Liên Hợp Quốc cáo buộc Syria và IS phạm tội ác chiến tranh

Thứ Bảy, 30/08/2014, 09:25
Những cáo buộc này đã được các điều tra viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra trong một báo cáo công bố hôm 27/8. Trước những nguy cơ bạo lực và khủng bố ngày càng leo thang, Mỹ cũng đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của các nước để thành lập một liên minh chống lại sức ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo cực đoan có vũ trang.

Từ cáo buộc từ LHQ

Theo tin từ hãng The Punch, trong bản báo cáo được công bố chiều 27/8, các điều tra viên của LHQ đã cáo buộc chính phủ Syria và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) – tên gọi mới của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông (ISIL) phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến kéo dài 3 năm tại Syria. Bản báo cáo này dài 45 trang, được ông Paulo Pinheiro, Chủ tịch Ủy ban điều tra về Syria của LHQ đích thân đọc trước đại diện các nước ở LHQ. Ông Paulo Pinheiro khẳng định, IS hiện có rất nhiều trại huấn luyện khủng bố ở Syria. Tổ chức này còn thường xuyên tiến hành các hoạt động man rợ như chém giết, xử tử công khai, gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân trong khu vực và trên thế giới. Sự kiện nhà báo Mỹ James Foley bị hành hình là một ví dụ điển hình. Đó là chưa kể đến các tội ác khác mà IS phạm phải ở Aleppo, Al-Raqqah.

Không chỉ “làm mưa làm gió ở Iraq”, IS còn đang mở rộng hoạt động khủng bố ở Syria. Ảnh: AP

Ngoài ra, điều đáng lo ngại và cũng bị lên án nhiều nhất chính là việc IS đã tuyển mộ trẻ em từ 14 tuổi tham gia chiến đấu. Dựa trên báo cáo của tổ chức Giám sát nhân quyền được công bố hồi tháng 6, Ủy ban điều tra về Syria của LHQ khẳng định, IS thường tuyển mộ chiến binh nhí thông qua các chiến dịch quảng bá dạy học. Những đứa trẻ "theo học" các trại huấn luyện của ISIS sẽ được huấn luyện vũ khí và phải nhận các nhiệm vụ có thể gây mất mạng như đánh bom tự sát. Thậm chí IS còn bắt cóc trẻ em và buộc các em phải tuân theo lệnh của chúng. Những đứa trẻ bị IS bắt cóc sẽ được huấn luyện chiến đấu và sử dụng vũ khí trong các khóa đào tạo kéo dài 25 ngày. Trẻ em bị bắt cóc còn bị "tẩy não" bằng cách được dạy kinh Qur'an - nền tảng của đạo Hồi cũng như tư tưởng cực đoan giúp họ có cái gọi là ý thức hệ thánh chiến và sự vĩ đại của tử vì đạo. Riêng trong tháng 5 vừa qua, IS đã bắt cóc 133 trẻ em và 159 thanh niên Syria ở thành phố Aleppo. Hai trong số những đứa trẻ trốn thoát được kể lại rằng chúng bị buộc phải học về luật Sharia và tư tưởng thánh chiến.

Còn đối với chính phủ Syria, cáo buộc được đưa ra bao gồm việc ném bom vào các khu dân cư và sử dụng bom chứa chất độc hóa học clo, phạm tội giết người, tra tấn… Ông Paulo Pinheiro cho biết, toàn bộ báo cáo được thực hiện dựa trên nội dung 480 cuộc phỏng vấn và các tài liệu, chứng cứ mà thành viên của ủy ban đã điều tra, thu thập được. Tính đến nay, trong hơn 3 năm xảy ra chiến tranh ở Syria, gần 200.000 người đã thiệt mạng. Cao ủy nhân quyền của LHQ Navi Pillay còn cáo buộc rằng, chính việc quốc tế không hành động đã làm gia tăng số vụ phạm tội ở Syria. Đồng thời, bà Navi Pillay cũng kêu gọi các chính phủ cần có những biện pháp mạnh để ngăn chặn chiến tranh và những tội ác này.

Đến hành động của Mỹ

Trên thực tế, ảnh hưởng của IS ở Syria cũng như những hành động của tổ chức này đang khiến không chỉ chính quyền Damascus mà cả thế giới cũng lo ngại. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey hôm 27/8 đã kêu gọi các đồng minh châu Âu cùng hợp sức đối phó với mối đe dọa trên.  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel còn cảnh báo rằng với các thủ đoạn hoạt động tinh xảo, khả năng tài chính dồi dào và sức mạnh quân sự vượt trội, các tay súng IS hiện là mối đe dọa lớn đối với Mỹ, thậm chí hơn cả nhóm khủng bố quốc tế al-Qeada - tổ chức từng thực hiện vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Để cuộc chiến chống khủng bố có hiệu quả, Mỹ còn đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc thảo luận về những khả năng hợp tác giữa các nước, đóng góp cho kế hoạch quân sự chung nhằm đối phó với IS.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Mỹ đang thúc đẩy các nỗ lực thành lập một liên minh đối với các nước ở châu Âu và thế giới Arab và có thể rộng rãi hơn để đối phó IS bằng nhiều cách đóng góp như hỗ trợ nhân đạo, quân sự, tình báo, ngoại giao. Hiện chưa rõ liệu có bao nhiêu quốc gia sẽ tham gia vào kế hoạch do Mỹ dẫn đầu này bởi những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Qatar, Jordan… tuy đều bày tỏ mong muốn làm suy yếu IS song lại không đưa ra các dấu hiệu cho thấy sẵn sàng tham gia một hành động quân sự chung.

Theo nhiều nhà phân tích, điều mà Washington lo ngại nhất hiện nay chính là nguy cơ thanh niên Mỹ bị cực đoan hóa khi có hơn 100 công dân nước này tới Syria gia nhập IS. Trong khi đó, các nước phương Tây khác lại lo sợ trào lưu “tuyển vợ” phương Tây của IS với mục đích là nuôi dưỡng những chiến binh nhí cho thế giới đạo Hồi.

Huyền Chi
.
.
.