Vì sao đường TP HCM tiếp tục xuất hiện lô cốt?

Thứ Sáu, 02/10/2009, 20:23
Kiểu đào rồi lại đào nữa không đúng như lý do nhà thầu đưa ra để được xin phép tiếp tục chiếm dụng mặt đường mà chính là hậu quả của việc chẻ thầu, xé nát phần việc, mạnh ai nấy làm.

Mặc dù hàng triệu người đã phải khổ sở với cảnh kẹt xe, ngập nước suốt thời gian qua, thế nhưng những ngày gần đây, dư luận và người dân thành phố hết sức bất bình khi lại phải chứng kiến cảnh một số đơn vị thi công tại Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiếp tục dựng hàng chục rào chắn, chiếm dụng mặt đường ở nhiều tuyến đường vừa được dỡ "lô cốt", tái lập xong như đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Kiệm, Hồ Văn Huê…

Thậm chí có những đoạn như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, "lô cốt" được đơn vị thi công dựng thành hàng hai, chiếm gần hết phần mặt đường và trùm cả lên vỉa hè.

Về vấn đề này, ông Trần Hồng Nam, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết: "Qua kiểm tra, các đơn vị thi công giải thích rằng sở dĩ có tình trạng này là do phải tiếp tục rào chắn trên những tuyến đã đào để đặt tiếp hố ga hoặc đấu nối các ống cống phụ vào tuyến cống chính. Đường hẹp, phải chừa lối cho phương tiện lưu thông nên không thể vừa đào đường đặt tuyến cống chính, vừa đào để xây dựng hố ga cùng lúc nên đào, tái lập rồi lại phải đào lại…".

Trước lý do này của nhà thầu, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu và được biết, nhiều vị trí vừa được dựng "lô cốt" để lắp đặt hố ga, vị trí chuẩn bị đào lần 2 không xê dịch là bao so với vị trí đã đào, tái lập xong.

Với những tuyến đường rộng trên 8 mét như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn từ Võ Văn Tần đến Nguyễn Thị Minh Khai, đơn vị thi công vẫn có thể dựng 2 "lô cốt" dàn hàng ngang để làm cùng lúc.

Người dân phải đi lại trong điều kiện đường sá không đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Ảnh: Đ.T..

Mặt khác, tuyến cống chính thường được đặt cặp sát một bên đường, "lô cốt" được dựng sát về một bên, tại sao khi thi công nhà thầu không làm luôn hố ga?

Như vậy, giải thích của nhà thầu đưa ra là không thuyết phục; kiểu đào rồi lại đào nữa không đúng như lý do nhà thầu đưa ra để được xin phép tiếp tục chiếm dụng mặt đường mà chính là hậu quả của việc chẻ thầu, xé nát phần việc, mạnh ai nấy làm. Điều này tiếp tục cho thấy sự tắc trách của đơn vị tư vấn giám sát, thiết kế và sự buông lỏng quản lý của chủ đầu tư khi bỏ mặc cho thầu chính, thầu phụ muốn làm gì thì làm.

Là những dự án trọng điểm của thành phố, nhưng trong quá trình thực hiện, nhà thầu không chỉ áp dụng những phương án thi công manh mún, bất chấp pháp luật, dư luận xã hội… việc liên tiếp vi phạm với hành vi không tái lập mặt đường, chiếm dụng hạ tầng giao thông khi không được phép… còn cho thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Ngang nhiên hơn, tại nút giao thông Ngã ba Cát Lái do nhà thầu Obayshi tổ chức thi công còn có tới 3 vị trí không được tái lập nhựa trong một thời gian dài.

Đã không khắc phục, nhà thầu này còn dùng những khối bê tông rất lớn vừa để che chắn phần mặt đường chưa trải nhựa, vừa làm dải phân cách để… tự phân luồng và lấn cả sang phần đường dành cho xe gắn máy.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên, sau khi đã bị đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, tổng thầu này còn được đại diện Ban quản lý dự án "xin" giúp với lý do "vì tiến độ gấp rút" để tiếp tục được… tự ý phân luồng phục vụ cho việc thi công của nhà thầu. Việc làm này của chủ đầu tư và "ông" thầu đã cho thấy lợi ích xã hội tiếp tục một lần nữa bị xâm hại...

"Tiền mất, tật mang" là thực trạng đã và đang diễn ra tại một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của TP HCM như Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đại lộ Đông Tây… khi đường sá bị băm nát; người dân luôn phấp phỏng trong điều kiện mất an toàn khi đi đường từ sự vô cảm của cơ quan quản lý và những hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của nhà thầu… Song thật đáng tiếc, tất cả những điều trái ngang này chính quyền thành phố vẫn tỏ ra bất lực?!

Đức Thắng
.
.
.