CHDCND Triều Tiên: Một mình trên nhiều mặt trận

Chủ Nhật, 11/01/2015, 11:58
Bản tuyên bố cũng cáo buộc Mỹ đã đẩy quan hệ Bình Nhưỡng – Washington tới “giai đoạn đối đầu tệ nhất”, đồng thời cảnh báo Washington giảm chính sách thù địch với Bình Nhưỡng “nếu không muốn hứng chịu thảm họa chiến tranh”.

Ngày 8/1, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Ban Chính sách thuộc Ủy ban Quốc phòng (NDC) nước này yêu cầu Mỹ dỡ bỏ “toàn bộ các trừng phạt vô lý” chống Bình Nhưỡng: “Chúng tôi đưa ra lập trường này vì toàn bộ “lệnh trừng phạt” mà Mỹ áp đặt chống CHDCND Triều Tiên cho tới nay đều dựa vào sự ác cảm và thù địch thâm căn cố đế cũng như chính sách thù địch của Washington đối với Bình Nhưỡng”.

Bản tuyên bố cũng cáo buộc Mỹ đã đẩy quan hệ Bình Nhưỡng – Washington tới “giai đoạn đối đầu tệ nhất”, đồng thời cảnh báo Washington giảm chính sách thù địch với Bình Nhưỡng “nếu không muốn hứng chịu thảm họa chiến tranh”.

Đâu là cơ s cho các bin pháp trng pht?

Tuyên bố trên được đưa ra một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ký sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên hôm 2/1, được xem là phản ứng đầu tiên của Washington với vụ tấn công mạng vào hãng Sony Pictures Entertaiment (SPE) và làm rò rỉ nhiều thông tin mà Bình Nhưỡng bị cáo buộc là thủ phạm, bất chấp việc các nhà điều tra tư nhân cho rằng, vụ tấn công mạng trên là do một cựu nhân viên bất mãn ở công ty thực hiện.

Trong thư gửi các lãnh đạo Quốc hội, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh việc lệnh áp đặt các lệnh trừng phạt này vì cái mà ông gọi là những hành động và chính sách khiêu khích, gây bất ổn của Chính phủ CHDCND Triều Tiên, kể cả những hành động phá hoại liên quan đến không gian mạng trong các tháng 11, 12/2014. Theo ông Obama, những hoạt động đó “tiếp tục tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ”.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, những lệnh trừng phạt bổ sung này nhằm vào 3 thực thể, gồm Cục Trinh sát tình báo CHDCND Triều Tiên, Công ty Khai thác phát triển thương mại CHDCND Triều Tiên và Tập đoàn Tangun, cùng 10 quan chức chính phủ nước này, trong đó có những cá nhân làm việc tại Iran, Syria, Trung Quốc, Nga và Namibia.

Theo cơ quan tình báo Mỹ, Cục Trinh sát tình báo CHDCND Triều Tiên là đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động mạng chính của Bình Nhưỡng. Công ty Khai thác phát triển thương mại là đơn vị chịu trách nhiệm buôn bán vũ khí ở CHDCND Triều Tiên, còn Tập đoàn Tangun phụ trách mua sắm công nghệ phục vụ cho chương trình nghiên cứu và phát triển quốc phòng ở nước này.

Trong một động thái được cho là ủng hộ đồng minh, trong cuộc điện đàm ngày 6/1 với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nêu rõ Tokyo “đánh giá cao” việc Washington áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan tới vụ tấn công mạng nhằm vào SPE và Tokyo “lên án mạnh mẽ” hành động này. Phát biểu trước báo giới sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ, ông Kishida khẳng định: “Nhật Bản thừa nhận tấn công mạng là một vấn đề nghiêm trọng liên quan tới an ninh quốc gia”.

