Kết thúc Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45:

Còn nhiều âu lo

Chủ Nhật, 25/01/2015, 09:05
Dấu hiệu tích cực là một tuần tăng điểm liên tiếp trên các thị trường chứng khoán từ Mỹ, châu Âu tới châu Á nhưng vẫn còn khá nhiều mối lo ngại mà cụ thể là sự tăng trưởng ì ạch của các nền kinh tế mới nổi và xung đột lợi ích từ việc giảm giá dầu..

Những thách thức lớn của nền kinh tế thế giới sẽ dần được giải quyết sau 280 phiên họp diễn ra trong 4 ngày (từ 21 đến 24 tháng 1) tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Davos của Thụy Sĩ. 1.500 chủ doanh nghiệp và hơn 300 nhà lãnh đạo đến từ 140 quốc gia đã đưa ra được một số phương hướng cụ thể mà bằng chứng cho dấu hiệu tích cực là một tuần tăng điểm liên tiếp trên các thị trường chứng khoán từ Mỹ, châu Âu tới châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều mối lo ngại mà cụ thể là sự tăng trưởng ì ạch của các nền kinh tế mới nổi và xung đột lợi ích từ việc giảm giá dầu..

Từ mối đe dọa bất ổn địa chính trị

Mặc dù không có trong danh sách 10 thách thức toàn cầu được mang ra bàn thảo tại WEF lần này, song mối đe dọa bất ổn địa chính trị lại đang trở thành sự lo ngại lớn nhất của các chuyên gia kinh tế. Bởi lẽ, nó tác động trực tiếp đến 10 thách thức bao gồm: môi trường và khan hiếm tài nguyên; kỹ năng làm việc và nguồn nhân lực; bình đẳng giới; đầu tư dài hạn cơ sở hạ tầng; an ninh lương thực và nông nghiệp; thương mại và đầu tư quốc tế; tương lai của Internet; tội phạm toàn cầu và chống tham nhũng; hòa nhập xã hội và tương lai của hệ thống tài chính.

Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cho hay: “Diễn đàn kinh tế Davos phục vụ cộng đồng quốc tế như là một nền tảng cho hợp tác công - tư. Sự hợp tác này nhằm giải quyết những thách thức mà tất cả các nước đang phải đối mặt và do đó đòi hỏi có sự tin tưởng lẫn nhau”.

Tuy nhiên, hiện nay, dường như lòng tin giữa các quốc gia đang dần bị xói mòn. Chỉ nhìn vào những gì diễn ra ở châu Âu, Ukraine, Syria hay một số quốc gia khác ở châu Phi là thấy rõ điều đó.

Hãng tin Reuters cho hay, những lo ngại về bất ổn địa chính trị ảnh hưởng đến phát triển kinh tế còn được LHQ đưa ra trong báo cáo mang tên “Bối cảnh và triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015”. Theo đó, nền kinh tế thế giới sẽ tăng ở mức vừa phải trong 2 năm tới, khoảng 3,1% cho năm 2015 và 3,3% cho năm 2016. Trong báo cáo, các chuyên gia kinh tế LHQ nhắc đến cuộc xung đột đang leo thang trở lại tại miền Đông Ukraine và những nguy cơ về tấn công khủng bố ở châu Âu, Mỹ… đang đe dọa tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm sau. Đó là chưa kể đến những cuộc xung đột trong nội bộ các nước dẫn đến sự chia rẽ dân tộc, sụt giảm về kinh tế.

WEF 2015 thu hút 1.500 chủ doanh nghiệp và hơn 300 nhà lãnh đạo đến từ 140 quốc gia tham dự. Ảnh: Europeanceo .

