Còn mãi địa danh dốc Ba Trục anh hùng

Thứ Tư, 15/04/2015, 09:53
Trên chiến trường Trị Thiên-Huế từ năm 1966 đến 1975, dốc Ba Trục (thuộc địa phận xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay), là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch… Nhiều bậc lão thành cách mạng, từng sống chiến đấu ở dốc Ba Trục vẫn còn nhớ như in những năm tháng đầy đau thương, mất mát, song rất đỗi tự hào của quân và dân Thừa Thiên-Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức cựu chiến binh Đinh Lê vẫn còn in đậm câu chuyện đau thương về sự hy sinh của 21 thanh niên xung phong đơn vị AT6 Ban Kinh tế Khu uỷ Trị Thiên, ở dốc Ba Trục. 

“Một ngày đầu Thu năm 1967, tôi từ Ban Tuyên huấn tỉnh trở về Ban Kinh tế Khu ủy Trị Thiên, nhìn 21 nấm mồ bên suối đá dưới chân núi Chóp Bàng mà lòng đau như xát muối. Anh Nam quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cán bộ tập kết vào tăng cường là thủ trưởng Phân ban B Ban Kinh tế, hy sinh, di vật để lại chẳng có gì; anh Giang quê ở Ưu Điềm (Trị Thiên), ra đi lúc chưa có gia đình, trong túi còn lá thư viết dở cho người yêu, ấp ủ đợi ngày huy hoàng của đất nước để lứa đôi nên duyên… Hôm ấy, trong lễ truy điệu dưới túp lều còn sót lại, mọi người nhìn nhau trong nước mắt. 21 thanh niên xung phong hy sinh hầu hết ở độ tuổi từ 18 đến 25...”, ông Lê rưng rưng nước mắt nhớ về đồng đội đã ngã xuống năm xưa.

Đồng đội về thăm, thắp hương cầu nguyện cho 21 chiến sỹ hy sinh tại dốc Ba Trục. 

Theo lời kể của ông Bùi Khắc Trang, vào thời điểm qua giữa năm 1967, Ban Kinh tế Khu ủy Trị Thiên triển khai kế hoạch chuẩn bị lương thực phục vụ cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Phân ban B, với biệt danh AT6, cùng 3 phân ban thuộc Ban Kinh tế (mỗi phân ban có từ 100-150 người), nhận nhiệm vụ thu mua, vận chuyển lương thực từ đồng bằng lên căn cứ. Lúc bấy giờ, ông làm bí thư chi bộ. 

Tối 1/7/1967, sau khi họp ở hội trường Ban Kinh tế xong, ông cho mọi người tản ra nghỉ ở nhiều khu vực khác nhau, chỉ còn 23 đồng chí ở lại hội trường. Nào ngờ đêm đó, máy bay B52 Mỹ đánh bom trúng hội trường, chỉ còn 2 người sống sót. Trong số hy sinh, đa phần là đội viên thanh niên xung phong… 

Ông Trang đau đớn nói rằng, sau trận bom, ông chạy đến thì thấy, từ trong căn hầm chữ A, anh Nam thủ trưởng đơn vị AT6 bò ra với vết thương nặng ở bụng do mảnh bom cứa ngang… 

Ông hoảng hốt chạy lại dùng tay bưng chặt vết thương của anh Nam, nhưng anh Nam vẫn tỉnh táo ra lệnh: “Lấy bút để anh nhắc mà ghi lại Trang ơi. Tiền còn trên 2 triệu, kiểm tra kho lương thực, tìm anh em ai còn ai mất để lo hậu sự… anh không thể sống được nữa rồi. Hãy biến đau thương này dồn căm thù lên đầu giặc, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tích trữ lương thực chuẩn bị cho trận chiến đấu mới...”. 

