Vụ đề án 112: Tiếp tục làm rõ dấu hiệu hành vi tham nhũng

Thứ Năm, 20/09/2007, 08:52

Trao đổi với phóng viên Báo CAND sáng qua (19/9), ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho hay, đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, mọi hành vi sai phạm của cá nhân liên quan đều phải được điều tra, làm rõ, sớm xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Viện KSND tối cao sẽ yêu cầu Cơ quan CSĐT tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề liên quan, trong đó xác định có hay không hành vi tham nhũng, tính chất, mức độ cụ thể của từng cá nhân liên quan.

Hiện tại, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 9 bị can về 2 tội danh "Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tuy nhiên, theo như báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng như các tài liệu liên quan, hành vi liên quan đến việc thực hiện đề án không chỉ có 9 người.

Ngoài những người có trách nhiệm trong Ban chỉ đạo đề án ở Trung ương thì tại 64 tỉnh, thành cũng có ban chỉ đạo trực thuộc, hoạt động theo kế hoạch, nội dung của Ban chỉ đạo Trung ương đề ra.

Như vậy, theo hướng mở rộng điều tra vụ án, những cá nhân có sai phạm ở 64 địa phương trong triển khai thực hiện đề án phải chịu trách nhiệm như thế nào? Về vấn đề này, ông Trần Quốc Vượng cho rằng, đây cũng là một hướng trong việc mở rộng điều tra vụ án. Ai sai đến đâu, sai mức độ nào thì xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Hiện tại, chưa thể khẳng định cụ thể cá nhân nào ở địa phương có sai phạm. Vấn đề này cần phải chờ kết quả điều tra của cơ quan Công an. Ông Vượng cũng khẳng định, đây là một hướng phải làm rõ, sau khi có căn cứ xác định cá nhân cụ thể nào có sai phạm thì dựa trên đề nghị của Cơ quan CSĐT, Viện KSND tối cao giao Vụ 1A xem xét kỹ trước khi phê chuẩn. 

Đối với việc kê khống để hưởng tiền chênh lệch, số tiền thất thoát hiện chưa có kết luận cụ thể nhưng có dấu hiệu chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Bị can Lương Cao Sơn từng tham mưu cho ông Vũ Đình Thuần ký kết hợp đồng in ấn tài liệu với NXB Tư pháp và Tổng Công ty Phát hành sách với hơn 20 hợp đồng in ấn, tổng giá trị các hợp đồng gần 9 tỷ đồng.

Theo nguồn tin của chúng tôi nắm được thì giá trị hợp đồng được nâng lên khoảng 30% so với giá thực, trong đó NXB Tư pháp hưởng chênh lệch khoảng 800 triệu đồng. Trong các giáo trình xuất bản đề án 112 cung cấp cho các học viên, có 3 bộ sách quan trọng với số lượng in ấn khoảng 100 nghìn cuốn.

Ngoài ra, kinh phí đào tạo cho 68.000 cán bộ cũng có dấu hiệu khai khống, mỗi học viên học thực tế chi phí khoảng 200.000 - 300.000 đồng nhưng khi vào hồ sơ quyết toán lại tăng lên nhiều lần.

Liệu những hành vi khai khống trên là dấu hiệu hành vi cố ý làm trái hay tham ô tài sản? Theo phân tích của một số chuyên gia luật, việc nâng số tiền vượt quy định, thực hiện hành vi một cách có tổ chức, câu kết nhiều đối tượng để hưởng khoản chênh lệch để bỏ túi cá nhân chính là thủ đoạn của tội tham ô tài sản. Do đó, tính chất hành vi là rất nghiêm trọng, các đối tượng đã câu kết, hợp thức hoá tài liệu, hồ sơ chiếm đoạt khoản tiền lớn của Nhà nước.

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Vượng cho biết, hiện chưa có kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT thì chưa thể khẳng định đó là hành vi tham ô hay không. Ngay số tiền thất thoát cũng chưa xác định được cụ thể là bao nhiêu. Tuy nhiên, đây là những vấn đề phải làm rõ, nếu qua thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ xác định có đủ căn cứ khởi tố tội tham ô hay các tội khác về tham nhũng thì sẽ khởi tố theo quy định của pháp luật.

Bên lề cuộc họp UBTV Quốc hội sáng qua, chúng tôi cũng trao đổi với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, vấn đề này từng được UBTV Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI có ý kiến, sau đó có kết quả thẩm tra. Khi đó, báo cáo thẩm tra đã làm rõ 5 mục tiêu đề ra của đề án và thấy rằng không đạt được như yêu cầu.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định, đối với các đề án có kinh phí lớn, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương như đề án 112 cần phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả nhưng đề án này từ nhiều năm trước đã có ý kiến về các bất cập, tồn tại. Theo một báo cáo của Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố thì kinh phí tập trung cho đề án là 685 tỷ đồng từ Trung ương và 400 tỷ đồng từ nguồn kinh phí địa phương, trong khi dự toán gần 4.000 tỷ đồng.

Hiện vụ án đang được Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan CSĐT tập trung làm rõ.

Đình chỉ công tác ông Vũ Đình Thuần

 

Theo tin chúng tôi nhận được chiều 19/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định đình chỉ công tác đối với ông Vũ Đình Thuần, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 112 của Chính phủ.

 

Việc đình chỉ công tác đối với ông Vũ Đình Thuần nhằm đảm bảo cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Ông Vũ Đình Thuần sinh năm 1942, quê tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông Vũ Đình Thuần thôi giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từ năm 2004 nhưng tiếp tục làm Trưởng ban chỉ đạo Đề án 112 cho đến nay.

 

Ngày 13/9/2007, ông Vũ Đình Thuần bị cơ quan CSĐT tội phạm về tham nhũng khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Đ.T.

Phan Đăng
.
.
.