Xuân về bên chân đèo Sa Mù

Thứ Năm, 11/02/2021, 13:02
Đèo Sa Mù cao gần 1.400m so với mực nước biển, giáp biên giới Việt – Lào qua huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hai đầu chân đèo này là xã Hướng Phùng và Hướng Việt với chủ yếu người đồng bào Vân Kiều sinh sống. Những năm qua, đời sống của người dân nơi đây ngày một đi lên nhờ việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông – lâm nghiệp hiệu quả.

Tuy nhiên, đợt mưa lũ cuối năm 2020 đã khiến hầu hết gia đình trở nên khó khăn. Để người dân không bị thiếu đói, đặc biệt đón một cái Tết ấm cúng như mọi năm, bên cạnh chính quyền địa phương, hàng trăm tấm lòng từ thiện cũng đã hướng về đây giúp đỡ, chia sẻ với người dân.

Hướng Phùng nằm bên này Sa Mù, từ ngã ba Tượng đài chiến thắng Khe Sanh – Hướng Hóa theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào khoảng 30km. Đây được xem là thủ phủ cây cà phê của miền Trung, với đặc sản cà phê Catimor có mùi hương rất quyến rũ, vị đắng vừa phải lẫn chút vị chua thanh ấm của chanh đào khiến ai từng một lần nhâm nhi khó lẫn vào đâu được. Từ thế mạnh cây cà phê, người dân Hướng Phùng từng bước thoát đói nghèo.

Đặc biệt năm 2019 xã này có thu nhập bình quân đầu người/năm cao nhất các địa phương vốn thuộc xã vùng khó của huyện này, với gần 20 triệu đồng… Song, mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 đã giáng xuống người dân, quét sạch của cải bà con ky cóp được bấy lâu. Không ít hộ gia đình bỗng trở nên trắng tay chỉ sau một đêm mưa trắng trời đất.

Dẫn chúng tôi đi thăm bản làng, ông Hồ Văn Khưn, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng kể lại: “Sau mưa lũ mọi thứ đều ngổn ngang. Nhiều ngôi nhà đổ sập hoặc xiêu vẹo, bị chôn sâu dưới lớp bùn đất, đá dày cả mét. Xung quanh núi rừng đều bị sạt lở, đất, đá đỏ au. Nhiều cây rừng to trôi xuống, chắn hết đường đi. Đường cũng bị sạt, đứt nhiều điểm...”.

Ông Khưn bỗng ngưng câu chuyện, quan sát một tốp thanh niên đang tích cực vận chuyển vật tư, vật liệu dựng lại nhà cho mẹ Hồ Thị Lay bị mưa lũ làm sập ở thôn Choa. Ông trầm ngâm kể tiếp: “Bây giờ thì khác 2 tháng trước nhiều rồi. Nhà mẹ Lay là căn cuối cùng trong số hơn 30 căn bị mưa lũ làm sập đổ được dựng mới hoàn toàn.

Buổi bình minh, tiếng con Sơn Ca hót trên cây hoa Trẩu nở trắng những góc rừng như réo gọi mùa Xuân đang đến gần. Sau mùa bão lũ, núi rừng lại yên ả như ru. Cô gái Vân Kiều Hồ Thị Nở, cán bộ xã Hướng Phùng vui vẻ dẫn chúng tôi lội qua suối Xa Ry cắt qua bản làng này để đến thôn Cợp kế bên. Giọng cô bỗng chùng lại: “Những trận mưa lũ vừa qua cùng hậu quả kinh hoàng của nó không ai ở đây có thể quên được. Đặc biệt sự mất mát, hy sinh của Bộ đội, Công an là quá lớn đối với bà con dân bản chúng tôi. Sau khi 22 Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 – Quân khu 4 bị lở núi vùi lấp, Đại úy Công an Trương Văn Thắng cũng hy sinh khi đi cứu dân ở Hướng Việt bị lũ quét, lở núi cô lập, chúng tôi cảm thấy bị mất đi những người thân yêu thực sự của mình”.

Cô lau khóe mắt rồi nói tiếp: “Tất cả các anh đều đã được tìm thấy, đưa về quê hương ở miền xuôi. Các anh không còn ở đây nữa nhưng linh hồn các anh thì sống mãi với chúng tôi!”.