Đến xung đột lợi ích về giá dầu

Phát biểu tại WEF, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim đã thừa nhận chưa bao giờ mà lợi ích kinh tế giữa các quốc gia lại xung đột nhau nhiều như tại cuộc họp lần này. Nguyên nhân chính của việc này lại xuất phát từ sự giảm sâu của giá dầu thế giới. Sau 4 năm ổn định ở mức 105 USD/thùng, từ tháng 6 năm ngoái, giá dầu thô đã giảm tới 50% và hiện các nền kinh tế thế giới đang bị chia làm 2 phe: một phe có lợi do hưởng giá dầu thấp, còn một phe lại chịu thiệt hại nặng nề vì thu nhập từ việc xuất khẩu dầu bị giảm mạnh.

Cụ thể, Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) còn đưa ra dự báo rằng, đà trượt giảm của giá dầu thế giới sẽ khiến các nhà xuất khẩu năng lượng chủ lực thuộc hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) chịu tổn thất khoảng 300 triệu USD, đe dọa đẩy nhiều nước như Arab Saudi, Bahrain, Oman, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)… vào cảnh thâm hụt ngân sách. Các nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt khác tại khu vực Trung Đông như Iraq, Iran, Libya… và khu vực Trung Á cũng sẽ mất khoảng 125 tỷ USD do giá dầu hạ.

Bên cạnh đó còn có những căng thẳng giữa các nước xuất khẩu dầu và các tập đoàn sản xuất dầu. Hệ quả, xung đột lợi ích này ngay lập tức đã biến thành “khẩu chiến” tại Diễn đàn Davos. Các thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thì bảo vệ quyết định không can thiệp vào sự sụt giảm giá dầu trong khi các tập đoàn dầu lửa lớn nhất thế giới lại cho rằng, những chính sách thiên vị của tổ chức này sẽ tạo thiếu hụt nguồn cung cấp và đầu tư sản xuất loại nhiên liệu quý này trong tương lai.

Những đề xuất mới

Nhiều biện pháp tháo gỡ được đưa ra đã có tác động tích cực đến nền kinh tế thế giới. Đó là chương trình mua trái phiếu quy mô lớn còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE) mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố hôm 22/1.

Theo đó, ECB đưa ra đề xuất mua 50 tỷ Euro (khoảng 58 tỷ USD) trái phiếu mỗi tháng từ tháng Ba tới và chương trình này sẽ được thực hiện cho tới cuối năm 2016. Ngay lập tức, các chỉ số chứng khoán Mỹ, châu Âu và châu Á đã đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 23/1. Chưa hết, đề nghị của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc đàm phán giữa EU với Liên minh Á-Âu về "khả năng hợp tác trong một không gian thương mại chung" với điều kiện là phải có một giải pháp hòa bình toàn diện cho vấn đề miền Đông Ukraine đang mở ra hướng hợp tác mới giữa EU-Nga sau hàng loạt các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự WEF 2015 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã dự các phiên họp chính thức, một loạt hoạt động song phương, cũng như nhiều hoạt động bên lề với các doanh nghiệp tiêu biểu của diễn đàn. Đặc biệt, trong phiên họp “Chương trình nghị sự an ninh lương thực toàn cầu”, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bền vững.

Sáng 24/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã tham dự với tư cách là diễn giả tại phiên họp Triển vọng địa chính trị toàn cầu 2015 để bàn về các ưu tiên khu vực và toàn cầu, cùng với những tác động sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và nền kinh tế trong năm 2015.

Tổng Giám đốc WEF Philipp Rosler từng nhận định, kinh tế Việt Nam với kết quả và tiềm năng phát triển trong tương lai, nhất là trong tương quan hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 đang trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, kinh doanh toàn cầu. Do vậy, những ý tưởng, tầm nhìn, thông tin về Việt Nam và ASEAN, thông điệp của lãnh đạo Việt Nam rất được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế quan tâm. Tại diễn đàn lần này, WEF đã tập trung tổ chức các sự kiện lớn về Việt Nam, trong đó có sự kiện “Đêm Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chính khách và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Khánh Chi
.
.
.