7 năm sau thảm họa kép Nhật Bản: hơn 70.000 người chưa thể trở về nhà

Chủ Nhật, 11/03/2018, 15:38
Ngày 11-3 là một ngày buồn không thể quên của người dân Nhật Bản, bởi cũng ngày này 7 năm về trước, thảm họa kép động đất và sóng thần đã khiến hơn 18.000 người chết và mất tích, biến đây trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất lịch sử.

Hơn 70.000 người vẫn chưa thể trở về

Vào ngày 11-3-2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter kéo theo những đợt sóng thần khổng lồ đã ập vào khu vực Đông Bắc Nhật Bản. Sóng thần đã tàn phá nặng nề 3 tỉnh Đông Bắc Iwate, Fukushima và Miyagi, cướp đi sinh mạng của gần 16.000 người. Những đợt sóng thần và động đất đã đánh chìm nhà máy hạt nhân Fukushima, khiến hệ thống làm lạnh tại 4 lò phản ứng của nhà máy bị hỏng, kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất đất nước mặt trời mọc. 

Hình ảnh so sánh khu vực Ishinomaki, tỉnh Miyagi năm 2011 khi thảm họa kép vừa xảy ra và cũng chính nơi đó 5 năm sau. Ảnh: EPA

Cho đến nay, vẫn còn khoảng 73.000 người chưa thể quay trở về ngôi nhà của mình, 2.500 người vẫn được liệt vào danh sách mất tích, NHK cho biết. Một lễ tưởng niệm long trọng đã được tổ chức tại Tokyo vào chiều ngày 11-3 với sự tham gia của các quan chức cấp cao, gia đình Hoàng gia và những người sống sót sau thảm họa, tờ Japan Times cho biết. Một phút im lặng đã được thực hiện ở nhiều nơi tại Nhật Bản vào đúng thời khắc 14h46 phút, thời khắc mà trận động đất kinh hoàng đã xảy ra. 

7 năm trôi qua, mặc dù chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực đầu tư tái thiết và xây dựng lại sự sống cho những người dân sống sót sau thảm họa, nhưng những thách thức vẫn còn tồn tại. Theo Japan Times, hiện vẫn có khoảng 53.000 hộ gia đình phải sống trong những khu nhà tạm dựng sẵn, những khu nhà phúc lợi xã hội hoặc khu nhà được tài trợ tại ba khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa kép, đó là Iwate, Miyagi và Fukushima. 20.000 người khác được cho là sống cùng với người thân và bạn bè tại các khu vực khác nhau.

Một người dân Nhật Bản đang đặt hoa tưởng nhớ những nạn nhân đã ra đi trong thảm họa kép đáng sợ năm 2011. Ảnh: Kyodo

Hơn 90% trong tổng số 30.000 căn hộ chung cư dành cho các gia đình sơ tán đã được xây dựng với phần còn lại dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 3 năm sau. Mặc dù các lệnh sơ tán đã được dở bỏ tại rất nhiều khu vực thuộc tỉnh Fukushima, song khoảng 50.000 người dân bị ảnh hưởng hiện vẫn chọn sống ở những nơi khác cách xa Fukushima vì lo ngại về những tàn dư của hạt nhân vẫn còn đó.

Theo tờ Asahi, bên cạnh nỗi lo về nhiễm xạ, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, dịch vụ công và mô hình cộng đồng chính là lý do khiến những người dân chưa quay trở lại khu vực cũ. Một khảo sát được thực hiện bởi chính quyền Fukushima cho thấy tới gần 50% dân cư không có kế hoạch quay trở lại chính ngồi nhà trước kia của mình.

Tại Namie, một thị trấn nhỏ nằm ở phía bắc của lò hạt nhân, một ngôi trường liên cấp mới có tên Namie Sosei đã được xây dựng và bắt đầu tuyển sinh từ tháng 1 năm nay. Song, tính đến nay, mới chỉ có 10 học sinh đăng ký đi học. Thị trấn trước đây từng có tới 20.000 nhân khẩu, giờ chỉ còn khoảng 500 người trở về kiến thiết đời sống mới.

Cần nhiều hơn những nỗ lực tái thiết của chính phủ

Japan Times đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một chuyến thăm đến tỉnh Fukushima hôm 10-3 đã bày tỏ quyết tâm của chính phủ trong việc tăng cường các nỗ lực tái thiết tại đây. "Vẫn còn rất nhiều người phải sống cuộc sống sơ tán đầy khó khăn. Chúng tôi sẽ tăng tốc độ tái thiệt", ông nói. 

Tại đây, Thủ tướng Nhật Bản cũng tham dự lễ khánh thành một phần của con đường cao tốc 45 kim nối liền Soma và Fukushima, một trong những dự án tái thiết do chính phủ thực hiện. 7 năm sau thảm họa, những chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển đã được thực hiện trở lại tại thành phố biển Soma. 

Ông Shuyo Shiga chia sẻ với phóng viên về dự án phục hồi vùng Okarawa. Ảnh: The Guardian

Thế nhưng, theo Asahi Shimbun, bài toán đặt ra cho chính phủ Nhật Bản giai đoạn này không đơn thuần là xây dựng và tái thiết cơ sở vật chất, mà là hoàn thiện tiện ích đời sống và dịch vụ công cho những người dân lựa chọn quay trở về, trong đó bao gồm việc tạo công ăn việc làm cho những người chọn trở lại. Fukoshima hiện vẫn chưa có tàu điện, các cửa hàng mua sắm còn rất hạn chế, nhu cầu của người dân còn quá ít, khiến việc kinh doanh tư nhân trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều trong số những người sơ tán hiện nay là người cao tuổi, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt cộng đồng cao, trong khi những yếu tố này tại các khu tái thiết lại đang thiếu hụt, dẫn tới việc những người dân lựa chọn ở các căn nhà tạm thay vì sống cô đơn và thiếu thốn tại nơi mà họ từng cư ngụ trước đây. 

Một người dân quay trở lại thăm chính ngồi nhà cũ của mình tại Namie. Ảnh: FT

Ông Shuyo Shiga, chủ nhiệm Dự án Phục hồi vùng Okarawa cho biết, song song với tiến trình khử nhiễm xạ đang được tiến hành ở khu vực lân cận nhà máy thuộc phía Đông thị trấn, chính quyền địa phương và người dân đang triển khai kế hoạch tái thiết khu vực gồm xây dựng một khu phố nhỏ, trong đó có trụ sở làm việc, nhà ở, khu vực buôn bán, công viên…

Tại Iitate, một chương trình kết nối cộng đồng mang tên "Furusato Juminhyo" sẽ sớm được đưa vào thực hiện, theo đó tạo cơ hội cho những người sống ngoài khu vực mong muốn được hỗ trợ thị trấn này và sẵn sàng sinh sống tại đây, hướng tới xây dựng một cộng đồng dân cư mới. 

7 năm qua, chính sức sống kiên trì và bền bỉ của người Nhật cùng tinh thần dân tộc đã giúp họ vươn lên, vượt qua đau thương và dần tìm kiếm lại cuộc sống tưởng như đã mất đi của mình. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng chắc rằng, mỗi người dân Nhật đều đang nỗ lực từng ngày để khôi phục mất mát, xoa dịu đau thương, từng bước kiến thiết cuộc sống.

An Nhiên (T.H)
.
.
.