Việt Nam khởi động xây dựng thể chế thử nghiệm vượt trội

Thứ Sáu, 10/11/2017, 14:36
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới... chiều 10-11, Quốc hội đã chính thức cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị Hành  chính – Kinh tế đặc biệt.


Giảm hơn 50% ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Với mục đích dựng thể chế mới vượt trội trên các mặt kinh tế - xã hội, hành chính và tư pháp, cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành, có tính cạnh tranh quốc tế, dự án luật đã được thiết kế dựa trên tham khảo 13 đặc khu có tính tương đồng với Việt Nam – theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo cơ quan chủ trì, soạn thảo.

Nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi, dự án luật đã thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 xuống 108; bãi bỏ những hạn chế về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của đặc khu.

Cho phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài;

Cho phép nhà đầu tư được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài tại Tòa án nước ngoài;

Quy định việc thực hiện các thủ tục về đầu tư, kinh doanh...tại Trung tâm hành chính công theo cơ chế một cửa liên thông và qua hệ thống mạng trực tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cách tiếp cận của luật này phải là cho cái mà nhà đầu tư cần, chứ không phải cái mà ta có

Dự án luật cũng mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở với thời hạn sử dụng đất tối đa  có thể lên tới 99 năm đối với các dự án trong một số lĩnh vực và các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng ddawcjk hu. Cho phép tổ chức kinh tế được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án nhà ở và dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ các tổ chức, cá nhân trong nước.

Chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai cũng vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới để thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển...

Mạnh dạn trao quyền cho Trưởng Đặc khu

Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu, hiện vẫn có 2 phương án được đưa ra là: Phương án không tổ chức HĐND và UBND tại ba đặc khu, thay vào đó, chính quyền tại đây sẽ là thiết chế Trưởng Đơn vị Hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) và bộ máy giúp việc, các cơ quan chuyên môn.

Trưởng đặc khu được trao quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội của đặc khu. Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Ưu điểm của phương án này là tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đặc khu; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; bảo đảm sự giám sát của các chủ thể có liên quan; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đặc khu. Chính quyền địa phương đặc khu là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW.

Hạn chế của phương án này, theo Tờ trình của Chính phủ là chính quyền địa phương là thiết chế Trưởng Đặc khu, không phải là một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND nên có thể dẫn đến lạm quyền nếu không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ.

Phương án 2 là Tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đặc khu, vẫn có HĐND và UBND, nhưng Tờ trình cho rằng chưa tạo được bước đột phá và đặc biệt về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; tổ chức bộ máy và nhân sự chưa tinh gọn; vẫn chủ yếu làm việc theo chế độ tập thể; thủ tục còn phức tạp; chưa tương thích với tính chất đặc biệt của chính sách kinh tế - xã hội của đặc khu; chưa tiệm cận các kinh nghiệm tốt trên thế giới.

Tòa án nhân dân đặc khu có cơ cấu tổ chức tương đương với Tòa án nhân dân cấp huyện, có thể bổ sung các Tòa chuyên trách và có Thẩm phán cao cấp; có thẩm quyền tương đương với Tòa án nhân dân cấp huyện trong việc xử lý các vụ việc, vụ án; đồng thời được bổ sung thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với các vụ việc, vụ án đặc thù về dân sự, hành chính (bao gồm cả các vụ án, vụ việc có yếu tố nước ngoài). Riêng các vụ án hình sự có thẩm quyền tương đương với Tòa án nhân dân cấp huyện.

Tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự tương ứng với tổ chức hoạt động, thẩm quyền của Tòa án. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan công an, quân đội, cơ quan tài chính, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội theo hướng tinh gọn, có đủ thẩm quyền để giải quyết nhanh các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh tại đặc khu.

 


Vũ Hân
.
.
.