Khoảnh khắc Liên Xô ném bom tấn công Đức Quốc xã 76 năm trước

Thứ Ba, 08/08/2017, 20:17
Ngày 8-8-1941, trong bối cảnh Đức Quốc xã đã tiến xa vào Moscow và giành quyền kiểm soát các chiến trường trọng điểm Smolensk và Leningrad, Liên Xô đã quyết định hành động táo bạo: Ném bom Berlin để trả đũa.


Một trong nhiều thành công của những tháng đầu tiên trong cuộc Chiến tranh vệ quốc Vĩ đại của Liên Xô vào năm 1941 mà mãi sau này mới được nhiều người biết đến đó là những cuộc ném bom Berlin của Không quân Liên Xô.

Tháng 7-1941, khi mà Đức Quốc xã đã tiến xa vào Moscow và giành quyền kiểm soát các chiến trường trọng điểm Smolensk và Leningrad còn Hitler thì tuyên bố Liên Xô đang trong quá trình sụp đổ, Liên Xô đã quyết định ném bom Berlin để trả đũa những vụ không kích trước đó mà quân Đức Quốc xã tiến hành ở Moscow.

Đại tá Evgeniy N. Preobrazhenskiy, chỉ huy Trung đoàn ném bom Torpedo của Liên Xô, kiểm tra một trong những máy bay ném bom thực hiện phi vụ vào ngày 8-8-1941. Ảnh: Getty

Đúng ngày này 76 năm trước, ngày 8-8-1941, máy bay Liên Xô đã bay thẳng vào thủ đô của Đức Quốc xã. Những chiếc máy bay ném bom của lực lượng Hải quân và Không quân Liên Xô, xuất kích từ Quần đảo Moonzund, đã tiến hành 8 cuộc đột kích bất ngờ vào giữa Berlin với khoảng 12 máy bay mỗi đợt dưới sự chỉ huy của Đại tá Evgeniy N. Preobrazhenskiy.

Mặc dù đợt không kích được tiến hành vào ngày 8-8, nhưng chiến dịch thì đã bắt đầu trước đó nhiều ngày, khi đó quân đội Liên Xô đã cử nhiều đợt máy bay trinh sát tới Berlin để thám thính và lên kế hoạch chuẩn xác, cụ thể.

Theo tính toán của người Xô Viết, nếu máy bay mang đủ nhiên liệu dự trữ và đúng 750kg bom thì sau một hành trình bay gần 1.500km đến Berlin ném bom rồi quay trở lại sân bay, các máy bay sẽ chỉ còn chưa đầy 10% nhiên liệu dự trữ. Điều đó có nghĩa là nếu các phi công để lỡ chưa đầy 20 phút bay, họ sẽ không còn cơ hội trở về. 

Quân đội Liên Xô chuẩn bị vũ khí cho một phi vụ ném bom trong cuộc Chiến tranh vệ quốc Vĩ đại. Ảnh: Getty

Mặc dù vậy, sau khi hoàn thành phi vụ, toàn phi đội bay của Liên Xô đã trở về căn cứ an toàn, dù rằng một vài máy bay đã hạ cánh mà không còn một giọt nhiên liệu. Nhiều phi công bị bắn ra khỏi máy bay nằm lăn trên cỏ, mệt nhoài, sau nhiều tiếng đồng hồ chiến đấu căng thẳng quá sức.

Đợt không kích dù không gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất cho Đức Quốc xã nhưng đã khiến kẻ địch hoang mang tột độ và “cắt” điện của Berlin trong một thời gian khá dài.

Lực lượng của Đức Quốc xã khi đó hoàn toàn bất ngờ trước vụ tấn công của Liên Xô, chúng không nghĩ được rằng máy bay của Moscow có thể bay thẳng đường dài thẳng đến Đức để tấn công.

Thậm chí, theo các ghi chép được trích dẫn lại, nhiều đài quan sát mặt đất của Đức Quốc xã còn nhầm tưởng máy bay Liên Xô là “quân mình” đang nhầm đường bay và chủ động báo sân bay gần nhất chuẩn bị cho máy bay Liên Xô… hạ cánh.

Đại tá Evgeniy N. Preobrazhenskiy cùng hoa tiêu bay cùng trong chiến dịch không kích vào ngày 8-8-1941. Ảnh: Getty

Từ Berlin, trong ngày 8-8-1941, đài phát thanh Đức Quốc xã thậm chí thông báo rằng đêm đó thành phố đã bị các máy bay của Anh ném bom, một số đã bị bắn hạ. Tuy nhiên, nước Anh phủ nhận tiến hành bất kỳ vụ tấn công nào.

Thành tích của chuyến không kích đầu tiên đã khiến nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin vô cùng phấn khởi. Ngay trong ngày hôm đó, Stalin đã ký lệnh đặc biệt # 0265, ca ngợi các phi công Xô Viết, 5 người trong số họ đã được vinh danh là Anh hùng Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc Vĩ đại.

Thiện Nhân
.
.
.