"Vinh quang Việt Nam lần thứ VIII": Tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình

Chủ Nhật, 15/08/2010, 22:34
Đứng trên bục "Vinh quang Việt Nam lần thứ VIII" có 2 đơn vị của Công an Hà Nội - tiêu biểu cho phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự cho Thủ đô nghìn năm tuổi. Đó là các chiến sỹ của Trung đoàn CSCĐ và Đội Cảnh sát Đặc nhiệm (Phòng CSĐT tội phạm về TTXH). Họ là đội quân tinh nhuệ luôn bám sát địa bàn, xuất hiện trong những tình huống cam go trong cuộc chiến chống tội phạm.

20h ngày 15/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình "Vinh quang Việt Nam lần thứ VIII" do Báo Lao động, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Công ty Á Châu đồng tổ chức. Tới dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, xã hội.

Các chiến sỹ Trung đoàn CSCĐ, Công an Hà Nội trong hoạt động bảo đảm ANTT thường ngày, họ xứng đáng được tôn vinh trong chương trình "Vinh quang Việt Nam lần thứ VIII".

Ông Vương Văn Việt, Tổng Biên tập Báo Lao động cho biết, chương trình "Vinh quang Việt Nam lần thứ VIII" tôn vinh 20 tập thể, cá nhân điển hình trong lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc. Đây là những tấm gương điển hình xuất hiện trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Tấm gương vượt khó, học giỏi của em Lê Thị Minh Vượng, thủ khoa Đại học Y Hà Nội được tôn vinh thật xứng đáng. Nhà nghèo, ngoài đi học, Vượng cùng bố mẹ làm ruộng, chăn nuôi lợn gà. Em cũng không có điều kiện đi học thêm, mua tài liệu mới, thế mà cô nữ sinh ở vùng quê Ứng Hòa (Hà Nội) đã xuất sắc đạt thủ khoa Đại học Y Hà Nội. Không chỉ thi khối A, Vượng còn tự học để thi cả khối B. Tham gia cả hai khối thi, Vượng đều đạt 29 điểm.

Khi biết Vượng tự ôn thi bằng sách cũ của hai chị gái để lại mà đạt thành tích cao trong kỳ thi đại học vừa qua, ai cũng thán phục. Kinh nghiệm của Vượng là tự học, học bằng thực lực của mình mới có kiến thức vững chắc. Khi đã nắm vững kiến thức rồi thì khi thi cử, cứ đem ra áp dụng để "mở khóa" các câu hỏi từ dễ đến khó. Mơ ước trở thành bác sỹ chữa bệnh cho người nghèo của Vượng thật đẹp.

Cái tên Nguyễn Ngọc Trung gần đây trở nên quen thuộc với nhiều người. Ai cũng thầm thán phục cậu học trò vùng đất Tổ đạt 28 điểm, giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2010, đứng thứ 27 trong tổng số 502 thí sinh dự thi.

Trung có vóc dáng cao, gầy và đôi mắt đặc biệt sáng. Trung từng đoạt giải nhất kỳ thi chào IMO 2007; giải nhất Toán trên tạp chí Toán học và Tuổi trẻ năm 2007; giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Phú Thọ môn Toán lớp 12 năm học 2009-2010; đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi Toán Quốc gia lớp 12 khi đang học lớp 11; giải nhì học sinh giỏi Toán lớp 12 năm học 2009-2010. "Người hùng" của các cuộc thi có vẻ rụt rè trước đám đông.

Niềm say mê Toán học đã ngấm trong cậu từ khi còn là học sinh tiểu học. Càng học lên cao, đam mê chinh phục các bài Toán khó càng khiến khả năng Toán học của Trung trở nên nổi bật. Em đã đem về cho Tổ quốc Huy chương Vàng Olympic môn Toán học thật danh giá.

Bên cạnh các em học sinh hiếu học được tôn vinh, các cá nhân, tập thể xuất sắc trong lao động sản xuất cũng được vinh danh trên bục của "Vinh quang Việt Nam lần thứ VIII".

Ông Trần Văn Sen, Anh hùng Lao động năm 2009, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất kinh doanh & Xuất nhập khẩu Hương Sen (gọi tắt là Công ty Hương Sen) là một ví dụ. Gắn bó với nghề dệt ở vùng quê Thái Bình, ông là người chứng kiến sự thăng trầm của nghề này. Những năm đầu khi tình hình một số nước Đông Âu có biến động, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được khiến nhiều người bỏ khung cửi. Thế mà bằng tâm huyết, trí tuệ của mình, ông đã cùng những người dân quê lúa khôi phục, phát triển nghề dệt. Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh của Công ty Hương Sen còn mở rộng sang sản xuất đồ uống, xuất nhập khẩu chứ không riêng gì dệt may.

Phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 mẹ liệt sỹ, tham gia thành lập "Quỹ phòng chống và đấu tranh chống tội phạm ma tuý trên địa bàn"... là những hoạt động xã hội từ thiện mà ông Trần Văn Sen dành nhiều tâm huyết.

11 tập thể, 9 cá nhân được tôn vinh là những bông hoa đẹp trong hàng ngàn bông hoa đẹp đang ngày ngày xây dựng cho quê hương Việt Nam. Chương trình "Vinh quang Việt Nam VIII" có ý nghĩa tích cực trong việc phát hiện, nêu gương những điển hình tiên tiến.

* Đứng trên bục "Vinh quang Việt Nam lần thứ VIII" có hai đơn vị của Công an Hà Nội - những đơn vị tiêu biểu cho phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự cho Thủ đô nghìn năm tuổi. Đó là các chiến sỹ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động và Đội Cảnh sát Đặc nhiệm (Phòng CSĐT tội phạm về TTXH).

Họ là đội quân tinh nhuệ luôn bám sát địa bàn, xuất hiện trong những tình huống cam go trong cuộc chiến chống tội phạm. Trong những cuộc chiến giữa thời bình này, đôi khi ranh giới giữa sự sống và cái chết; thiện và ác rất mong manh. Thế nhưng các chiến sỹ Cảnh sát đã kiên cường vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ.

Việc một tổ tuần tra đêm của Trung đoàn Cảnh sát cơ động từ chối số tiền 120.000 USD của bọn tội phạm ma tuý hối lộ là một điển hình. Dù cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng vượt qua mọi cám dỗ, các anh giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân cách mạng. Với bề dày thành tích đạt được, Trung đoàn Cảnh sát cơ động từng được tặng Huân chương chiến công hạng nhất năm 2009, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba năm 2007, 18 đồng chí được tặng Huân chương Chiến công và nhiều đồng chí được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ...

Còn với các chiến sỹ ở Đội Cảnh sát đặc nhiệm (Phòng CSĐT tội phạm về TTXH), thành tích cao nhất mà các anh được vinh danh là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2009.

Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hai đơn vị tinh nhuệ của Công an Thủ đô được tôn vinh trong chương trình "Vinh quang Việt Nam lần thứ VIII" là món quà có ý nghĩa, khích lệ các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự

Cao Hồng
.
.
.