Ai ‘cầm trịch’ việc trưng cầu ý dân?

Thứ Tư, 24/06/2015, 09:41
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân, nhằm thể chế hoá thêm một bước quan điểm chính quyền là của nhân dân và quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.

Chiều 23/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Mặc dù việc trưng cầu ý kiến nhân dân trong các việc hệ trọng của đất nước đã được quy định trong Hiến pháp từ 1946 đến nay, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội xây dựng dự án luật này, nhằm thể chế hoá thêm một bước quan điểm chính quyền là của nhân dân và quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.

Nội dung nào cần trưng cầu?

Với tư cách là người đã nghiên cứu khá kỹ về chế định trưng cầu dân ý khi xây dựng Hiến pháp 2013, đồng thời tham khảo ý kiến của nhiều nhà lập pháp, chuyên gia luật trên thế giới, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng: Nói đến trưng cầu ý dân là nói đến sự gắn kết, đáp ứng yêu cầu của nhân dân với Nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tham gia quyết định một số vấn đề quan trọng của Nhà nước.

Quốc hội họp thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Ảnh: TTXVN.

Do đó, trước hết phải xác định tư tưởng chủ đạo là trưng cầu theo hướng nào. Căn cứ vào tình hình thực tế, Việt Nam là nước chưa từng làm việc này, người ta cho rằng nên mở ra thận trọng, không nghiêng về quá bảo thủ, cũng không quá dễ dãi. Dân chủ trực tiếp chỉ nên mở ra khi dân chủ đại diện chưa đảm bảo tính công lý, công bằng, công khai.

Thông thường, các nước trên thế giới thường trưng cầu dân ý về: Hiến pháp; những vấn đề về Hiến pháp; trưng cầu về luật (ví dụ hạn chế quyền công dân, tăng thuế hay hôn nhân đồng tính...); về lãnh thổ (như chia tách đơn vị hành chính); về quan hệ quốc tế (như tham gia hay rút khỏi 1 cộng đồng quốc tế, sử dụng đồng tiền chung...). Ở Việt Nam, những vấn đề nào sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân là một chủ đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Về những vấn đề đưa ra trưng cầu dân ý, đa phần các đại biểu thống nhất không nên quy định quá chi tiết, sẽ không bao quát, mà nên để các chủ thể có thẩm quyền kiến nghị trưng cầu dân ý xác định. Tuy nhiên, về phạm vi vẫn có những quan điểm khác nhau.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu ví dụ, nếu cho rằng việc xây nhà máy điện hạt nhân chỉ có tầm ảnh hưởng khu vực nên đưa ra lấy ý kiến người dân khu vực đó là nhầm lẫn, mà phải chia ra 2 cấp độ. Phải trưng cầu ý dân về chủ trương có xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay không. Còn việc xây dựng ở khu vực nào, thì mới đưa ra lấy ý kiến nhân dân khu vực đó.

Đây cũng là ý kiến được nhiều đại biểu nhất trí. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Ngọc Niễn lại bày tỏ quan điểm không đồng ý với điều này vì tính chất và hệ quả pháp lý của việc lấy ý kiến nhân dân khác hoàn toàn với trưng cầu ý dân. Trong khi trưng cầu ý dân có ý nghĩa quyết định, thì lấy ý kiến nhân dân có khi chỉ là tổ chức 1 cuộc họp mà số người dự họp không được quy định, ý kiến chỉ có tính chất tham khảo.

Phải đảm bảo công lý cho “người yếu thế”

Có quan điểm cho rằng tố tụng hành chính là “dân kiện quan”, tức là khiếu kiện một quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền, các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Bộ luật này đều cho rằng phải thiết kế làm sao để bảo vệ bên đi kiện (là người yếu thế) từ khâu khởi kiện, tranh tụng, xét xử và thi hành án.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng: Khi Bộ luật Tố tụng hành chính lần đầu tiên có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, nhiều người dân đã từng mong đợi sẽ có một bước chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các vấn đề khiếu kiện kéo dài liên quan đến các quyết định hành chính, góp phần thúc đẩy nền hành chính công ngày càng minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.

Qua thực tế 4 năm, kỳ vọng đó đã không đạt được như mong muốn. Người dân vẫn còn e ngại việc phải khởi kiện ra Tòa án hành chính, vì băn khoăn về tính khách quan trong xét xử. Người dân vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn, khiếu kiện vẫn bị kéo dài và không có điểm dừng. Do đó, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hành chính lần này là rất cần thiết và phải tìm được những quy định để hóa giải được những trở ngại trên.

Đại biểu Hùng cho rằng, quy định về khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án "Loại trừ các quyết định hành vi của Tòa án trong việc áp dụng các biện pháp để ngăn chặn các hành vi cản trở tố tụng" và "Loại trừ các quyết định hành vi hành chính mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức” là hạn chế quyền công dân của người khởi kiện. “Tất cả các quyết định hành chính, hành vi hành chính đều là đối tượng giải quyết của đối tượng Tòa hành chính khi có khởi kiện, chỉ trừ các quyết định có liên quan đến bí mật quốc gia, các lĩnh vực quân sự, an ninh, đối ngoại theo quy định của pháp luật” – đại biểu Hùng nêu ý kiến.

Về thẩm quyền của tòa án các cấp, đại biểu Hùng bày tỏ nhất trí cao với quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý, giải quyết các khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện; và trong trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là “tất yếu”, để đảm bảo tính khách quan, độc lập trong xét xử, đảm bảo cho người dân tin tưởng vào sự khách quan của tòa án. Thậm chí, đại biểu Hùng còn băn khoăn “bản lĩnh của Thẩm phán cấp tỉnh có đủ vượt qua tình thế khó, để khách quan, vô tư khi thi hành công vụ” hay không, khi “thực tế chúng ta thấy, không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ Tòa án, cũng đang phấn đấu vì cấp trên nhiều hơn phấn đấu vì dân, gần quan, xa dân”.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu khắc phục những tình hình trên, bởi nếu “Quốc hội biết Thẩm phán cấp tỉnh sẽ rơi vào tình thế khó có thể khách quan, vô tư, nhưng vẫn giao nhiệm vụ cho họ, trước tiên là sai phạm của người làm luật. Sai phạm có thể bắt nguồn ngay từ các điều luật”.

Vũ Hân - Quỳnh Vinh
.
.
.