảm nhưng mỗi năm cũng bị biến mất 13 triệu hécta đại ngàn nhiệt đới. Những hội chứng nhà kính, khai thác rừng bừa bãi khiến đất trống đồi trọc gây lũ lụt hạn hán, rồi trái đất nóng lên, khí hậu biến đổi như cơn lên đồng không ra một quy luật tự nhiên nào. Con người không chết chóc bởi hành vi tự giết mình thì cũng vêu vao mặt mũi, hoặc tự làm hao kiệt túi tiền, bởi lũ lụt, hạn hán, nóng lạnh bất thường của trời đất.

Cũng còn để hi vọng, để tin rằng con người cũng chưa đến mức sa mạc hóa tâm hồn, đã phải giật mình và ngồi với nhau bàn mưu tính kế... tự kiềm chế. Năm 2015, sau 20 năm bất đồng, ngủng ngoảng và chờ đợi căng thẳng, 190 quốc gia cũng đã họp Hội nghị thượng đỉnh COP21 thông qua thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris, với mục tiêu quan trọng nhất là: "...giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp". Các nước cam kết "cắt giảm khí thải, tăng khả năng ứng phó, cùng chống biến đổi khí hậu. Các nước tiên tiến sẽ chi khoảng 100 tỉ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển chuyển sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng xanh...

Năm 2015 buồn nản, hoang mang, âu lo, nhưng dù sao cũng le lói chút hi vọng.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
.
.
.