Tranh thủ cái nắng ấm hiếm hoi của ngày đầu Xuân, già làng Vỗ A Hòe ở bản Cợp, lưng mang A Chói, tay cầm rựa, chân thoăn thoắt vào rừng. “Gạo, thực phẩm đều có cả rồi, bà con miền xuôi mang lên cứu trợ sau mưa lũ. Chừ (bây giờ) bố vào rừng chặt cây đoác để làm ít rượu, hái ít lá chuối rừng về gói bánh chưng để cúng Bộ đội, Công an ba ngày Tết này. Bộ đội, Công an cứu giúp dân của bố trên này vừa hy sinh đó!”, già Hòe bộc bạch.

Chia tay già Hòe và người dân bản Cợp, chúng tôi tiếp tục ngược lên xã biên giới Hướng Việt. Rừng Trường Sơn mùa này không chỉ có màu trắng tinh khôi của hoa Trẩu, mà còn có màu lá đỏ bạt ngàn của cây Sau Sau, đẹp như tranh vẽ. Bỗng nhớ tới bài hát Lá Đỏ của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp: Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ. Bao năm sau chiến tranh, biết bao sức người sức của đã giữ cho núi rừng Trường Sơn trùng điệp này mãi được xanh tươi.

Trở lại Hướng Việt, chúng tôi nhớ mãi lời tâm sự của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hồ Văn Vọng: “Sự hy sinh của người miền xuôi và người miền ngược bảo vệ cho sự thanh bình của những quê hương nơi vùng núi non này là không thể nào kể hết được. Chỉ biết rằng, sự hy sinh đó sẽ tồn tại vĩnh hằng như sự tồn tại của núi đá, cây rừng cùng sự bảo bọc, chở che của con người, với trời đất. Sự hy sinh đó, bất kể lúc nào, trong chiến tranh, hay trong thời bình, đều được nhân dân ghi nhớ. Nhân dân không bao giờ quên bất kỳ một điều gì cả!”.

Lan Hồ Điệp được trồng thử nghiệm thành công ở đèo Sa Mù.

Chiều muộn, ông Vọng dẫn chúng tôi đi xem không khí ngày Tết của những bản làng. Mặc dù hầu hết nhà cửa của bà con vừa mới được sửa sang lại sau các trận mưa lũ tháng 10 và 11/2020 làm sập đổ, xiêu vẹo, bùn đất, đá phủ lấp nền nhà dày hàng mét. Bản làng vẫn không khí Tết rất rộn ràng. Ngồi quây quần cùng con cháu bên bếp lửa nhà sàn, già làng Vỗ A Đin, bản Tà Rùng nói chậm rãi: “Tưởng năm nay không có Tết, nhưng các cháu Công an, Bộ đội Biên phòng và rất nhiều đoàn từ thiện mỗi ngày, không chỉ giúp dựng lại nhà mới, vệ sinh làm sạch đường sá đi lại, nhà văn hóa cộng đồng, mà còn giúp đỡ, hỗ trợ bà con rất nhiều quà. Bố và bà con vui cái bụng lắm!”. Con dâu già Đin, chị Hồ Thị Hứa cười tươi, nói xen vào: “Cán bộ ạ, miềng (mình) và bà con tưởng không có Tết, nhưng rồi Tết năm nay còn to hơn cả mọi năm”.

Nghe bà con tâm sự, ông Vọng khoe rằng, bà con mới gượng dậy sau mưa lũ, khó khăn trước mắt vẫn còn rất nhiều, song với ý chí, quyết tâm của toàn thể nhân dân và Đảng bộ, chính quyền địa phương, nhất định Hướng Việt sẽ sớm vượt qua được khó khăn, ổn định lại cuộc sống để vươn lên. Ông cũng bộc bạch rất muốn được huyện, tỉnh hỗ trợ chương trình trồng hoa kiểng ở một số điểm thuộc đèo Sa Mù, cũng như làm thương hiệu cho các sản phẩm làm ra từ người nông dân, đại khái giống như huyện, tỉnh đã chọn Hướng Phùng ở lân cận để làm thí điểm. Bởi làm được như vậy, nhất định người dân Hướng Việt sẽ có thêm nguồn thu đáng kể, đồng thời tránh được những rủi ro do lâu nay vốn chỉ độc canh, độc cây, độc con… 

Thanh Bình
.
.
.