Vừa giao trách nhiệm lớn, vừa phải đảm bảo thẩm quyền cho cơ quan điều tra

Thứ Hai, 17/08/2015, 16:54
Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận về những điểm còn ý kiến khác nhau của 2 dự án luật quan trong là Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và Luật tạm giam, tạm giữ. Cả 2 dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 10 tới.

Tại báo cáo xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn của dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, về cơ cấu tổ chức, Thường trực Uỷ ban Tư pháp (UBTP) cho rằng: Đa số ý kiến đề nghị bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân (CAND) là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đây cũng là quan điểm nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội do diến biến phức tạp của loại tội phạm này.

Thượng tướng Lê Quý Vương,  Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Từ khi thành lập lực lượng này đã đấu tranh thành công với nhiều vụ án, ngoài án trong nước đã phải giải quyết gần chục vụ án liên quan đến đối tượng người Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan lợi dụng Việt Nam hoạt động phạm tội. 

Xung quanh vấn đề bổ sung cơ quan thuế, chứng khoán và kiểm ngư được giao chức năng tiến hành một số hoạt động điều tra, đa số các vị ĐBQH và thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng không nên vì trái với kết luận của Bộ Chính trị về thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau thì có thể thiết kế thành 2 phương án để Quốc hội biểu quyết.

Thượng tướng Lê Quý Vương tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/8.

Đại diện Bộ Công an cũng bày tỏ quan điểm nhất trí tăng thêm thẩm quyền điều tra cho Bộ đội biên phòng vì tình hình phòng, chống tội phạm ở biên giới rất phức tạp, nhất là ma tuý và buôn lậu. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Trần Đình Nhã lại cho rằng tăng thẩm quyền như vậy rất dễ trùng dẫm với chức năng của lực lượng CAND, nên nếu có tăng, nên quy định rõ với các đồn biên phòng ở nơi xa xôi hẻo lánh như kinh nghiệm quốc tế, chứ không tăng thẩm quyền cho tất cả các đồn biên phòng. 

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng nếu cần thiết, nên tăng cường lực lượng, phương tiện ngay trong nội bộ ngành công an thay vì trao thêm thẩm quyền cho lực lượng không phải cơ quan điều tra chuyên trách. Như vậy, hiệu lực, hiệu quả phòng chống tội phạm sẽ cao hơn. 

Cho rằng ý kiến của Thượng tướng Lê Quý Vương liên quan đến kiểm ngư và tội phạm công nghệ cao là “rất thuyết phục”, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nên cân nhắc việc trao thẩm quyền điều tra đối với lực lượng kiểm ngư, vì tính chất đặc thù của lực lượng này liên quan đến bảo vệ chủ quyền, không phải chỉ với người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

Về tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Thường trực UBTP tán thành với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội về việc hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, đổi tên thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng. Bên cạnh đó, UBTP cũng tán thành việc cần thiết phải có Cơ quan điều tra chuyên trách trong CAND đủ mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu.

“Tội phạm bây giờ nhiều, số ta bắt được đã thấy nhiều hơn rồi, số chưa bắt được không biết bao nhiêu. Mức độ tinh vi, độc ác, liên kết quốc tế… hết sức phức tạp, nên phải hết sức tăng cường đội ngũ làm công tác điều tra, cả về năng lực, cả về số lượng. Đội ngũ này phải tinh thông, chuyên nghiệp, trong sạch, có tính hiện đại, đủ số lượng để đảm bảo nhiệm vụ của họ. Đây là công việc đòi hỏi hi sinh, kể cả tính mạng đấy, nên vừa phải giao trách nhiệm lớn, vừa phải bảo đảm thẩm quyền cho họ” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an: Bộ Công an sẽ tách 2 trại tạm giam trực thuộc thẳng Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát

Bày tỏ quan điểm về Luật tạm giam – tạm giữ, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, Bộ Công an tán thành 5 trong 6 vấn đề được Uỷ ban Pháp luật đề cập đến trong báo cáo xin ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án này. Tuy nhiên, về 2 cơ quan tạm giam thuộc Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát thì Bộ đề nghị nên giữ nguyên.

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, tới đây, Bộ Công an sẽ tách 2 trại này trực thuộc trực tiếp Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát, phân công 1 đồng chí Phó Tổng cục trưởng không phụ trách công tác điều tra trực tiếp quản lý, chỉ đạo công tác tạm giam, kèm theo đó giao cho Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) là đơn vị chức năng có trách nhiệm theo dõi hướng dẫn kiểm tra thanh tra nội bộ về công tác thi hành trạm giữ tạm giam, do đó thực chất sẽ không ảnh hưởng đến tính độc lập của hoạt động điều tra.

Do tính chất của công việc công tác điều tra gắn liền với công tác tạm giam, phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố xét xử, nhất là cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đảm nhiệm những vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt cơ quan An ninh Điều tra còn giải quyết những vụ án liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia. Nếu theo phương án của Bộ Công an sẽ thuận lợi cho công tác chỉ đạo và đạt hiệu quả tốt hơn. Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng khẳng định về trách nhiệm quản lý của Bộ, sẽ quan tâm đảm bảo việc tạm giam, tạm giữ thực hiện đúng pháp luật.

Vũ Hân
.
.
.