Chợ xuân “trên bến dưới thuyền”

Thứ Hai, 12/02/2018, 14:21
Mặc dù được “chia lửa” bởi hơn 100 chợ hoa xuân ở khắp các quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng mỗi độ Tết đến xuân về người dân Sài Gòn vẫn háo hức đến với chợ hoa “trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông, quận 8. Có đến nơi đây mới được “sống lại” cảnh Tết xưa, nơi ghi nét đặc trưng của người dân Nam Bộ.


1. Con đường Bến Bình Đông giờ đã khang trang hơn khi bờ kè dọc kênh Tàu Hũ được sửa sang lắp đặt lan can. Con kênh này vốn là rạch Chợ Lớn bị cạn, hẹp lại nên vào năm 1819 vua Gia Long hạ lệnh cho đào thành kênh và đặt tên là An Thông Hà.

Hình ảnh “Trên bến dưới thuyền”, ghe đầy ắp hoa kiểng khiến người dân nôn nao nhớ Tết xưa.

Với sự thuận lợi về đường thủy, có thể tránh được nguy hiểm và tiết kiệm chi phí chuyên chở, phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp. Ghe thuyền tấp nập giao thương nhất là khi dọc 2 con kênh này là các chành thu gom hàng, những nhà máy chà gạo, những kho gạo với việc mua bán sầm uất. Lúa từ các tỉnh miền Tây đổ về các nhà máy chà sát cho ra những hạt gạo trắng tinh, và từ đây gạo được xuất khẩu đi nhiều nước.

Giờ đây dọc con đường Bến Bình Đông dù nhiều căn nhà mang nét hiện đại, phục vụ cho cuộc sống mới của người dân mọc lên nhưng đâu đó vẫn thấp thoáng những căn phố cổ được hình thành từ 300 năm trước.

Lão Há, 71 tuổi, sống ở phường 14, quận 8, gắn bó với bến Bình Đông này. Những khi tết đến xuân về, lão lại lân la cùng nhóm bạn làm quen với khách thương hồ ca hát nhảy múa. Nhất là những ngày cận tết, ghe chở hàng tết, cây cảnh từ các tỉnh miền Tây đổ về, lão lại cùng đám bạn phụ khuân vác, buôn bán cây cảnh.

“Giờ ở đây thay đổi nhiều lắm rồi! Chợ hoa trên bến dưới thuyền cũng tấp nập nhưng không khí không như ngày xưa! Vài chục năm trước thì vào ngày tết tất cả mọi nơi đổ dồn về đây mua bông hoa về chưng tết, nay thành phố có nhiều điểm mua bán hoa cảnh, người mua có nhiều lựa chọn. Được cái nét văn hóa xưa vẫn còn giữ nên nhiều người dù nhà đã mua đầy hoa nhưng vẫn muốn tìm đến đây tìm lại dư âm xưa”-lão Há hồ hởi khoe.

2. Những cội mai vàng hé nụ dày đặc trong khoang thuyền, để tránh cái nắng của miền Nam, người nông dân dùng lá dừa quây kín để tránh cho hoa nở sớm. Bắt đầu từ 20 tháng Chạp, những chiếc ghe cỡ lớn chứa đầy hoa kiểng, những cội tắc trĩu quả lũ lượt xuôi theo bến Bình Đông thả neo, cột nèo dọc 2 bên phía bờ quận 8.

Những lái buôn chủ yếu là nông dân, người trực tiếp làm ra những chậu bông, cành hoa, quần áo còn vương mùi bùn đất, vương vị mặn mùi mồ hôi trễ nải bưng từng chậu hoa đưa lên bờ.

Anh Tám, quê Tiền Giang, người đã bao cái tết gắn bó với cái chợ hoa này cho hay: “Mấy năm trước hàng về bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Nay nhiều chợ hoa mọc lên nên lượng người đến bến Bình Đông mua hoa giảm đáng kể, chủ yếu là người đi tham quan, chụp hình! Bình thường là trưa 30 tết thuyền nhổ neo chạy một mạch về quê cũng kịp cùng gia đình bên mâm cơm đón giao thừa. Mấy năm nay, bán đến trưa 30 mà hàng vẫn còn, dù chợ đã tan nhưng gia đình cũng nán lại bán đến tối 30 mới quay ghe về, về đến nhà thì đã qua ngày mùng 1”.

Dù khó khăn là vậy nhưng không năm nào gia đình anh Tám không tham gia. Cứ khoảng rằm tháng chạp là mai, tắc, mồng gà, vạn thọ được gia đình anh chấp đầy ụ trên 3 chiếc ghe, cả gia đình gần chục người chuẩn bị hành lý xuôi dòng về bến Bình Đông.

“Không khí nhộn nhịp ở khúc sông này quá quen thuộc nên có những năm dù buôn bán không được, định nghỉ nhưng nhớ quá cảnh thuyền ghe dập dềnh trên sông lại tự an ủi, động viên nhau tiếp tục xuôi ghe đi bán”-Vợ anh Tám cho hay.

3. Ghe thuyền tấp nập dưới kênh, trên bờ dòng người lũ lượt đổ về, không khí xuân tràn ngập trên bến Bình Đông. Người mua kẻ bán, người hồ hởi vì chọn được chậu bông ưng ý giá rẻ. Vì đông đúc nhộn nhịp như vậy nên vào những ngày cuối năm đây là tâm điểm của người dân thành phố khiến tuyến đường này luôn rơi vào tình trạng kẹt cứng các dòng phương tiện.

Một cán bộ Công an phường 13 cho hay, trước kia chợ hoa trên bến Bình Đông còn lộn xộn, những người bán hoa thường là tự chọn điểm đậu ghe cho mình, ai đến trước đậu trước, ai đến sau thì chấp nhận đậu ghe xa hơn.

Tuy nhiên từ ngày UBND quận 8 quy hoạch lại chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” phân từng ô cho những người đăng ký buôn bán nên không xảy ra tình trạng mất trộm tài sản, tình trạng bát nháo cũng không xảy ra. Công an quận 8 còn phối hợp với Công an quận 5, quận 6 kiểm tra phương tiện thủy tại khu vực chợ hoa Bến Bình Đông, đặc biệt là ngày 30 Tết để tránh tình trạng người dân mang hoa bày bán trên đại lộ Võ Văn Kiệt (phía đối diện với bến Bình Đông) gây mất an ninh trật tự.

Một không gian truyền thống, một nét đẹp văn hóa xưa mà chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông góp vào không khí xuân một nét hoài niệm đẹp, mà ai sống tại TP Hồ Chí Minh cũng đều muốn có mình trong đó. Những hình ảnh mang đậm nét văn hóa Nam Bộ còn lưu giữ trong 300 năm mà khi nhắc đến hay kể với nhau trong những ngày xuân ai cũng trầm ngâm xen lẫn với niềm tự hào.

Hình ảnh “Trên bến dưới thuyền” sẽ còn mãi trong lòng người dân phương Nam, cho dù có đi xa, đến những ngày tết họ đều ao ước mong muốn trở về, tìm lại kỷ niệm xưa qua những hình ảnh dòng sông, con thuyền. Đặc biệt là những con thuyền đầy ăm ắp hoa, rực rỡ trong ngày tết nhộn nhịp trên kênh Tàu Hũ như báo hiệu một năm sung túc, an khang, hạnh phúc.

Minh Đức
.
.
.