Chiến thắng chưa làm vơi đi nỗi lo

Chủ Nhật, 31/12/2017, 10:55
Trong tháng cuối cùng của năm 2017, cả Iraq và Syria đều tuyên bố được giải phóng hoàn toàn khỏi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Việc này được đánh giá là một xu thế tất yếu, tạo nên một cái nhìn lạc quan hơn về cuộc chiến chống khủng bố trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cuộc chiến này được dự báo là sẽ còn tiếp diễn, khi giới chuyên gia đánh giá rằng, thất bại của IS tại Trung Đông trong năm 2017 không đồng nghĩa với việc thế giới đã thoát khỏi mối nguy cơ này.

Bước ngoặt quan trọng

Ngày 9-12, Chính phủ Iraq tuyên bố giải phóng hoàn toàn Iraq khỏi phiến quân IS với việc giải phóng khu vực cuối cùng do IS kiểm soát trên lãnh thổ của quốc gia này. 

Trước đó 2 ngày, giới chức Nga tuyên bố, không còn vùng lãnh thổ nào tại Syria nằm dưới quyền kiểm soát của IS và quân đội Chính phủ Syria đã quét sạch phiến quân IS khỏi lãnh thổ. 

Khoảng 60.000 tay súng Thánh chiến đã bị tiêu diệt kể từ năm 2014, trong đó có nhiều thủ lĩnh cấp cao. Thậm chí, giới chuyên gia khẳng định, IS sẽ mất toàn bộ những vùng lãnh thổ từng chiếm giữ ở Trung Đông trong năm 2018. 

Góp phần vào chiến thắng mang tính bước ngoặt này của Syria và Iraq không thể không kể đến vai trò quan trọng của Nga và Mỹ. Hai cường quốc trải qua không ít thăng trầm, lúc “bắt tay” hợp tác, lúc như “nước với lửa” khi xuất hiện xung đột lợi ích do những toan tính khác nhau tại Syria và Iraq.

Ngay sau khi hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria giành thắng lợi trên, Nga đã thực hiện cam kết rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này, nhưng vẫn duy trì hai căn cứ quân sự tại Syria bao gồm căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus, nhằm giúp Syria bảo đảm sự ổn định trong tương lai. 

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì những cam kết trên thực địa cho đến khi cảm thấy cần thiết nhằm hỗ trợ các đối tác cũng như ngăn chặn sự quay trở lại của các nhóm khủng bố. 

Hiện Mỹ có khoảng 2.000 binh sĩ trên thực địa tại Syria có nhiệm vụ đào tạo và cố vấn cho các lực lượng đối lập Syria trong cuộc chiến chống IS. Điều này cho thấy, dù có những toan tính khác nhau, song cả Moscow và Washington vẫn duy trì sự hiện diện theo cách riêng của mình nhằm duy trì ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông có vị trí địa – chính trị chiến lược.

Binh lĩnh Iraq vui mừng sau khi giải phóng hoàn toàn Iraq khỏi phiến quân IS.

Nỗi lo hiện hữu

Những vụ tấn công, những lời đe dọa mang dấu ấn IS trong thời gian gần đây là minh chứng cho thấy IS chỉ thoái trào chứ không biến mất. 

Thứ nhất, việc tổ chức này bị đè bẹp tại Trung Đông mang đến nỗi lo về việc các chiến binh nước ngoài trong hàng ngũ IS tìm đường trở về nước, cùng với nguy cơ những tư tưởng cực đoan và bạo lực của chúng vẫn được truyền bá rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. 

Trong số hơn 30.000 chiến binh nước ngoài chiến đấu cho IS tại Trung Đông, khoảng 6.000 tay súng được cảnh báo có thể “hồi hương” về các nước trong khu vực. 

Trong khi đó, theo người phát ngôn của liên quân do Mỹ dẫn đầu tham chiến chống IS tại Iraq và Syria, Đại tá Ryan Dillon, hiện có ít nhất 26.000 chiến binh thánh chiến IS đang nhởn nhơ bên ngoài các vùng xung đột, làm dấy lên mối lo ngại rằng chúng có thể tiến hành các cuộc tấn công ở Mỹ, châu Âu hay toàn cầu.

Thứ hai, việc thất bại tại Trung Đông sẽ khiến IS phải tìm kiếm những thành trì mới cũng như những chiến lược tấn công mới. Thay vì lôi kéo các đối tượng từ Tây Âu đến Trung Đông tham chiến, tổ chức này chuyển hướng sang thực hiện những vụ tấn công khủng bố kiểu sói đơn độc ngay tại chính những nơi được coi là bình yên nhất. 

Hôm 26-12 vừa qua, một nhánh phiến quân IS tại Somalia đã đăng tải đoạn video với nội dung kêu gọi các phần tử thánh chiến tiến hành những cuộc tấn công khủng bố trên toàn cầu trong dịp năm mới 2018. Cụ thể, trong đoạn clip dài 7 phút, nhóm IS kêu gọi tiến hành các cuộc tấn công kiểu “sói đơn độc” nhằm vào những nơi đông người ở các quốc gia phương Tây. 

Tại châu Á, các nhóm khủng bố trong khu vực như Abu Sayyaf (ASG), Jemaah Islamiyah (JI) và Mujahideen đã công khai “thề trung thành” với IS và đóng vai trò như “nơi trú ẩn xa nhà” cho những phần tử trốn chạy khỏi Mosul (Iraq) và Aleppo, Raqqa (Syria). 

Trong khi đó, theo truyền thông tại Nam Á, các tay súng người Pháp và Algeria đã gia nhập hàng ngũ của IS ở miền Bắc Afghanistan. Thứ ba là việc các tay súng khủng bố đang nhận được các loại vũ khí mới cho phép chúng thực hiện các vụ tấn công bất ngờ. 

Và cuối cùng là việc các phần tử khủng bố vẫn đang tích cực sử dụng mạng Internet để tuyên truyền, tuyển mộ chiến binh mới và truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan, khuấy động sự hận thù.

Mặt trận chống khủng bố đã chứng kiến một năm đầy thăng trầm. Mặc dù đã đạt được những thành quả quan trọng bước đầu, song vẫn còn đó nhiều nỗi lo hiện hữu, nên không thể “ngủ quên trên chiến thắng”. 

Xét cho cùng, trên mặt trận này, “cái bắt tay” giữa các cường quốc là cần thiết hơn bao giờ hết nhằm ngăn chặn những mối đe dọa an ninh “xuyên lục địa”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.