Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 – 9/5/2015):

Có những phút làm nên lịch sử

Thứ Sáu, 08/05/2015, 12:45
Lịch sử Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô lưu danh công trạng một thiếu niên 11 tuổi, dù không tiêu diệt một quân thù nào. Trong cuộc chiến tranh du kích chống phát xít Đức, đã có hàng ngàn thiếu niên tham gia, nhiều người trong số họ được tặng thưởng những Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Xô viết. Nhưng các thế hệ mai sau sẽ ghi khắc tên tuổi đội viên thiếu niên Musia, chống ngoại xâm bằng tấu bản nhạc Quốc thiều.

Trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, các thiếu niên đã chọn nhiều cách tranh đấu như: rải truyền đơn, phá hoại các toa xe chở hàng của địch… Nhưng cuộc chiến của Musia chỉ diễn ra trong vài phút đồng hồ, vũ trang bằng cây đàn violon và lòng yêu nước vô bờ, đã đi vào lịch sử.

Musia là cách mẹ âu yếm gọi cậu bé Abram Pinkenzon, sinh tại thành phố Belitsy nay thuộc Moldavia năm 1930 trong một gia đình Do Thái đã nhiều đời là bác sĩ. Vì thế khi Musia ra đời, cha em, bác sĩ có tên tuổi Vladimir Pinkenzon, đã hướng Musia vào nghiệp thày thuốc, nhưng Musia chỉ “dính” lấy cây đàn. Tài năng em bộc lộ sớm, khi mới 5 tuổi, để rồi báo chí của thành phố trong nhiều năm đã viết về thần đồng âm nhạc này.

Tượng cậu bé Abram Pinkenzon.

Kể từ năm 1940, miền quê Bessarabia của Musia thuộc về lãnh thổ Liên bang Xô viết. Nhưng ở thành phố nhỏ Belitsy ấy, cuộc sống vẫn như muôn đời, cha vẫn làm nghề bác sĩ, mẹ vẫn nuôi dạy con. Nhưng Musia đã tham gia vào dàn nhạc Đội thiếu niên tiền phong tại địa phương. Tháng 6/1941, Musia Pinkenzon chuẩn bị tham gia Olympic âm nhạc quần chúng lần thứ nhất của Cộng hòa XHCN Xô viết Moldavia, nhưng mọi kế hoạch của thời bình đã sụp đổ khi phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô.

Gia đình Pinkenzon sơ tán về phía Đông và sau một số tuần lễ, dừng lại tại vùng Kuban, Nga, thị trấn Ust - Labinsk. Nơi đây cha của Musia trở thành bác sĩ trong quân y viện, còn cậu đi học trường làng. Mỗi buổi chiều, Musia đến quân y viện nơi cha làm việc, chơi các bản nhạc trên vĩ cầm cho các thương binh nghe.

Nhưng tới mùa hè năm 1942, vùng Kuban đã không còn là vùng nằm sâu trong hậu phương Xô viết. Những đòn tiến công ác liệt của quân đội phát xít đã áp sát, Hồng quân rút lui không kịp mang theo quân y viện. Bác sĩ Vladimir Pikenzon đang chăm sóc thương binh thì quân Đức ập đến. Chúng bắt toàn bộ quân y sĩ và các thương bệnh binh.

Biết Vladimir Pikenzon có tay nghề cao, viên chỉ huy quân phát xít bắt ông phải cứu chữa cho lính Đức. Cha của Musia từ chối và bị giam vào tù; chẳng bao lâu sau cả mẹ và Musia cũng bị tống vào tù. Phát xít Đức không chỉ muốn diệt hết những người gốc Do Thái ở vùng này, mà còn muốn tiến hành một chiến dịch trấn áp, khủng bố tinh thần dân chúng.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc xã, Thống chế Wilhelm Keitel từng chỉ thị cho chính quyền ở các vùng tạm chiếm Liên Xô “gieo rắc sự sợ hãi đến mức chế áp cảm giác chống đối trong dân cư”. Chúng lùa những người bị giam tới khu vực hành hình. Khi người dân nhận thấy giữa những tử tù có một em bé 11 tuổi, ôm siết cây vĩ cầm vào ngực, những tiếng nói phản đối đã dấy lên: “Trẻ thơ kìa! Quân vô nhân đạo!”. 

