Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội:

Xoáy thẳng những vấn đề làm khó người dân

Thứ Năm, 11/06/2015, 21:17
Nếu như phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đối diện với truy vấn về ách tắc đầu ra cho nông sản, các phí dồn vai người dân thì buổi chiều, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trở lại với vấn đề không mới: khi nào “phá” được độc quyền ngành điện để dân bớt khổ!

Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Mỗi cân lúa lãi 1.000 đồng thì nông dân giàu sao được”!

Mang bức xúc của người dân Kiên Giang kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đặt câu hỏi: “Bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long phản ánh, trồng lúa bán ra thì doanh nghiệp kêu xuất khẩu chưa được nên mua giá thấp, trồng khoai lang, dưa hấu, hành tím thì không có nơi tiêu thụ, nuôi con tôm, con cá bán ra nước ngoài thì lại bị kiện bán chống phá giá. Bộ trưởng nói gì về vấn đề này và sẽ làm gì để bà con an tâm”?

Lý giải về những vấn đề trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thực tế tình hình cũng không đến nỗi không sáng sủa như thế, trong 10 mặt hàng nông sản của chúng ta xuất khẩu năm nay có 5 mặt hàng giá xuống và xuất khẩu xuống là gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra. Nhưng có 5 mặt hàng lại lên, đó là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả, trong đó sắn xuất khẩu tăng tới 44%.

“Chúng ta phải bình tĩnh xử lý, tìm ra nguyên nhân, ví dụ như dưa hấu thấp là vì thông quan khó, hành tím Sóc Trăng 70% sản lượng xuất khẩu sang Indonesia, tuy nhiên cuối năm 2014, nước bạn dừng nhập khẩu. Chúng tôi đã sang Indonesia tìm giải pháp tháo gỡ nhưng việc này cần có thời gian vì đây là chính sách của nhà nước. Trước mắt chúng ta cần lựa chọn mặt hàng có giá thành hạ hơn và làm với chất lượng cao hơn, căn cơ theo cả chuỗi giá trị để phát triển bền vững, hiệu quả…” – Bộ trưởng Phát cho biết.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Mỗi cân lúa lãi 1.000 đồng thì nông dân giàu sao được”!

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Với trách nhiệm của Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết đâu là giải pháp cho việc ổn định đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã và đang tiến tới ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là tiêu thụ nông sản, cái khó lớn nhất là khâu chế biến chưa tương xứng, nông dân chúng ta rất giỏi, làm nguyên liệu rất nhiều nhưng khâu chế biến của chúng ta chưa theo kịp nên trong nhiều trường hợp chúng ta vẫn phải bán nguyên liệu thô với giá rẻ.

Nhắc đến doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn thêm: “Cần có cơ chế, chính sách đột phá thiết thực gì để hấp dẫn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, công nghệ sạch đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực nông nghiệp?”.

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, cái khó nhất của doanh nghiệp tư nhân là đất, mà chúng ta cũng không thể thu hồi đất của hộ nông dân nhỏ để đưa cho doanh nghiệp. Hiện nay các địa phương cũng đang bắt đầu thử nghiệm việc người dân cho doanh nghiệp thuê lại ruộng đất nên giải pháp cho vấn đề này là có những chính sách tạo điều kiện đất đai cho các doanh nghiệp.

Trước đó, khi nói về giá nông sản, Bộ trưởng Phát phân trần: Hiện giá mỗi cân lúa khoảng 4,2 nghìn đồng, trừ chi phí bà con lãi được 1 nghìn đồng. Với mức lãi đó thì không thể giàu được, trong khi mức bình quân đất  trồng lúa mỗi hộ chỉ khoảng 0,5 ha so với nhiều nước là 2ha.

