Để Tây Nguyên phát triển bền vững

Thứ Ba, 22/09/2015, 07:56
Tây Nguyên là vùng chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng, có nhiều thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế bền vững, tạo sức lan tỏa trong khu vực... nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất cập...

Bà Rơ Châm HYéo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai là người đã sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, gắn bó mật thiết với nhân dân, buôn làng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Qua nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng lần này, bà Rơ Châm HYéo cho biết, để đưa Tây Nguyên phát triển kịp với vùng đồng bằng và cả nước, những năm tiếp theo Đảng ta cần có chính sách tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng Tây Nguyên để rút ngắn khoảng cách giao thương, tạo sự liên kết vùng miền một cách thuận tiện.

Ông Kpă Đô và Bà Rơ Châm HYéo.

Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải tập trung có hệ thống và đảm bảo chất lượng công trình, tránh để xảy ra trường hợp công trình mới làm đã hỏng, gây thất thoát tiền của Nhà nước mà hiệu quả đem lại cho cuộc sống nhân dân không cao.

Mặt khác, vấn đề quan trọng là đầu tư phát triển nguồn lực con người ở Tây Nguyên để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới. Trước mắt phải có chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số tại chỗ. Ở các tỉnh Tây Nguyên, huyện nào cũng có trung tâm đào tạo nghề, hằng năm tiêu tốn Nhà nước không ít tiền của nhưng hiệu quả đem lại không như mong muốn. Nghề mà người dân Tây Nguyên cần phải phù hợp với văn hóa, tập quán, trình độ dân trí của đồng bào mình và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. Họ cần có những công nhân làm nghề cạo mủ cao su giỏi, biết cách trồng chăm sóc cà phê, cao su, hồ tiêu, làm rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế...

Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho rằng:  Cần đặt ra chiến lược đào tạo con người cho Tây Nguyên mới giải quyết bài toán đói nghèo có tính bền vững. Để giải quyết vấn đề này, cần có chính sách đặc thù về giáo dục đào tạo vùng sâu, vùng xa.

Thứ nhất, trước mắt phải đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu xã hội, phù hợp với văn hóa, phong tục, trình độ, gắn với việc tuyển dụng của từng doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, người sử dụng và phải có sự ràng buộc nhất định giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Thứ hai, đào tạo đội ngũ trí thức cho người dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương. Tại sao chúng ta không tập trung đào tạo những cán bộ kỹ thuật, kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, bác sĩ thú y... người dân tộc thiểu số thành thạo tiếng dân tộc, biết văn hóa dân tộc để đưa về công tác lâu dài ở các xã, buôn làng mà làm thay đổi cuộc sống của nhân dân. Lâu nay chúng ta vẫn đào tạo theo kiểu mạnh ai nấy làm, ai thích gì học nấy, ra trường tự tìm việc làm và thất nghiệp nên lãng phí vô cùng. Trong khi đó, thực tế tại các buôn làng Tây Nguyên rất thiếu cán bộ người dân tộc thiểu số thành thạo ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương và có trình độ khoa học kỹ thuật để giúp đồng bào xóa nghèo...

Ngọc Như (ghi)
.
.
.