Làm gì để tiềm năng du lịch vùng Đông Bắc biến thành... tiền?

Thứ Năm, 08/12/2016, 08:57
Vùng Đông Bắc (các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn) là nơi rất giàu tiềm năng du lịch bởi ngoài danh lam thắng cảnh hùng vĩ như hồ Ba Bể, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao còn có nhiều di tích lịch sử đặc biệt như hang Pác Bó, suối Lê Nin... Tuy nhiên, nhiều năm nay, du lịch vùng Đông Bắc hầu như không có sản phẩm độc đáo để hút khách du lịch…

Thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao nằm ở huyện Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Từ  TP Cao Bằng tới thác Bản Giốc gần 100km nhưng đường đi được trải nhựa phẳng phiu, không những thế còn có tuyến xe buýt nên đi lại khá dễ dàng. Giờ đây đến thác Bản Giốc không chỉ để ngắm cảnh hùng vĩ của thác, của sông; vào động Ngườm Ngao chiêm ngưỡng những cột nhũ đá chống trời, đàn đá, du khách còn có một nơi du lịch tâm linh nữa là chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc được xây dựng khang trang trên ngọn núi Phia Nhằm, cách thác Bản Giốc khoảng 500m.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở đây còn rất nhiều hạn chế, hầu như chưa có gì, du khách tới đây tham quan xong cũng không có bất kỳ một dịch vụ gì, không có khu vui chơi, giải trí, không có các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ cho du lịch.

Ông Linh Đức Huỳnh, Giám đốc Công ty CP Du lịch Cao Bằng, đơn vị đang quản lý và khai thác thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao cho biết, trung bình, lượng khách du lịch đến với thác Bản Giốc đạt khoảng 60 nghìn lượt người/năm, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Tính đến năm 2015, trên địa bàn huyện đã có 13 cơ sở lưu trú du lịch được thẩm định xếp hạng. Tuy nhiên, quá trình khai thác còn bộc lộ hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng; việc đầu tư hạ tầng du lịch còn nghèo nàn, các dịch vụ ít được quan tâm. Phương án khai thác nguồn tài nguyên du lịch chỉ mang tính tạm thời chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch tại địa phương…

Một địa danh nổi tiếng khác là Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia Pác Bó, nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi gắn với hoạt động của Bác Hồ trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945). Vào những ngày cuối tuần, du khách các tỉnh đến với Khu di tích Pác Bó tương đối đông, tuy nhiên đa phần khách đến tham quan đi 1 lượt vào hang rồi theo lối ra tham quan khu vực suối đầu nguồn với Bàn Đá nơi Bác Hồ ngồi làm việc, vườn cây, hay chỗ Bác Hồ thường ngồi câu cá rồi ra về.

Với một hành trình dài đi mấy trăm kilômét để về nguồn tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của vùng đất này là rất thú vị, nhưng du khách không khỏi hụt hẫng khi giờ đây xe ôtô chạy thẳng vào khu vực suối Lê Nin, du khách muốn chụp một tấm hình đứng bên suối Lê Nin - núi Các Mác mà không có không gian, bởi xe đã đậu kín chỗ…

Thác Bản Giốc, nơi thu hút khách du lịch của Cao Bằng.

Trên cung đường Đông Bắc còn có Vườn quốc gia Ba Bể, có hồ Ba Bể. Hay qua Lạng Sơn tới thăm dấu tích Thành nhà Mạc, động Tam Thanh, Nhị Thanh hay tới các khu cửa khẩu sầm uất cũng là một trong những điểm hấp dẫn trên hành trình tour Đông Bắc. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy du lịch các tỉnh Đông Bắc vẫn chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của các điểm đến dẫn tới tình trạng tiềm năng vẫn còn nguyên, chưa biến được tài nguyên thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với vùng đất này.

Bà Đặng Thị Út Vân - Giám đốc Vietstreet Travel cho biết, Vietstreet Travel mở tour hồ Ba Bể - hang Pác Bó - thác Bản Giốc được 2 năm. Tuy nhiên chương trình chạy thẳng rất ít, do trong cung đường Đông Bắc các điểm đến độc lập với nhau, điểm lưu trú ít và thiếu dịch vụ đạt chuẩn. Khách của công ty khi tới đây hầu hết đều rất thích về thiên nhiên, cảnh quan, cung đường này rất đẹp tuy nhiên lại không hài lòng về dịch vụ, sản phẩm du lịch ở đây hầu như chưa có gì, không tạo được dấu ấn với du khách để khách quay trở lại.

Trực tiếp tham gia khảo sát để xây dựng tour du lịch, anh Bùi Nguyễn Vi Đông - Công ty Du lịch Long Phú (Phú Yên) cho rằng cảnh quan, cuộc sống, văn hoá vùng Đông Bắc rất hấp dẫn nhưng địa phương chưa biến được các tiềm năng tự nhiên thành sản phẩm du lịch, quảng bá còn kém, chưa tạo được dấu ấn để du khách tìm đến. Vì vậy các điểm đến nên xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Theo anh Đông, cung đường từ Lạng Sơn đi Cao Bằng rất ngắn nếu 2 tỉnh đầu tư làm hạ tầng giao thông tốt sẽ rút ngắn, khoảng cách từ Hà Nội đi Cao Bằng khi đó sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí, giá tour sẽ hạ hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Lê Nguyễn Bảo Ly, Giám đốc VietNam Travel mart (Đà Nẵng) cho rằng, khách Đà Nẵng và khu vực miền Trung rất thích đi du lịch phía Bắc, nhưng hầu hết mọi người biết đến Hà Giang với hoa tam giác mạch và cung đường Tây Bắc nhiều hơn là đi cung đường Đông Bắc từ Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Lạng Sơn. Vì vậy ngành Du lịch các địa phương cần phối hợp với các đơn vị lữ hành, truyền thông để tìm được tiếng nói chung về phát triển và xây dựng sản phẩm.

Đơn cử, đi thăm thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao xong du khách rất muốn vào bản làng để trải nghiệm cuộc sống hay thưởng thức văn hoá của dân tộc Tày, Nùng và ẩm thực đặc trưng… Ngành Du lịch nên tuyên truyền và hướng dẫn bà con hiểu về du lịch và bắt đầu làm du lịch từ những việc nhỏ nhất, có thể cầm tay chỉ việc để mọi người hiểu, nhận thức đúng từ ban đầu sẽ rất tốt cho cộng đồng trong việc phát triển du lịch bền vững.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, để tiềm năng du lịch vùng Đông Bắc thành các sản phẩm du lịch hiện hữu, hấp dẫn du khách, các tỉnh cần hợp tác và xác định đã đầu tư cho du lịch thì phải làm thật sự, đầu tư có quy hoạch và chiến lược rõ ràng.

Đặc biệt, là sự kết nối vùng, kết nối với các đơn vị lữ hành bởi chính doanh nghiệp là những người đưa khách đến và biết được điểm mạnh, điểm yếu của địa phương để cùng nhau rút kinh nghiệm xây dựng sản phẩm được tốt hơn.

Lưu Hiệp
.
.
.