Đất lúa là di sản, không thể ‘xẻ thịt’

Thứ Năm, 11/06/2015, 11:21
Trước hiện trạng “xẻ thịt” đất lúa làm công xưởng, nhà máy, Bộ trưởng Nông nghiệp, Phát triển nông thôn Cao Đức Phát xác định đất lúa là di sản dân tộc, cần phải gìn giữ, bảo vệ…
Khai màn phiên trả lời chất vấn sáng nay là “Bộ trưởng nhà nông” Cao Đức Phát. Nhiều người quan gọi “người cũ” bởi hầu như kỳ nào ông cũng có mặt để giải đáp vô số những câu hỏi, từ sản xuất lúa gạo, hoa màu, hệ thống thủy lợi, đê điều đến ngư dân ra khơi bám biển, rồi xuất khẩu nông sản, giao đất trồng rừng…

Câu hỏi dành cho “Bộ trưởng nhà nông” dù không quá gay gắt bởi đa phần không mới nhưng lại có tính “điệp khúc”, đại biểu hỏi và Bộ trưởng “nợ” từ những kỳ chất vấn trước.

Như thường lệ, các “cây chất vấn” như đại biểu Danh Út, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Huỳnh Văn Tiếp, Đỗ Văn Đương… đều có chất vấn tới Bộ trưởng Cao Đức Phát ngay trong phiên khai màn sáng nay.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn sáng nay.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi “chuyện cũ” về cây, con giống. Bà nói, câu hỏi này đã được đề cập nhiều lần, ở ta rất thuận về nông nghiệp, về gieo, ươm cây giống, nuôi con giống nhưng tại sao người nông dân vẫn phải chịu cảnh “ăn đong”, không có cây, con giống tốt, ổn định, hiệu quả.

Đại biểu Danh Út xoay lại vấn đề “trên thông, dưới nghẽn”, đó là chính sách ưu đãi cho nông dân vay vốn được Quốc hội, Chính phủ thông qua, chủ trương rõ ràng nhưng hàng năm trời vốn vẫn không tới được tay nông dân, nếu có cũng rất chật vật.

Chuẩn bị khá nhiều văn bản nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát chưa lật vẫn nhớ được khá nhiều sồ liệu. “Bao giờ người nông dân làm giàu được từ sản xuất lúa”? Câu hỏi này trả lời không dễ vì cũng đã khá nhiều chất vấn tương tự dành cho ông trong các kỳ họp trước, kể cả những Bộ trưởng tiền nhiệm.

Bộ trưởng Phát cho biết, để ổn định cuộc sống, mỗi hộ nông dân cần khoảng 2ha đất trồng lúa, thế nhưng ở ta quỹ đất không nhiều, bình quân chỉ có 0,5ha mỗi hộ. Mức đó là thấp và khó thể nói canh tác đủ đầy, do đó yếu tố đang làm là xen canh, tăng vụ, nâng cao hiệu suất. Nhưng ngay cả khi sản xuất được lúa chất lượng cao thì đầu ra cũng không thuận.

Bộ trưởng Phát tính toán mức giá lúa bình quân hiện chỉ 4,2 nghìn đồng/kg, trừ chi phí người dân lãi có 1 nghìn đồng. Thấp như vậy thì làm sao làm giàu được. Tuy nhiên, giải pháp ra sao thì chưa thấy Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời.

Chính bởi vậy, khi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý cho hỏi thêm, ngay lập tức đại biểu Danh Út, Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục truy vấn ngay. Đại biểu Lê Công Đỉnh truy: “Tỷ lệ nâng cao lúa chất lượng tốt không đạt do thị trường thay đổi hay do khâu dự báo kém, trách nhiệm do ai, có phải do người nông dân?”.  

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho người nông dân trồng lúa, dù tỷ lệ xuất khẩu gạo của ta luôn đứng top đầu. “Tôi nghĩ Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách sẽ có nguồn lực mới hỗ trợ cho các tỉnh, cho bà con” – Bộ trưởng cho hay.  

Nói về việc đất lúa bị “xẻ thịt”, chuyển làm sân golf, nhà máy, công xưởng…, Bộ trưởng Phát quả quyết, Chính phủ đã có chủ trương giữ đất lúa, không được chuyển đổi, việc này phải làm nghiêm. “Đất lúa là di sản dân tộc, đất lúa chỉ có vậy, ta không thể tăng thêm được. Ta phải bảo vệ, gìn giữ” – ông nói.

Nhìn chung, phiên chất vấn sáng nay đã xoáy đúng vấn đề cử tri quan tâm và cũng hóa giải được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, cũng như các kỳ trước, các giải pháp do Bộ trưởng đưa ra vẫn chưa làm hài lòng đại biểu khi còn sự chung chung và thiếu tính căn cơ.

“Tôi vẫn chưa hài lòng ở các giải pháp Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra, nếu chỉ có vậy thì vẫn chỉ là vòng luẩn quẩn” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ trước ống kính báo chí, truyền hình trong giờ giải lao sáng nay.

Đ.Minh
.
.
.