Nông dân vẫn chật vật nỗi lo được mùa, mất giá. Ảnh: Quý Đoàn.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Phải chờ đến 2021, điện mới hết độc quyền

Đặt câu hỏi ví von về vấn đề độc quyền trong ngành điện, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: “Tăng giá, tăng giá và tăng giá; tăng rồi, tăng nữa và tăng nữa” là “điệp khúc ra đời từ thuở khai sinh của ngành điện”, thông thường, việc tăng giá sẽ thu hút thêm đầu tư vào ngành, tạo ra sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, nhưng “bao giờ lý thuyết ấy đúng với ngành điện?”. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng “vừa qua chúng tôi đã làm tương đối tốt việc điều chỉnh giá điện”. Quan điểm này được Bộ trưởng minh chứng bằng việc thực hiện chủ trương nhất quán “giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước”, “mỗi khi đứng trước việc cần điều chỉnh giá, nhất là giá điện, với trách nhiệm được giao chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính chúng tôi đều rất băn khoăn bởi vì tác động của nó nên trong tính toán bao giờ cũng rất cẩn trọng, làm sao vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh theo đúng lộ trình thị trường, không bù giá, nhưng giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng tới đời sống người dân, nhất là người nghèo, người nông dân”.

Thừa nhận điện là vấn đề không mới nhưng luôn đặt ra nhiều câu hỏi với Quốc hội và nhân dân cả nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng giải trình thêm tình trạng giá điện khi đã được giữ ổn định suốt từ tháng 8-2013, cả năm 2014, tháng 3 – 2015 mới điều chỉnh ở mức 7,5%. Do giải thích dài dòng về cơ chế chính sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng buộc ngắt lời Bộ trưởng Hoàng, yêu cầu tập trung trả lời câu hỏi “tại sao giá lại chỉ tăng mà không giảm”. Nguyên nhân này được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, do trước đây chúng ta bao cấp giá điện quá lâu và gần đây mới bắt đầu bán điện cao hơn giá thành, tuy nhiên chưa phải giá thị trường. Theo lộ trình, đến năm 2016, giá điện sẽ hoàn toàn theo thị trường. 

Tuy nhiên, không hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã phải đặt lại câu hỏi thẳng vào vấn đề “tôi muốn nói đến chuyện độc quyền trong ngành điện và bao giờ chấm dứt tình trạng này bởi còn giữ độc quyền thì giá điện còn tăng mãi”. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo lộ trình, đến 2021 sẽ vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tức là nhà sản xuất sẽ được tự do phân phối điện do mình làm ra và người tiêu dùng có thể tự do lựa chọn nhà cung cấp phù hợp.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Phải chờ đến 2021, điện mới hết độc quyền .

Liên quan đến điều hành giá một mặt hàng nóng khác là xăng dầu theo Nghị định 83, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ: “Mặc dù có một số ý kiến chưa thực sự thống nhất, nhưng nhìn chung Nghị định đã từng bước đưa hoạt động nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đi theo đúng nguyên tắc giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, dường như nhận định này chưa nhận được sự đồng tình của các đại biểu. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến nêu tính toán: Với chi phí định mức mặc định là 950 đồng/lít, nếu chỉ cần chênh 100 đồng thì người dân đã phải gánh 1.600 tỷ đồng. Lợi nhuận được mặc định cho doanh nghiệp là 300 đồng/lít, người tiêu dùng phải trả thêm 4.800 tỷ. Cộng 2 loại là 6.400 tỷ đồng, “vì thế dư luận cứ ngã ngửa mỗi khi các doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận”. Đại biểu đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có nghĩ đây là sơ hở cần tính lại cho minh bạch hơn để đảm bảo cân bằng lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng” hay không?”. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu. “Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, nếu phát hiện có sơ hở thì sẽ sửa đổi” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM): Bộ trưởng Cao Đức Phát chưa nói rõ trách nhiệm của mình

Phải nhìn nhận thực tế rằng nền nông nghiệp của nước ta còn chưa bền vững, sản xuất còn bấp bênh, kéo theo là đời sống của người nông dân khó khăn, trong đó có một bộ phận còn cực kỳ khó khăn. Vậy vì sao ngành nông nghiệp phát triển thiếu bền vững trong khi đây là lĩnh vực then chốt? Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời là do vấn đề giống và tổ chức sản xuất, ngành nông nghiệp đã có quy hoạch nhưng vì người nông dân chạy theo phong trào...