Về phần mình, trong phản ứng đầu tiên, ngày 4/1, KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh: “Các hành động đơn phương và dai dẳng của Nhà Trắng nhằm trừng phạt Triều Tiên cho thấy Washington không từ bỏ thái độ thù địch đối với Bình Nhưỡng”. Người phát ngôn cũng cáo buộc Washington từ chối đề xuất của Bình Nhưỡng tiến hành điều tra chung về vụ tấn công mạng của SPE, đồng thời tái khẳng định không có liên quan gì tới vụ việc. Tuy nhiên, trong nỗ lực của Washington nhằm xóa bỏ hoài nghi về trách nhiệm của CHDCND Triều Tiên trong vụ tấn công SPE, ngày 7/1, Giám đốc Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã tiết lộ những chi tiết mới mà ông này cho là có liên quan tới vụ việc trên.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Không ch có M

Bất chấp lời kêu gọi chân thành của CHDCND Triều Tiên về cải thiện quan hệ Bắc-Nam và thống nhất đất nước, trong những ngày qua, Hàn Quốc cũng liên tục gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 2/1 khẳng định, để đảm bảo trạng thái sẵn sàng bảo vệ an ninh đất nước, quân đội nước này sẽ duy trì các cuộc tập trận.

Theo đó, các cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Mỹ gồm Key Resolve (Giải pháp then chốt) và Foal Eagle (Đại bàng non) sẽ vẫn diễn ra như các năm trước dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ vào khoảng cuối tháng hai. Lời khẳng định này được cho là lời đáp lại yêu cầu mà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đưa ra trong bài phát biểu đầu năm mới rằng muốn xây dựng bầu không khí hướng đến đối thoại liên Triều thì Hàn Quốc phải ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ.

Tiếp đó, các nhà hoạt động Hàn Quốc đêm 5/1 đã thả nhiều bóng bay mang theo khoảng 300.000 truyền đơn với nội dung chỉ trích CHDCND Triều Tiên qua khu vực biên giới liên Triều. Giới phân tích nhận định, hành động này có thể làm chệch hướng các nỗ lực mới nhằm nối lại cuộc đối thoại giữa hai nước vốn đã bị đình trệ lâu nay. Về phần mình, CHDCND Triều Tiên đã kêu gọi Hàn Quốc kiềm chế chiến dịch rải truyền đơn nếu nước này thực sự muốn nối lại đối thoại liên Triều. Bình Nhưỡng cũng hối thúc Chính phủ Hàn Quốc làm rõ lập trường của mình trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Tuy nhiên, Seoul đã bác yêu cầu của CHDCND Triều Tiên đòi ngăn chặn các tổ chức dân sự rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lim Byeong-chul khẳng định lập trường của nước này về vấn đề rải truyền đơn chống CHDCND Triều Tiên vẫn không thay đổi (vì đây là quyền tự do bày tỏ và không bị nhà chức trách ngăn cản), đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng chấp thuận đề nghị đàm phán mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nếu thực sự muốn cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Không chỉ vậy, trong Sách Trắng quốc phòng được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra hôm 6/1, Seoul nhấn mạnh khả năng “quan trọng” của CHDCND Triều Tiên về thu nhỏ kích thước đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa đạn đạo.

Theo đó, “CHDCND Triều Tiên được cho là đã có khoảng 40kg plutoni cấp độ vũ khí bằng cách tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và được đánh giá là đang nỗ lực thực hiện chương trình làm giàu urani cấp độ cao”. Sách Trắng quốc phòng Hàn Quốc còn đánh giá rằng Triều Tiên “được cho là có các khả năng (về tên lửa) có thể đe dọa tới lục địa Mỹ”. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng công bố báo cáo cho biết phía CHDCND Triều Tiên có một đội quân gồm 6.000 “chiến binh mạng” có nhiệm vụ “gây tê liệt Hàn Quốc về cả mặt thể chất lẫn tinh thần”, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công mạng để gây cản trở đối với các chiến dịch quân sự của miền Nam cũng như các hệ thống chính quyền trọng yếu.

Cũng trong bản báo cáo, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thậm chí còn khẳng định Bình Nhưỡng có thể đã đạt được năng lực tấn công vào lục địa của nước Mỹ nhờ những tiến bộ về công nghệ tên lửa từng được phô trương trong các vụ bắn thử tên lửa gần đây.

Về phía Bình Nhưỡng, theo Đài Tiếng nói nước Nga, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, số ra ngày 6/1 đăng bài viết trong đó cho rằng, chính quyền Mỹ “đã dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc vai trò như những lực lượng xung kích” trong cuộc tấn công nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Theo đó, Washington đang “tìm cách tăng cường liên minh quân sự với các đồng minh chính của mình để gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng dưới cái cớ được tưởng tượng ra về mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên”. Bài báo trên được phát đi sau khi Mỹ - Nhật - Hàn ký thỏa thuận về việc trao đổi kịp thời các thông tin bí mật về chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.