Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2012:

Xử lý hàng tồn kho, mở rộng thị trường

Thứ Năm, 28/02/2013, 22:42
Thủ tướng yêu cầu tập trung mạnh vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xử lý hàng tồn kho, mở rộng thị trường..., coi đây là cái gốc giữ đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.

Chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xử lý hàng tồn kho, mở rộng thị trường..., coi đây là cái gốc giữ đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế. Điểm nổi bật trong hai tháng qua là bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đảm bảo cho nhân dân đón Tết Nguyên đán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2013 tăng 1,32% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay VND giảm nhẹ so với tháng trước, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 2 tháng đầu năm 2013 cho thấy mặt được là chủ yếu.

Đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội

Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chính sách đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ, trong đó cần quan tâm hàng đầu đến thể chế. Nghị quyết muốn đi vào cuộc sống phải được cụ thể hóa hơn nữa.

“Chủ trương giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... đều được đồng tình, nhưng phải được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện có hiệu quả” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu tập trung mạnh vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xử lý hàng tồn kho, mở rộng thị trường..., coi đây là cái gốc giữ đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế. Quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư công và thu hút đầu tư, nhanh chóng xây dựng chương trình, chiến lược, cơ chế thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Quan tâm chỉ đạo công tác thu chi NSNN để bảo đảm các cân đối theo kế hoạch, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN như đã được thông qua. Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được và mục tiêu đã đề ra, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết, nhất quán thực hiện giá xăng dầu theo thị trường song phải có những cách thức phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp kiểm soát giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu. Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu thông qua quỹ trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, theo dõi sát, điều hành và kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh…

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nhất là đối với các người có công, người nghèo, các đối tượng chính sách. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế đặc thù cho đối tượng là đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; chú trọng giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là giải quyết những vụ khiếu nại tố cáo còn tồn đọng kéo dài, giải quyết ngay ở cấp cơ sở, tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp lên Trung ương. Dứt khoát kiềm chế cho được tội phạm, chủ động tấn công, trấn áp và phòng ngừa các loại hình tội phạm...

Dự án bauxit Tây Nguyên được xem xét cẩn trọng

Trả lời câu hỏi tại phiên họp báo chiều 28/2 xung quanh dư luận về hiệu quả dự án khai thác bauxit Tây Nguyên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, đây là một trong số rất ít tài nguyên ở Việt Nam có trữ lượng tầm quốc tế, thuộc hàng đứng đầu thế giới. Chủ trương nhất quán của Chính phủ là tiến hành thăm dò, khai thác phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung, của vùng nói riêng. Việc khai thác sử dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường và vì là dự án kinh tế xã hội nên phải tính hiệu quả này một cách tổng thể, trong cả vòng đời dự án. Trữ lượng bauxit lớn, liên quan nhiều yếu tố. Từ 2007 đã có quy hoạch, căn cứ vào đó triển khai một số dự án thực hiện. Quá trình thực hiện vừa làm vừa nghiên cứu, xem xét rất cẩn trọng để có thể điều chỉnh cho phù hợp, không chỉ mỗi dự án mà cả quy hoạch chung để đảm bảo yêu cầu. Các vấn đề đều công khai, minh bạch.

Trước những tin đồn gây thiệt hại kinh tế, ông Đam nói: Trước những thông tin không do cơ quan chính thống phát ra, nếu có ảnh hưởng lợi ích, trước hết là bản thân mình thì phải bình tĩnh, bởi ngày càng xuất hiện nhiều những thông tin như vậy. Nếu tin ngay, không chỉ gây thiệt hại cho chính mình mà còn gây thiệt hại với người khác, với xã hội. Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, khi có bất kỳ thông tin gì liên quan, cần chủ động cung cấp chính xác, điều đó sẽ giúp người dân nắm rõ sự thật, hạn chế hậu quả...

Việc cấm phát tán tin tiêu cực trong thi cử là trái luật

Liên quan câu hỏi báo chí về việc Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Thông tư 04 sửa đổi quy chế thi trung học, có nội dung hướng dẫn xử lý thông tin tiêu cực trong thi cử trái với pháp luật (người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý, không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào).

Về việc này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng: Vừa qua có rất nhiều văn bản pháp luật có quy định không sát thực tiễn, cả không phù hợp pháp luật. Những gì trái pháp luật phải bãi bỏ. Không trái pháp luật mà không phù hợp thực tiễn thì phải sửa, có thể sửa văn bản, sửa hướng dẫn hoặc cách tổ chức thực hiện, vì mục đích ban hành là để quản lý xã hội tốt hơn, phục vụ dân.

Về Thông tư 04 này, ông Vũ Đức Đam cho hay, đã phát hiện và “cá nhân tôi thấy ngờ ngợ về pháp luật và có hỏi thêm”. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy không đúng về pháp luật, vi phạm quyền công dân. Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã trao đổi với Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo xem xét chỉnh sửa

Đăng Minh
.
.
.