Vladimir Pinkenzon tìm cách nói với tên chỉ huy để chúng phóng thích con mình, nhưng một loạt đạn đã cắt lời người lương y được dân chúng kính trọng. Mẹ Musia lao đến ôm xác chồng cũng bị sát hại…

Rồi chỉ còn lại Musia, “trơ trọi giữa bầy sói” - những kẻ tự coi mình thuộc chủng Aryan ưu đẳng, còn thiên tài âm nhạc nhỏ tuổi kia “thuộc dòng hạ đẳng”. Ngoài vòng vây của địch là những người dân thị trấn Ust - Labinsk, nhìn em bé đứng giữa đống xác người, trong hoảng sợ và tuyệt vọng. Dù lòng đau như cắt, họ không thể làm gì chống lại quân thù vũ khí lăm lăm.

Đột nhiên Musia nói với tên chỉ huy phát xít: “Ngài sĩ quan, trước khi chết, hãy để tôi chơi một bản nhạc”. Tên sĩ quan cười ồ lên, và gật đầu chiếu cố. Hắn cho rằng cậu bé nhạc sĩ muốn mua vui cho hắn với hy vọng được tha mạng. Trong thời khắc chợt im lặng như tờ, trên thinh không miền quê bỗng vút lên tiếng vĩ cầm. Những giây đầu tiên, cả quân Đức và người dân thị trấn Ust - Labinsk còn chưa vỡ ra được những nốt nhạc đầu tiên, hay đúng hơn, chưa tin được vào điều đang xảy ra là sự thực.

Cậu bé Musia Pinkenzon, chưa ăn mừng sinh nhật tuổi 12, đứng trước quân thù đã chơi bản Quốc tế ca (International), tới lúc đó là Quốc thiều của Liên bang Xô viết.

Một vài người trong đám đông, theo thói quen, bắt đầu mấp máy môi hát theo… Rồi tiếng hát Quốc ca Liên Xô bỗng bừng lên trên bầu trời Ust - Labinsk còn u ám những luồng sát khí gây bởi quân phát xít.

Tên sĩ quan Đức giật mình, chợt vỡ ra ý đồ của người anh hùng nhỏ tuổi. Hắn gào lên: “Súc sinh! Dừng ngay lại”. Tiếng đàn vẫn vút lên. Một viên đạn đầu tiên trúng vào nhạc sĩ nhí, nhưng cậu vẫn cố kéo đàn. Rồi một loạt súng nổ cắt đứt cuộc đời người công dân Liên Xô nhỏ tuổi. Lính Đức điên cuồng giải tán đám đông. Cuộc xử bắn nhằm khủng bố tinh thần biến thành hiệu ứng nâng cao ý chí kháng chiến của người dân Xô viết. Cây vĩ cầm còn thơ nhưng đứng trước thần chết đã biểu lộ một sức mạnh tinh thần, đến mức vũ khí của quân Đức không thể hủy diệt.

Kể từ ngày hôm ấy, những người chứng kiến nhớ lại, lòng dân Ust - Labinsk lại tin tưởng vào chiến thắng. Một niềm tin cháy lên nhờ những nốt nhạc Quốc ca cố át tiếng súng thù đem  lại. Năm 1958, vào ngày thị trấn Ust - Labinsk trở thành thành phố, tại nơi bản Quốc ca từng vang lên trong một cuộc tàn sát, đã xuất hiện bức tượng người thiếu niên anh hùng Musia Pikenzon.

Cuộc chiến chống phát xít của “người lính trên mặt trận nghệ thuật” Musia Pikenzon chỉ đếm được bằng giây, nhưng đã thổi bùng ngọn lửa kháng chiến trong trái tim người dân Xô viết vùng tạm chiếm, báo Luận chứng và sự kiện (AiF) Nga đánh giá.

Lê Đỗ Huy (trích dịch)
.
.
.