Quốc hội chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

Y tế lo y đức, Ngân hàng lo nợ xấu

Thứ Tư, 14/11/2012, 08:56
Ngày thứ hai Quốc hội chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dù nhiều lần thừa nhận nợ xấu ngân hàng phức tạp cũng như lý giải việc chuyển đổi vàng miếng là đúng chủ trương, nhưng các chất vấn tiếp tục đặt dấu hỏi. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước khi kết thúc phiên buổi chiều vẫn còn “nợ” Quốc hội những bức xúc về y đức y tế, sẽ tiếp tục phần trả lời vào sáng 14/11.

Thống đốc  Nguyễn Văn Bình: Lĩnh vực ngân hàng có chuyện lợi ích nhóm

Nhiều lần đại biểu truy vấn việc có lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng và kinh doanh vàng hay không, đến cuối phiên chất vấn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận: đúng là có lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, với vấn đề vàng thì không.

Phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình xoay quanh quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu và tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đặt câu hỏi về vấn đề chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, đại biểu Dương Hoàng Hương cũng đề nghị Thống đốc cho biết trong dân có bao nhiêu vàng.

Thống đốc Bình thừa nhận, trước đây có hiện tượng đầu cơ buôn vàng qua biên giới, 1 năm có từ 10 đến 30 tấn vàng buôn lậu, dẫn tới giá vàng thị trường chợ đen tăng lên ảnh hưởng hoạt động kinh tế. Khi vàng trở thành hàng hóa bình thường thì buôn bán vàng miếng coi như hàng hóa bình thường. Chính môi trường pháp lý không rõ nên việc quản lý vàng miếng rất bất cập. Từ khi Nghị định 24 ra đời, hoạt động vàng miếng bước đầu đạt mục tiêu đề ra, vàng buôn lậu qua biên giới được ngăn chặn, thị trường ngoại tệ và vàng ổn định. “Nay, vàng miếng là kinh doanh có điều kiện, Nhà nước không khuyến khích nên không thuộc diện phải bình ổn giá” - ông Bình nói. Ông viện dẫn, vàng trong dân hiện nay đọng từ 250 đến 300 tấn, tương đương 15 tỉ USD.

“Tại sao không quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu vàng”, đại biểu  Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa –Vũng Tàu) bức xúc khi lo ngại liệu có “lợi ích nhóm” trong việc này. Thống đốc NHNN lý giải, đã là hàng hóa thì phải quản lý chất lượng bằng luật, phải xây dựng hệ thống pháp lý để quản lý mặt hàng này tốt hơn. Để từng bước chấn chỉnh chất lượng vàng miếng (SJC), theo Thống đốc Bình, SJC đã được thị trường lựa chọn trong những năm qua có 90% là mác SJC để làm cơ sở thương hiệu.

Không hài lòng cách trả lời về việc dập vàng miếng  mang thương hiệu SJC, ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bức xúc, mức giá 50.000 đồng mỗi miếng là quá cao so với 7.000- 8.000 đồng trước đây. Nhưng Thống đốc Bình quả quyết, chưa bao giờ có giá 7-8 ngàn đồng?! Ông nói, mức 50.000 đồng là hoàn toàn hợp lý. Đại biểu Vinh tiếp tục “vặn”, phải lành mạnh hóa thị trường vàng theo cơ chế thị trường. Thống đốc Bình lý giải, cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý, quan hệ mua bán, từ nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông vàng miếng nhằm lành mạnh hóa thị trường vàng Việt Nam. Nếu để liên thông với giá vàng thế giới thì không được. Ta mất nhiều công sức mới ổn định được nhằm tránh đầu cơ. Không có chuyện liên thông giá vàng thế giới.

Lo lắng về vấn đề nợ xấu đang làm tắc nghẽn nền kinh tế, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết về giải pháp xử lý. “Từ tháng 8/2011 nợ xấu ngân hàng tăng nhanh. Thời gian qua tăng trưởng tín dụng quá nóng, dẫn tới nợ xấu”, Thống đốc Bình nói. Để xử lý nợ xấu, phải cơ cấu lại nợ, sau 6 tháng kết quả rất ấn tượng, đến 30/9 là 252 ngàn tỉ đồng (xấp xỉ 8%). “Nếu không quyết liệt sẽ là một con số cao hơn nhiều”, ông Bình cho biết.

Ngắt lời Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội nhắc chuyện nợ xấu của các tổng công ty xây dựng, phương án giải quyết. Thống đốc Bình giải thích, 1 hộ gia đình quyết định mua nhà sẽ được hỗ trợ tín dụng (93 ngàn tỉ đồng đầu tư XDCB, tương đương 30% nợ xấu), sẽ tìm biện pháp cùng chính quyền địa phương giải quyết để tháo gỡ. Chủ tịch Quốc hội hỏi: “Sự phối hợp giữa các Bộ thế nào”, Thống đốc chia sẻ: “Các Bộ đã “ngồi” lại với nhau bàn biện pháp giải quyết, rất quyết liệt… Khẳng định có chuyện tín dụng bị nhóm cổ đông thao túng, và họ có sân sau là các bất động sản, Thống đốc thừa nhận “Có lợi ích nhóm trong ngân hàng không, tôi đã báo cáo là có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực, khi ngân hàng phụ thuộc một số người, đó là lợi ích nhóm”. Biện pháp xử lý, theo Thống đốc, nếu nghiêm trọng phải tái cơ cấu, nếu có dấu hiệu hình sự phải xử lý.

