Xử lý hình sự nếu cố ý dự báo thời tiết sai, gây hậu quả

Thứ Năm, 11/06/2015, 02:27
Thông tin không chính xác về các hiện tượng Khí tượng thuỷ văn (KTTV) nguy hiểm có thể gây thiệt hại lớn đến KT-XH. Vì vậy, báo cáo đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật KTTV bổ sung điều, khoản quy định về trách nhiệm dự báo, cảnh báo KTTV trong trường hợp thông tin dự báo, cảnh báo không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đến 2020 cũng chỉ có thể dự báo chính xác được 80-85%

Tờ trình dự thảo Luật Khí tượng thuỷ văn (KTTV) cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có chế độ khí hậu, thủy văn rất phức tạp và đa dạng. Các loại thiên tai KTTV như bão, lũ lụt, nước biển dâng, mưa lớn, hạn hán, rét hại... hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít các nước được đánh giá là bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai KTTV có xu hướng gia tăng cả về tần suất, cường độ. Trong những điều kiện như vậy, lĩnh vực KTTV cần cấp thiết được tăng cường cả về thể chế quản lý và năng lực kỹ thuật, công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Luật KTTV gồm 11 chương, 61 điều, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đối với hoạt động KTTV, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai gia tăng như hiện nay.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, thông tin dự báo, cảnh báo KTTV có tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Thông tin không chính xác về các hiện tượng KTTV nguy hiểm có thể gây thiệt hại lớn đến KT-XH. Vì vậy, báo cáo đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điều, khoản quy định về trách nhiệm dự báo, cảnh báo KTTV trong trường hợp thông tin dự báo, cảnh báo không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật cho biết, những sai sót trong dự báo KTTV có thể xảy ra và có thể thuộc một trong hai trường hợp: hạn chế về trình độ khoa học công nghệ dự báo (khách quan) hoặc do không tuân thủ quy trình kỹ thuật (chủ quan).

Về nguyên nhân khách quan, báo cáo giải trình cho biết, dù áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, sai sót dự báo vẫn có thể xảy ra.

Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 22/6/2010 cũng chỉ bảo đảm dự báo thời tiết hàng ngày đạt độ chính xác 80 - 85%; dự báo, cảnh báo lũ chính xác 80 - 85%... có nghĩa là đến năm 2020, Việt Nam cũng chưa thể dự báo chính xác 100%. Tuy nhiên, trường hợp dự báo lệch với thực tế trong phạm vi sai số trung bình đã được coi là dự báo đủ tin cậy. Về sai sót do chủ quan của người làm dự báo, dự thảo luật đã quy định hành vi bị cấm tại khoản 8,

Điều 6 là “Vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong hoạt động quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn”. Tiếp thu ý kiến thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật sẽ chỉnh lý, bổ sung, làm rõ thêm theo hướng, đối với các trường hợp người thực hiện dự báo sai là cán bộ, công chức, viên chức do không tuân thủ quy trình nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm... ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật về KTTV thì còn bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và pháp luật có liên quan; đối với tổ chức, cá nhân dự báo sai thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về KTTV, trường hợp cố ý, có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì còn bị xem xét, xử lý theo pháp luật hình sự…

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Không cho phép thì họ sang Thái Lan chuyển giới

Thảo luận tại tổ dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi về quy định chuyển đổi giới tính, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu ý kiến: “Tôi đồng tình với quan điểm không công nhận người chuyển giới, bởi lẽ giả sử như nam chuyển sang nữ mà chuyển được hết, sinh con được, nuôi con được thì là một nhẽ khác, chứ đằng này họ không thể làm được điều ấy. Nên nếu luật cứ chạy theo một bộ phận nhỏ cá biệt này thì mệt lắm, và không phù hợp”.

Trong khi đó, nhiều đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật là hơi mâu thuẫn.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) phân tích: Luật không công nhận việc chuyển giới nhưng cũng không ngăn cấm được việc người dân sang Thái Lan giải phẫu. Khi giải phẫu xong, họ là người khác giới rồi nhưng CMND, hộ khẩu, giấy khai sinh… vẫn như cũ. Từ đó, xuất hiện việc khoản 2, Điều 36 với quy định “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác”.

Ông nêu quan điểm: “Quy định như thế này thì mâu thuẫn nhau. Về nguyên tắc Nhà nước tuyên ngôn cấm chuyển đổi giới tính, còn khi họ làm chui thì phải xử lý bằng một chính sách khác, chứ trong một điều khoản không thể trên thì cấm, dưới thì mở”. Đại biểu đề nghị khoản 2 chỉ nên quy định “Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính”.

Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông) đồng tình: “Khi chúng ta không thừa nhận chuyển giới mà lại thừa nhận hậu quả sinh ra… (cần có quy định để giải quyết hậu quả đối với một số trường hợp việc chuyển đổi giới tính đã xảy ra – PV) thì cũng giống như không thừa nhận quan hệ bất chính nhưng lại thừa nhận con ngoài giá thú, không thừa nhận quan hệ bất chính nhưng lại bảo đảm quyền cho người mẹ đơn côi vậy”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) lại đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét kỹ vấn đề này bởi nhiều cá nhân muốn chuyển đổi giới tính là vì họ muốn được sống thật với bản chất của họ. Và dù trong nước mình không thừa nhận, không cho phẫu thuật thì họ vẫn có thể ra nước ngoài để phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nên nếu pháp luật không thừa nhận thì sẽ dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Ngay cả vấn đề bắt, giam giữ đối với những người chuyển giới cũng sẽ gặp khó khăn.

“Tôi đề nghị nên cân nhắc vì quyền của con người, mình ghi nhận đặc điểm bẩm sinh của họ, nhưng cũng phải ghi nhận mong muốn của họ khi chuyển đổi giới tính…” – đại biểu Thu nhấn mạnh.

Về vấn đề quyền nhân thân, quyền đối với tên họ, đại biểu Nguyễn Bình Phương nêu ý kiến: Có lẽ phải quy việc đặt tên vào vấn đề văn hoá, truyền thống dân tộc, đã là người Việt Nam thì phải đặt tên Việt Nam, chứ có nhiều người đặt tên rất dài dòng, nửa ta nửa Tây thì không hay lắm, và ảnh hưởng đấn vấn đề quản lý nhà nước. Có những người đặt tên con rất Tây, lúc bé con chưa biết gì, sau đó lớn lên đi học bị bạn bè khích bác trêu chọc, về nói bố mẹ, lại đi đổi lại tên, rất phức tạp. “Tôi đề nghị trong luật phải khống chế đặt tên người Việt Nam, khống chế số lượng chữ trong tên chứ không thể theo cách tự do thoải mái được” – đại biểu Phương lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật thì cho rằng hiện tại ở Việt Nam đang xảy ra một vấn đề xung đột giữa quản lý nhà nước và phong tục tập quán, quyền nhân thân.  “Chẳng hạn ở Hà Tây cũ trước đây có huyện Hoài Đức, Thạch Thất có một tập quán, ông bố họ Nguyễn thì con trai sẽ tên là Nguyễn Văn A… nhưng con gái thì lại là Văn Thị B…  Việc đặt tên như thế này không chỉ gây khó khăn cho con cháu khi đi học, đi khám bệnh mà còn liên quan đến công tác quản lý cư trú. Rồi đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam xem phim Hàn Quốc mê các diễn viên Hàn Quốc nên đặt tên con theo tên diễn viên…”.

Theo đại biểu Luật, cần phải có những quy định để giới hạn việc đặt tên, phải có cái nhìn tổng thể, để đảm bảo sự thống nhất chứ không chỉ nhìn vào khía cạnh tôn trọng quyền công dân…

Vay nước ngoài hơn 56 nghìn tỷ đồng bù đắp bội chi ngân sách

Chiều 10/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013. Đã có 77,58% tổng số đại biểu tán thành với nghị quyết.

Theo nghị quyết này, tổng số thu cân đối NSNN là 1.084.064 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2012, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN. Tổng số chi cân đối NSNN là 1.277.710 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2013 sang năm 2014. Bội chi NSNN là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi NSNN gồm vay trong nước 180.347 tỷ đồng và vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng. Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo nghị quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua tổng thu, tổng chi NSNN.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son: Không cần nhiều nhưng phải tinh.

Một trong những chức năng chính của nhà nước là xác định, quy hoạch chiến lược báo chí. Thực hiện quy hoạch là việc làm bình thường, đồng thời là việc làm cần thiết, thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, mà cụ thể là Chính phủ. Phải tiến hành với tinh thần quy hoạch để nền báo chí ngày càng phát triển hơn, chất lượng tốt hơn, không cần nhiều nhưng phải chất lượng, phải tinh. Và trong định hướng phải làm rõ không có báo tư nhân, không để tư nhân núp bóng.

Quỳnh Vinh

Quỳnh Vinh – Vũ Hân
.
.
.