Trả lời như vậy là chung chung, tôi chưa hài lòng. Về vấn đề giống là khâu then chốt, Bộ trưởng không đưa ra được giải pháp gì và không xác định được vì sao khâu này lại yếu kém lâu dài. Tôi cũng chưa hài lòng vì Bộ trưởng chưa nói rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Bộ trưởng cần xác định rõ trách nhiệm của mình và giải quyết vấn đề đó bằng biện pháp cụ thể, để đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Giải pháp cho xăng dầu, điện là chưa thỏa đáng

Cây trồng, vật nuôi ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đang chết dần, chết mòn vì khát. Nếu thời tiết tiếp tục thế này thì người dân ở miền Trung chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng vô kế sinh nhai. Trong khi đó, nhiều công trình thủy lợi ở khu vực này lại được thiết kế một cách bất cập. Tuy Bộ trưởng đã trả lời nhưng tôi thấy chưa thuyết phục. Tôi đã đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể gì để giải quyết vấn đề cấp bách này nhằm tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người nông dân nhưng Bộ trưởng trả lời chưa rõ.

Về phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, rõ ràng cử tri rất bức xúc khi điện, xăng dầu liên tục tăng nhưng giải pháp đưa ra là chưa thỏa đáng. 

Tiếng nói cử tri

Nhức nhối chặt phá rừng, được mùa mất giá

Theo ông Nguyễn Văn Điểm, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (Kbang-Gia Lai) cho biết, một thời gian chúng ta giao rừng về cho chính quyền địa phương quản lý đã để mất hết rừng như “cha chung không ai khóc”. Mặt khác, việc giao khoán rừng cho người dân thì giá tiền quá thấp, không đủ sống để giữ rừng.

Sáng 11/6, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát cho biết sẽ trình Chính phủ tăng tiền giao khoán từ 200 ngàn đồng lên 400 ngàn đồng/ha. Đây là một sự cố gắng lớn của Nhà nước vì nguồn kinh phí có giới hạn, nhưng có lẽ tăng thêm kiểu đó vẫn không đủ điều kiện sống để người dân giữ rừng mà quan trọng để tạo tính bền vững là phải có phương án phát triển rừng gắn với quản lý, sản xuất để tạo thu nhập cho người giữ rừng.(N.Như)

Cần rút gọn, giảm thủ tục cho ngư dân vay vốn

Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, để giúp cho ngư dân có điều kiện thuận lợi khi vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu đánh cá, theo tôi cần phải cải cách, giảm thiểu, rút gọn một số thủ tục xét duyệt vay vốn, giải ngân; các cơ quan chức trách cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn ngư dân hiểu rõ năng lực hoạt động, hiệu quả kinh tế kinh tế từng loại tàu vỏ gỗ, vỏ sắt, composite để ngư dân lựa chọn, quyết định đầu tư.

Đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần có giải pháp, cơ chế chính sách bảo trợ giá thu mua hải sản ổn định, ngăn chặn kịp thời tình trạng các doanh nghiệp tư nhân ép giá, gây khó khăn cho ngư dân…để ngư dân chủ động vươn khơi khai thác hải sản xa bờ, nâng cao hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến ra khơi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Được biết, trong số 15 trường hợp có đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu đánh cá bằng lưới vây và tàu dịch vụ nghề cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt đợt 1/2015, đến thời điểm này chỉ mới có 2 ngư dân Võ Văn Lành, Võ Văn Tú – trú ở phường 6, TP Tuy Hòa đã được Chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư – phát triển tại Phú Yên ký kết hợp đồng tín dụng, các trường hợp còn lại đều thiếu vốn đối ứng bằng tiền mặt để hoàn thiện hồ sơ vay vốn. (Hữu Toàn)

Phải tận dụng lợi thế nền  nông nghiệp nhiệt đới

Người dân các tỉnh ĐBSCL rất quan tâm đến nội dung chất vấn, trả lời chất vấn mà Quốc hội dành hơn một buổi sáng 11/6 đối với vấn đề tam nông - nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phần đông những nông dân ĐBSCL mà chúng tôi tiếp xúc ngày 11/6 đều cho biết họ rất thích tinh thần và thái độ quyết tâm của vị “tư lệnh” ngành Nông nghiệp khi trả lời gần 60 câu hỏi, câu hỏi lại của các đại biểu Quốc hội.