Có nhóm lợi ích gì trong gia tăng nợ xấu? Thống đốc giải trình: trong đợt thanh tra toàn diện từ đầu 2012 đến nay, đã thanh tra được số lượng tổ chức tín dụng lớn nhất từ trước đến nay. Có nhiều tổ chức tín dụng chi phối nhóm cổ đông, thậm chí tới 90%. Sau quá trình phát triển quá nóng, ý thức chấp hành nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, nên Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thanh tra triệt để. Nếu chỉ vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế sẽ tạo điều kiện tối đa để khôi phục lại tính lành mạnh. Ông cũng thừa nhận, nợ xấu đang ở mức nghiêm trọng. Nợ xấu cao có sự tiếp tay cán bộ ngân hàng không?, “Tôi đã trình bày, có tổ chức tín dụng bị cổ đông thao túng, dẫn tới dư nợ tín dụng rơi vào nhóm cổ đông” - Thống đốc phân trần.

Bị dồn nhiều chất vấn vốn đã được trả lời, Thống đốc Bình tỏ ra mệt mỏi: “Từ sáng giờ tôi giải thích nhiều rồi. Có lẽ năng lực giải thích của tôi có hạn nên đại biểu không hiểu được”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Không để chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi!

Chăm chú ghi các chất vấn, nữ Bộ trưởng lược thấy có 6 ý không mới nhưng luôn bức xúc. Riêng giá thuốc tiếp tục được đại biểu hỏi xoáy và đề nghị Bộ phải có giải pháp.

Thuốc Trung Quốc mang giá Mỹ

Bộ trưởng Tiến thừa nhận, đúng là có sự chênh lệch giữa giá thuốc trong và ngoài bệnh viện. Giá thuốc bị đẩy lên do quá trình lòng vòng, nhiều nấc trung gian. Các hãng dược bắt tay thầy thuốc kê đơn thuốc nhập ngoại để hưởng chênh lệch. Kết quả đấu thầu giá thuốc các bệnh viện cao hơn thực tế. Bà nói, có những sai phạm chênh lệch giá quá lớn thì đã xử lý nhưng hiện tượng này vẫn còn phức tạp. Nguyên nhân cơ bản vẫn do quản lý nhà nước có kẽ hở, đó là chia nhóm thuốc không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nên trong quá trình đấu thầu có loại thuốc Trung Quốc nhưng mang giá Mỹ. Rồi không hướng dẫn kỹ giá mời thầu nên bị đẩy lên, không quy định kết quả đấu thầu... Cơ quan Bộ Y tế hay bệnh viện chỉ quản lý chuyên môn, lo đủ thuốc, lại lo quản lý giá là không phù hợp vì như thế là vừa đá bóng vừa thổi còi, để Bộ chuyên ngành vừa sản xuất, lại vừa buôn bán. Bộ trưởng Tiến tiết lộ, tới đây sẽ thí điểm thành lập ủy ban đấu giá thuốc.

Tuy nhiên, ngay sau đó đại biểu Nguyễn Sĩ Cương hỏi dồn: Ngành Y tế không quản lý được giá thuốc trên thị trường, giá bán chênh 1,2-1,5 lần, để họ bán bao nhiêu tùy thích. Về phòng khám tư nhân, muốn lấy bao nhiêu cũng được, không ai quản lý. “Tôi cảm tưởng khi cấp phép xong, các phòng khám muốn làm gì thì làm” - ông ngán ngại. Ông Cương cũng nêu chuyện tiêu cực trong y tế và chốt: “Cứ hô hào không tiêu cực, không phong bì nhưng tiêu cực hết khóa bộ trưởng này đến bộ trưởng khác vẫn vậy. Bệnh nhân ăn cơm từ thiện, còn tiền để đưa cho bác sĩ”. Xem ra, các chất vấn về y đức y tế còn khá nhiều, bởi vậy Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng dành riêng cho Bộ trưởng Tiến phần trả lời vào đầu giờ sáng 14/11.

“Mỗi lần tăng lương, đầu tôi bạc thêm”!