Căn dặn xong, anh Nam trút hơi thở cuối cùng. Trong cái đêm đau thương ấy, những người còn sống sót được nhân dân giúp đỡ tổ chức chôn cất 21 thi thể dưới chân núi Chóp Bàng. Thế nhưng, đau đớn làm sao khi sáng hôm sau, B52 giặc lại đến đánh bom trúng khu mộ chôn 21 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã hy sinh…

Điều đáng quan tâm, trong số 21 thanh niên xung phong hy sinh tại dốc Ba Trục vẫn còn một trường hợp chưa được phong tặng liệt sĩ là anh Nguyễn Văn Phước, sinh năm 1947, quê Thuỷ Phương, thị xã Hương Thuỷ. Gia đình anh Phước và đồng đội còn sống đã nhiều lần làm hồ sơ đề nghị, nhưng cho đến nay vẫn còn chờ đợi. 

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, trường hợp của anh Phước gia đình đã làm hồ sơ đầy đủ, nhưng theo Thông tư 28 ngày 22/10/2013, quy định quá chặt chẽ nên gặp khó khăn trong cách giải quyết. Hiện nay, Sở đã có văn bản báo cáo cấp trên tình hình chung, kể cả những trường hợp thương binh gia đình có công với nước, bị vướng theo Thông tư này. Tên tuổi của anh Nguyễn Văn Phước hiện còn lưu trong hồ sơ của Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Thừa Thiên-Huế. 

Anh Hoàng Hữu Xuyến, Chủ tịch Hội trao đổi với chúng tôi: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thành công, nhưng vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, hàng nghìn gia đình nén đau thương về người thân của mình. Về trường hợp anh Phước, nói thế không có nghĩa là không giải quyết được, nếu cơ quan liên quan tích cực vào cuộc thì dù khó khăn đến thế nào cũng có thể gỡ được. Đền ơn đáp nghĩa là đạo lý uống nước nhớ nguồn được Đảng và Nhà nước rất mực quan tâm. Hơn lúc nào hết, cán bộ, nhân viên trong ngành LĐ,TB&XH phải biết trăn trở đề xuất về những trường hợp đặc biệt như trường hợp anh Phước để cho linh hồn của người đã khuất ngậm cười nơi chín suối…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Viết Lễ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Vang (nay là thị xã Hương Thuỷ), cho biết, hồi chiến tranh là chiến sỹ thuộc Tiểu ban Lương thực Khu uỷ Trị Thiên - Huế, với tư cách là người trong cuộc, nay đang sinh hoạt tại Hội Cựu thanh niên xung phong Thừa Thiên-Huế, cũng thay mặt anh chị em Hội nhiều lần có công văn gửi đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế quan tâm vấn đề xây dựng tượng đài; hoặc bia tưởng niệm cho 21 liệt sỹ hy sinh ở dốc Ba Trục. 

Ông Lễ hồ hởi cho hay, mới đây, Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế đã đồng ý và chỉ đạo huyện Phong Điền tổ chức tọa đàm để tranh thủ các nhà sử học đóng góp thêm tư liệu nhằm có hướng xây dựng dốc Ba Trục trở thành một địa danh lịch sử của tỉnh. 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế đã trực tiếp chỉ đạo huyện Phong Điền sớm triển khai công việc, trước mắt kịp tổ chức một lễ tưởng niệm nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. 

Thường trực Huyện uỷ Phong Điền cũng đã có công văn phúc đáp BCH Hội Cựu thanh niên xung phong Thừa Thiên-Huế, nhân dịp lễ kỷ niệm 30-4, Huyện uỷ và UBND huyện Phong Điền tổ chức Lễ cầu siêu cho các liệt sỹ tại dốc Ba Trục; đồng thời xúc tiến các công việc để xây dựng Bia tưởng niệm. 

Về lâu dài, huyện Phong Điền đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế cho xây dựng nơi đây thành khu di tích lịch sử để thế hệ trẻ biết đến sự hy sinh anh dũng của những người đã ngã xuống vì nền độc lập, thống nhất của đất nước...

Chiến Hữu
.
.
.