Vấn đề còn lại – theo nhiều nông dân chính là giải pháp, biệt pháp quyết liệt và tinh thần quyết tâm thực hiện những vấn đề căn cơ sẽ như thế nào để nâng cao chất lượng, nâng cao sức cạnh trạnh của nông sản khi hiện tại nông dân ĐBSCL vẫn đang khốn đốn với tình trạng từng lặp đi, lặp lại – được mùa rớt giá.

Những ngày qua, nông dân huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tiếp tục “khóc” bởi hơn 1.000ha ổi của địa phương đang rơi vào tình cảnh rớt giá thê thảm. Nông dân Nguyễn Văn Công buồn bã kể: “Ổi hiện chỉ bán được giá 400-500đ/kg, tính ra mỗi tấn chỉ thu về 400.000 đồng, trong khi đó, chi phí thuê  nhân công, tiền phân thuốc… cao hơn rất nhiều lần. Dân trồng ổi coi như lỗ chắc”.

Nhiều nông dân ĐBSCL còn rất đồng quan điểm với đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch rằng Việt Nam duy trì một nền nông nghiệp, đất nước đi lên từ tự cấp tự túc giải quyết cái nghèo đói sang thị trường và cứ thế ta phát triển mà quên rằng phải tận dụng lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới có ưu thế để tham gia thị trường. Nông nghiệp Việt Nam bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, giá trị cao. Đây là bài toán cần giải quyết. (Thái Bình)

Hy vọng đời sống sẽ tốt hơn

Ông Trần Cao Giảng (75 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho rằng: “Tôi đánh giá rất cao việc trả lời chất vấn thẳng thắn của Bộ trưởng Cao Đức Phát về những vấn đề mà các đại biểu nêu lên trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong những vấn đề khó khăn tồn tại bấy lâu nay của ngành nông nghiệp thì việc Bộ trưởng đã thẳng thắn thừa nhận cũng như việc đưa ra những giải pháp giải quyết rất tốt là điều đáng mừng cho bà con nông dân giai đoạn tới, hy vọng đời sống sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, theo tôi, những biện pháp mà Chính phủ cũng như Bộ NN và PTNT đưa ra cần phải có lộ trình từng bước, có trình tự, có thời gian và có điều kiện…”.

Bên cạnh những giải pháp mà Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra, theo dõi sát sao toàn phiên chất vấn qua truyền hình, nhiều cử tri vẫn cảm thấy chưa hài lòng về việc Bộ trưởng trả lời chất vấn về vấn đề tìm đầu ra cho hàng nông sản.

Ông Nguyễn Văn Hải (55 tuổi, trú thôn 1, xã Cư Êa Bur, TP Buôn Ma Thuột) thẳng thắn cho rằng: “Các giải pháp đưa ra khắc phục những tồn tại đối với việc tìm đầu ra cho hàng nông sản tôi cho rằng Bộ trưởng chưa đưa cụ thể. Điển hình như việc đưa công nghệ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp nông thôn cần có giải pháp gì; sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa để xuất khẩu cần giải pháp gì… vấn đề này Bộ trưởng giải thích chưa rõ, chưa thấu đáo”.

Đồng tình với quan điểm của ông Hải, ông Trần Văn Lâm (45 tuổi, trú xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Cái bức xúc nhất hiện nay của nông dân là tìm đầu ra cho hàng nông sản, trong khi đó Bô trưởng giải thích vấn đề này chưa được rõ ràng cho lắm. Bởi vì hiện nay cái điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, người nông dân luôn luôn bị thiệt thòi thua lỗ thì giải pháp này Bộ trưởng xử lý trả lời chưa được sâu sát”.  (V.Thành)

V.Hân – Q.Vinh
.
.
.