Bộ trưởng Tiến cho rằng, giá dịch vụ y tế không thể tiếp tục giữ nguyên khi mức giá này đã quá lạc hậu. Mọi thứ đã trượt giá, dịch vụ cũng buộc phải tăng, nếu không sẽ không thể đáp ứng. Không phải tăng giá dịch vụ ảnh hưởng người nghèo mà sẽ có lợi hơn, bởi như thế có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Người đứng đầu ngành Y ví von: “Mỗi lần tăng lương đầu chúng tôi bạc thêm, vì dịch vụ không được tăng. Bao nhiêu năm, có giám đốc nói chúng tôi ăn vào người chúng tôi, chi phí cao không đủ, dẫn tới bệnh viện nhếch nhác, rồi đi làm ngoài, kể cả thái độ. Họ nói, nếu Bộ trưởng cứ để tình trạng như thế thì bệnh viện công không tồn tại được”.

Tuy nhiên, những lý giải tăng giá thuốc như sự tất yếu nói trên không được đại biểu Nguyễn Xuân Thủy chấp thuận. Ông lo ngại, các cơ sở y tế, cơ chế, chính sách mà Bộ trưởng tham mưu, đề xuất chủ yếu là cơ chế tài chính theo hướng tăng thu. “Các đề xuất này có xuất phát từ thu nhập thực tế của người dân và khả năng cân đối ngân sách” - ông Thủy hỏi thẳng. Liên quan chất vấn của đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) lo ngại tình trạng mất cân bằng giới tính, bà Tiến thừa nhận đây là thực tế đang diễn biến phức tạp. Hậu quả bắt nguồn từ việc trọng nam, khinh nữ và nếu để kéo dài sẽ dẫn tới mua bán phụ nữ, mua vợ như ở Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhưng bà kịp trấn an: Bộ đang làm đề án cân bằng giới tính, xử phạt những trường hợp siêu âm chọn giới tính.

Chủ vàng tâm sự với Thống đốc suýt cũng như bầu Kiên

Tỏ ra mệt mỏi sau quá nhiều truy nóng, người đứng đầu Ngân hàng giải bày: Độc quyền vàng là độc quyền nhà nước chứ không phải độc quyền doanh nghiệp. Không còn ai được dập vàng miếng ngoài Nhà nước. Các doanh nghiệp tiếp tục được kinh doanh, các loại vàng miếng khác ngoài SIC vẫn được lưu hành. “Nhiều chủ sàn vàng nói, ngày đó em căm anh lắm, nhưng nếu mà em vẫn vậy thì em cũng giống bầu Kiên thôi, cũng lỗ hàng trăm tỉ rồi” - ông Bình viện dẫn.

Tín dụng thua lỗ cũng hợp đạo lý

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, qua phân tích diễn biến thị trường cho thấy, vừa qua vàng tăng cao, nhưng không có hiện tượng sốt vàng. Đó là bởi nhiều tổ chức tín dụng mua vàng, sau thua lỗ. Nhưng cuộc sống làm ăn có lãi có lỗ cũng là bình thường, vì trước đây tổ chức tín dụng đã có lãi nhiều, nay có trả tiền đó cho dân cũng là bình thường, cũng là hợp đạo lý, nên Nhà nước không can thiệp. Chúng tôi vừa qua cũng chịu nhiều áp lực, nói rằng ảnh hưởng quyền lợi người dân để ép Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng. 

Trước doanh nghiệp mang quà cho ngân hàng, nay ngược lại

Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải trình chuyện quà: Trước đây làm ăn được, thì doanh nghiệp mang quà đến ngân hàng. Nay khó khăn, thì ngân hàng lại mang quà đến doanh nghiệp, tất nhiên là không phải quà tham nhũng. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Cũng cần phải lý giải cụ thể, chứ quà đi quà lại là thế nào...

Thủy điện Sông Tranh: Người dân không phải đi đâu cả!

Ngay khi trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về sự lo lắng của người dân khu vực thủy điện Sông Tranh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “phê” là chưa rõ ràng, đề nghị nói rõ dân yên tâm ở lại hay đi. Bộ Trưởng Dũng đã khẳng định: “Người dân cứ yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết”. Ông giải thích, Chính phủ đã mời các chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học đến nghiên cứu và khẳng định là an toàn. Bộ trưởng đưa ra những con số nhằm thuyết phục mọi người, dù rung chấn nhỏ hơn 5,5 độ richter nhưng quan điểm của Chính phủ lấy an toàn là nhiệm vụ số một, khi dân chưa yên tâm thì chưa tích nước. Sắp tới công trình này sẽ tiếp tục chờ các nhà tư vấn, địa chất đến từ Nga, Ấn Độ, Nhật Bản nghiên cứu toàn diện để khẳng định động đất ở khu vực này không vượt quá 5,5 độ richter. Nếu bà con yên tâm mới cho tích nước, còn nếu có sự cố thì các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm…
“Nhưng dân ở hay đi” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chất vấn.
“Nước ở mực nước tràn thì hoàn toàn yên tâm, người dân cứ ở đó không phải đi đâu hết”, Bộ trưởng Dũng nói. Chủ tịch Quốc hội “chốt”:  theo các nhà khoa học, động đất thì tiếp tục nghiên cứu, tạm thời chưa tích nước. Bà con ở lại, tiếp tục rà soát. Khi có kết luận về động đất có kết quả thì sẽ có trả lời.

PV
.
.
.