Xác định rõ ranh giới bí mật cần bảo vệ và thông tin phải công khai

Thứ Tư, 22/11/2017, 14:16
Sáng 22-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, đa phần các đại biểu đã bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết phải ban hành luật, để cụ thể hóa Hiến pháp, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp nhận thông tin, vừa đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ bí mật nhà nước, chống việc lộ, lọt bí mật đang diễn biến khó lường.

Hài hòa các yêu cầu là khó, nhưng vẫn phải làm

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: Các quy định của dự thảo luật phải đáp ứng đồng thời hai yêu cầu. Yêu cầu: đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, của đại biểu Quốc hội, của báo chí và đảm bảo hiệu quả phòng chống tham nhũng. Đây cũng là điều mà Thượng tướng Tô Lâm – đại diện cơ quan soạn thảo đã nhắc đến khi thảo luận tại tổ về dự án này.

Đại biểu Lê Thị Nga

Theo đại biểu Nga, “để đảm bảo được các yêu cầu này là khó, nhưng dù khó vẫn phải làm”, để đảm bảo cân đối giữa bảo vệ bí mật và công khai minh bạch, giữa quyền tiếp cận thông tin và yêu cầu đảm bảo bí mật.

Bà Nga cũng đồng tình với các đại biểu là có hai xu hướng: Thứ nhất là có thực trạng bí mật Nhà nước bị lộ; ngay cả trên không gian mạng, có những văn bản mật của cơ quan quan trọng được chụp đưa lên, ảnh hưởng tới quyền lợi ích của Nhà nước, của quốc gia. Ngược lại, có tình trạng lạm dụng luật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật. “Danh mục mật chậm rà soát, sửa đổi. Có những danh mục mật từ năm 2000-2004 tới nay chúng ta vẫn dùng. Trong khi hệ thống luật, việc công khai minh bạch, sửa đổi rất nhiều. Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành thì có gì đâu mà mật? Có bộ đóng dấu mật cả vào trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội dù không có thông tin mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về các thông tin mà mình chất vấn” – đại biểu nhấn mạnh.

Bà Nga cũng nêu một thực trạng là nhiều cơ quan, bộ, ngành chậm công khai, công khai hình thức, lạm dụng bảo mật để không công khai, gây ảnh hưởng tới Nhà nước và tổ chức, công dân; ảnh hưởng rất lớn tới công tác phòng chống tham nhũng; đẩy một số người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp.

“Chúng tôi theo dõi một số vụ án và thấy một số cá nhân rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp văn bản quy định về bảo mật không rõ ràng. Một số phóng viên báo chí, thậm chí một số cán bộ công chức trong một số trường hợp trên thực tế đã bị quy làm lộ mật”. Vì vậy, ĐB đề nghị làm rõ các điều liên quan tới phân loại, danh mục, điều cấm trong dự thảo luật.

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến xác đáng

Giải trình trước Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng với mỗi quốc gia. Việc lộ, lọt bí mật gây thiệt hại nghiêm trọng về chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh quốc gia và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Những năm qua, nước ta tích cực hội nhập, mở rộng quan hệ đối ngoại. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã xác định bảo vệ bí mật nhà nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đó là lý do vì sao dự án luật này ra đời, nằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc bảo vệ bí mật nhà nước, cân đối với quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Thượng tướng Tô Lâm cũng bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan trong hệ thống chính trị và ngành Công an trong bảo vệ bí mật nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình trước Quốc hội

Bộ Công an đã nghiên cứu xây dựng dự án luật với tinh thần tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và nâng cao hiệu quả bảo vệ bí mật nhà nước, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội... Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng, nhưng Quốc hội mới cho ý kiến lần đầu, nên vẫn cần được bổ sung, hoàn thiện. Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, cảm ơn những ý kiến tâm huyết của đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự án.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, Thượng tướng cũng Tô Lâm nhấn mạnh: Được phân công chủ trì, soạn thảo dự luật này, Bộ Công an đã làm việc hết sức thận trọng, vì dự án có liên quan rất lớn đến sự phát triển của đất nước, phúc đáp đòi hỏi của thực tiễn và liên quan đến quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

“Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia mà chưa được công bố công khai thì phải được bảo vệ đến cùng, nhưng cũng phải hài hòa với quyền tiếp cận thông tin của người dân, huy động sức dân giám sát các hoạt động của Nhà nước. Điều quan trọng là phải xác định ranh giới để mọi người dân hiểu được quy định đó, vận dụng vào thực tiễn. Chúng tôi đã quán triệt trong việc xây dựng luật này như vậy” - ông nhấn mạnh.


Vũ Hân
.
.
.